Bị mẹ chồng thường xuyên lăng mạ, vì sao con dâu được khuyên không nên ly hôn?

GD&TĐ - Theo chuyên gia tâm lý, nguyên nhân của những mâu thuẫn mẹ chồng và nàng dâu thông thường xuất phát từ tranh chấp tình cảm của người con trai.

Bị mẹ chồng thường xuyên lăng mạ, vì sao con dâu được khuyên không nên ly hôn?

Tôi năm nay 26 tuổi, chồng tôi hơn tôi 6 tuổi. Anh ấy làm trong lĩnh vực xây dựng. Sau khi ra trường anh đề cập chuyện cưới tôi, nhưng về nhà bố mẹ tôi đã phản đối quyết liệt. Khi đó, tôi đã bỏ nhà đi để ép bố mẹ phải đồng ý.

Tưởng rằng được sống cùng người mình yêu thương sẽ rất hạnh phúc nhưng tôi đã vỡ mộng sớm. Cưới xong, tôi có bầu luôn nên ở nhà cùng mẹ chồng. Mẹ chồng thường xuyên đay nghiến và khinh thường tôi suốt ngày chỉ ở nhà ăn bám, không kiếm được đồng nào cả.

Chồng tôi sau vài tháng cũng thất nghiệp. Các cụ nói không sai “nhà cư vi bất thiện”. Anh ấy lao vào rượu chè, gái gú, đề đóm, số tiền mừng cưới và vàng anh nướng hết vào thú vui của mình.

Ngày tôi sắp sinh, không có tiền trong người, anh bảo nhờ mẹ chồng đóng viện phí giúp, sau sẽ trả bà. Đến ngày đóng viện phí, bà kiếm cớ đi công việc, thật may là mẹ đẻ tôi kịp đến để đóng và hỗ trợ.

Ở trong viện 3 ngày, mẹ đẻ chăm sóc tôi từng chút một, mẹ chồng thì lộ mặt gọi cho có. Sau khi về nhà được 1 tuần, mẹ chồng tôi bắt tôi làm hết mọi thứ cơm nước giặt giũ trong nhà. Chồng tôi cũng thương tôi nhưng chỉ dám góp ý mẹ sau lưng, chứ chưa bao giờ bảo vệ tôi trước mặt.

Khi được góp ý, mẹ chồng lại lấy nước mắt ra kể lể ngày xưa vất vả thế nào, thành ra chồng tôi không ý kiến gì nữa.

Có hôm con ốm quấy, tôi chưa kịp nấu cơm, mẹ chồng mắng chửi, xúc phạm tôi và cả bố mẹ tôi. Bức xúc quá, tôi có nói lại thì bà lao vào đánh tôi.

Đã không ít lần bà xúc phạm gia đình đẻ nhà tôi. Chồng biết nhưng chỉ tâm sự và mong tôi thông cảm cho anh ở giữa. Yêu vợ nhưng không thể bất hiếu với mẹ.

Được 1 năm, tôi bị bà đánh gãy tay. Mẹ đẻ tôi đến để chăm sóc. Được mấy ngày thì mẹ tôi cũng không chịu nổi tính chọc ngoáy nói khó nghe của mẹ chồng nên gọi bảo em trai tôi lên đón mẹ về. Khi ra về bà cũng sinh sự với thông gia.

Sau đó tôi đã quyết định ly hôn, nhưng chồng không chịu, anh luôn thuyết phục tôi sống vì con, tôi động lòng nên lại cố chịu đựng.

Cách đây 3 năm, bố mẹ đẻ tôi xin cho tôi một công việc gần nhà chồng, đồng thời chồng tôi cũng kiếm được công việc khá tốt.

Anh thay đổi, hai vợ chồng cùng đi làm và lương hàng tháng đưa bà gần hết, giữ lại một chút để mua đồ chơi cho con. Nhưng bà vẫn không vừa ý, thỉnh thoảng chửi mắng tôi, luôn khinh thường tôi và gia đình bố mẹ tôi.

Giờ tôi không biết nên như thế nào nữa, ly hôn thì thương con, tiếp tục với người mẹ chồng như vậy tương lai tôi có tốt hơn được không?.

Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng gợi ý cách ứng xử của con dâu

Khi yêu, mọi thứ nhẹ nhàng như ngồi thuyền trong ao. Đến khi bước vào cuộc hôn nhân là con thuyền ra ngoài biển lớn nên rất nhiều bạn trẻ chưa kịp chuẩn bị hành trang kỹ càng đã phải trả giá lớn cho cuộc hôn nhân của mình.

Trong hôn nhân, người chồng đóng vai trò quyết định rất nhiều tới hạnh phúc gia đình, nhưng trong câu chuyện nhà bạn thì anh chồng chưa được như vậy. Anh ta yêu vợ nhưng lại không đủ can đảm bảo vệ vợ nên vợ phải cố gắng chịu đựng hết lần này đến lần khác khiến bản thân đầy tổn thương.

Chuyên gia tâm lý cho biết, đã từng hỗ trợ nhiều trường hợp tương tự và phát hiện ra rằng: Có những tình huống mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là do tính cách, văn hóa, ứng xử không hợp nhau, nhưng có trường hợp do mẹ chồng ghen với con dâu vì cảm giác bị san sẻ tình cảm với con.

Nhiều anh chồng không để ý, quan tâm vợ trước mặt mẹ, hay thờ ơ không quan tâm mẹ như trước sẽ khiến mẹ chồng có cảm giác con dâu đã cướp mất con trai của mình thành ra mẹ chồng coi con dâu như kẻ thù, chia rẽ tạo ra mâu thuẫn vợ chồng.

Cuộc hôn nhân của bạn trẻ này được khoảng 5 năm, những ngày tháng tồi tệ nhất đã trải qua, hiện tại con bạn đã lớn hơn, công việc của bạn và chồng đều thuận lợi, và chồng bạn cũng đã thay đổi rất nhiều.

Vấn đề lúc này là mối quan hệ với mẹ chồng bạn. Do đó, việc suy nghĩ tới ly hôn giai đoạn này là điều người phụ nữ thông minh không nghĩ tới.

Mối quan hệ hiện tại với mẹ chồng là quá trình dài tích tụ tạo ra, vậy nên để cải thiện được bạn cũng cần thời gian và hướng đi đúng đắn mới có thể giúp chính mình, chồng và mẹ chồng bớt căng thẳng.

Giải pháp tốt nhất vẫn là cách ly môi trường hiện tại, nghĩa là vợ chồng bạn ra ở riêng nhưng trong hoàn cảnh của bạn thì không khả thi, vậy nên mình cần học cách chung sống với mẹ chồng.

Đầu tiên, bạn cần học cách yêu thương bản thân mình nhiều hơn. Với chồng, bạn nên tâm sự chia sẻ ra những cảm xúc tiêu cực hàng ngày để chồng hiểu và bằng cách nào đó anh ấy sẽ bù đắp cho bạn nhiều hơn.

Thứ hai, với mẹ chồng, bạn gái này nên hạn chế tiếp xúc tối đa. Về tài chính, bạn nên có sự phân chia hợp lý hơn, vợ chồng đưa mẹ đủ phần chi tiêu, phần cần giữ để vợ chồng có kế hoạch riêng. Chắc chắn là mẹ chồng bạn sẽ phản ứng mạnh nhưng việc đấu tranh này là cần thiết để bạn có thể độc lập được. Có độc lập mới có tự do.

Thứ ba, bị mẹ chồng “đụng chạm” đến bố mẹ đẻ là điều khó chịu nhất của con dâu. Dù ấm ức đến mấy, con dâu cũng không được “hỗn láo” hay thách thức mẹ chồng.

Bạn cũng nên thuyết phục bố mẹ đẻ rộng lượng không nên phân định đúng sai mà tập trung hướng về hạnh phúc của con cái. Bố mẹ bạn hạ mình trước có thể khiến mẹ chồng bạn suy nghĩ mà thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ