Phụ huynh lo ngại
Trước bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng, học sinh phải nghỉ học và tham gia khoá học trực tuyến. Mới đây, người học bắt đầu trở lại trường và tiếp tục học kỳ 2. Tuy nhiên, không ít phụ huynh bày tỏ lo ngại về sức khỏe của các con, khi trẻ em đi học trong mùa cao điểm nắng nóng.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, chị Quỳnh Trang - phụ huynh học sinh lớp 2 tại một trường tiểu học ở Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Tháng 5 và 6 thường là thời gian nắng, nóng nhất. Do đó, nếu các con học buổi sáng thì khi tan học sẽ rất nắng và nhiều gia đình không có người đưa đón hoặc trông con buổi chiều. Tuy nhiên, nếu các con bán trú ở trường, tôi lo ngại tình hình điều hòa, quạt không đủ mát để bảo đảm sức khoẻ cho học sinh”.
Trong khi đó, chị Mai Chi - một phụ huynh khác tại Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên năm nay, học sinh phải đi tới trường vào mùa hè. “Thời tiết ngày càng nóng. Trẻ phải đi học vào những ngày xấp xỉ 40 độ C thì quả thực là rất vất vả. Đặc biệt là tôi lo ngại các con có thể sẽ cảm nắng khi tan học”, nữ phụ huynh tâm sự.
Cũng theo chị Chi, phụ huynh và học sinh đứng ở cổng trường đều phải chịu cái nắng, nóng của mùa hè. “Người lớn còn mệt, huống chi các con. Tôi rất lo cho sức khoẻ trẻ khi phải đi học vào mùa hè”, chị nói thêm.
Chị Đặng Thục Hà My - giáo viên Tiếng Anh tại một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khẳng định, nhà trường luôn bảo đảm người học có được môi trường học tập tốt nhất. Tuy nhiên, chị My cũng bày tỏ lo ngại khi các con phải đi giữa thời tiết nắng, nóng. “Chính vì thế, các trường đều khuyến cáo học sinh hạn chế ra sân trường vào giờ giải lao. Tôi cũng thường xuyên nhắc các con uống nước, bảo đảm cơ thể không thiếu nước vào ngày hè”, chị My cho hay.
Cách bảo vệ sức khỏe các con
Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Vào mùa hè nắng nóng, trẻ em có thể có nguy cơ mắc một số căn bệnh như sốt xuất huyết, sởi, viêm não Nhật Bản B (thường xuất hiện vào cuối tháng 5 - đầu tháng 6). Trong đó, trẻ ở các tỉnh phía Bắc thường có nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản. Khu vực phía Nam phải đối mặt với dịch sốt xuất hiện trong khoảng tháng 5 - 6. Một số trẻ chưa được tiêm phòng sởi cũng có thể mắc bệnh này”.
Bên cạnh đó, PGS Nga cảnh báo, ở những em nhỏ hơn có thể bị tay chân miệng hoặc các bệnh về tiêu hoá như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm. Do đó, phụ huynh và nhà trường cần chú ý tới thực phẩm cho trẻ, đặc biệt là trong mùa hè, tránh để các con ăn phải những thực phẩm ôi, thiu.
Ngoài ra, sức khỏe trẻ em còn có thể bị tác động bởi yếu tố khí hậu. “Khi trời nắng, nóng như hiện tại, các em dễ bị say nắng, say nóng, dẫn đến hiện tượng đau đầu. Bên cạnh đó, các em có thể mệt mỏi khi chưa thích nghi được với thời tiết mùa hè. Nghiêm trọng hơn, một số trẻ khi đi từ phòng điều hoà ra ngoài trời nắng có thể bị mệt mỏi, thậm chí là ngất xỉu hay đột quỵ”, chuyên gia nói thêm.
PGS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, trẻ em không nên ra ngoài sân chơi trong giờ giảo lao, nếu thời tiết nắng, nóng. Khi về nhà, phụ huynh nên cho trẻ uống những loại nước có chất giải nhiệt, như nước ép hoa quả hay vitamin C. Tuy nhiên, các em cần tránh uống quá nhiều nước có đường. “Để thực hiện được những điều này, gia đình cần có sự quan tâm tới trẻ”, chuyên gia nói.
Ngoài ra, việc hạn chế để các con bị muỗi đốt dù là ở nhà hay ở trường cũng là yếu tố quan trọng, tránh để trẻ bị sốt xuất huyết. Về vấn đề ăn uống, trẻ không nên ăn tại những hàng, quán ở cổng trường không bảo đảm vệ sinh. Thay vào đó, các con nên ăn ở nhà, tránh ăn phải thực phẩm ôi, thiu do trời nóng.
Chia sẻ về việc một số phụ huynh vẫn bày tỏ lo ngại khi phải cho con tới trường dù dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, PGS Nguyễn Huy Nga khẳng định: “Dịch Covid-19 trong cộng đồng đã hết. Tuy nhiên, trên toàn quốc còn nhiều vấn đề khác, không chỉ riêng Covid-19. Về cơ bản, trường học đã an toàn”.
Cũng theo PGS Nga, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, tỷ lệ trẻ nhỏ nhiễm bệnh thấp hơn rất nhiều so với lứa tuổi khác. Bên cạnh đó, các trường học đã thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng trong phòng, chống dịch và có biện pháp bảo đảm an toàn. Do đó, phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm khi các con bắt đầu trở lại trường học.
PGS Nga chia sẻ, mặc dù nhiều người dân e dè và không dám đưa con đi tiêm phòng trong thời gian này, nhưng việc tiêm chủng cho trẻ là điều cần thiết. Trong trường hợp chưa được tiêm phòng, hoặc còn tiêm sót mũi thì cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm, đặc biệt là bệnh viêm não Nhật Bản và sởi. Hiện nay, các trung tâm đều thực hiện tiêm chủng an toàn, bảo đảm sức khoẻ cho trẻ nhỏ.
Để có thể hạn chế việc trẻ bị say nắng, say nóng trên đường đi học vào mùa hè, cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ trang phục chống nắng, đội mũ và đeo khẩu trang. Tuy nhiên, ngay khi vào lớp, trẻ phải bỏ những trang phục chống nắng đó ra và mặc những quần áo thoáng mát. Cha mẹ nên nhắc các con tránh mặc trang phục có chất liệu nóng, khó thoát mồ hôi. Trong trường hợp nhà trường không có đủ nước cho người học, trẻ phải mang nước đi. Cha mẹ và giáo viên cần nhắc các con uống nhiều nước. - PGS Nguyễn Huy Nga