Bi kịch của những nàng thơ yêu danh họa Picasso

GD&TĐ - Trong 7 phụ nữ quan trọng nhất với họa sĩ thiên tài thì hai người tự sát, hai người bị rối loạn tâm lý.

Bi kịch của những nàng thơ yêu danh họa Picasso

Gần đây, tại Mỹ, bức Cô bé và giỏ hoa được bán với giá 115 triệu USD của Picasso gây tranh luận. Bức vẽ thể hiện một cô gái khỏa thân với cơ thể được cho là của một trẻ vị thành niên.

Merrill - giám đốc tài năng tại The Wing (một không gian cộng đồng dành cho phụ nữ) - cho rằng bức tranh của Picasso cần được điều tra bởi ông lo ngại khả năng Linda - nhân vật trong tranh - bị danh họa lạm dụng lúc vẽ. "Chúng tôi muốn biết tại sao Picasso lại chọn vẽ đứa trẻ trần truồng này và những điều ông ấy cố gắng truyền đạt bằng cách thức như vậy", Merrill nhận định trong thư gửi Huffpost.

Giữa phong trào Me Too (chống lạm dụng tình dục) đang lên cao, nhiều người đặt vấn đề về cách Picasso sử dụng người mẫu cũng như đối xử với họ. Cao hơn là cách ông đối xử với phụ nữ - bởi họ đa phần là nguyên mẫu cho tranh của ông.

Không phải lần đầu tiên vấn đề này được đặt ra. Năm 2001, trong cuốn sách Picasso: My Grandfather, Marian Picasso - một trong những cháu gái của danh họa - cho rằng Picasso đối xử tệ với phụ nữ. Marian Picasso là con gái của Paulo Picasso - con trai của danh họa với người vợ đầu, Olga Khokhlova.

Cô chia sẻ: "Picasso đã thuần hóa, mê hoặc và dày vò họ để thăng hoa trong nghệ thuật. Sau khi trải qua nhiều đêm giải phóng cơ thể phụ nữ, Picasso sẽ vứt bỏ người tình một khi họ khô héo". Marian cũng chia sẻ những câu chuyện ẩn khuất trong gia đình: "Không ai trong gia đình tôi có thể thoát được sự dày vò của thiên tài ấy. Ông nội tôi cần máu để ký lên mỗi bức tranh sau khi chúng hoàn thiện. Đó là máu của cha tôi, anh tôi, mẹ tôi, bà tôi và chính tôi. Ông ấy cần máu của những người yêu thương”.

Theo Paris Review, Diana Widmaier - cháu gái khác của danh họa - nói tại triển lãm cá nhân ở Paris năm 2017: “Không ai sử dụng và lạm dụng phụ nữ của mình giống như nghệ sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20”. Picasso từng nói với Francoise Gilot - học trò, người tình kém danh họa 40 tuổi: “Phụ nữ là những cỗ máy gây đau khổ. Đối với tôi chỉ có hai loại phụ nữ: nữ thần hoặc thảm chùi chân”.

Theo Irish Times, 80% tác phẩm của Picasso vẽ về phụ nữ mang ẩn ức tình dục hơn là tình yêu. Picasso quan niệm: “Vẽ tranh như là cách khác lưu giữ cuốn nhật ký”. Những sáng tác của Picasso chứa đầy khoái cảm tình dục và sự lạm dụng thân thể phụ nữ.

Bức The Dream của Picasso.

Bức "The Dream" của Picasso.

Trong bức Woman Reading, Picasso vẽ người tình Marie, da của Marie có màu tím nhạt, mái tóc vàng và đôi mắt hình quả hạnh nhân. Trong mỗi bức tranh, người tình của Picasso thường tạo dáng trong tư thế ngồi trên ghế bành hoặc nằm xuống. Bức The Dream thể hiện rõ ràng hơn khoái cảm của Picasso với phụ nữ. Ông vẽ Marie ngủ trên ghế, đầu tựa vào một bên vai. Phía trên khuôn mặt cô là hình dạng của dương vật. Bàn tay đặt ở bộ phận sinh dục, gợi tư thế thủ dâm. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1974 với Đài phát thanh Văn hóa Pháp, Marie nói rằng danh họa đã lạm dụng thể xác cô trước khi hai người bắt đầu công việc tại phòng vẽ.

Phần lớn phụ nữ gắn bó Picasso có số phận bất hạnh. Trong bảy phụ nữ được cho là quan trọng nhất với Picasso thì hai người tự sát, hai người bị rối loạn tâm lý. Năm 1904, danh họa yêu Fernande Oliver - cảm hứng chính trong sáng tác của Picasso thời kỳ Hoa Hồng (giai đoạn danh họa sử dụng màu cam và hồng, tương phản với nhiều tông màu nhạt). Sau này, Oliver ngoại tình với một nghệ sĩ người Italy kém tuổi. Điều này khiến Picasso tức giận. Ông chia tay Olivier để quan hệ với Marcelle Humbert - người mà ông gọi là “Eva” trong một số bức tranh lập thể. Marcelle là người khó nắm bắt, bí ẩn nhất trong bảy phụ nữ của nghệ sĩ.

Picasso và vợ - Olga Khokhlova.

Picasso và vợ - Olga Khokhlova.

Năm 1918, họa sĩ cưới diễn viên ballet Olga Khokhlova - người vợ đầu. Cả hai có con chung tên Paulo. Buồn chán vì sự nghiệp múa sớm kết thúc, chồng lại ra ngoài lăng nhăng, Olga trở nên điên loạn và thường xuyên tấn công các người tình của Picasso. Cuộc hôn nhân kéo dài 17 năm, sau đó vợ chồng ông ly thân năm 1935. Luật hôn nhân Pháp quy định sau khi ly hôn sẽ phải chia đôi tài sản nên Picasso chỉ ly dị khi Olga mất năm 1955.

Trong thời gian sống với Olga, nghệ sĩ bí mật quen cô gái 17 tuổi Marie - Therese Walter vào năm 1927. Họ có chung con gái tên Maria. Marie luôn ảo tưởng về sự chung thủy của Picasso với cô và nuôi hy vọng một ngày trở thành vợ hợp pháp. Sau này, khi Picasso qua đời được bốn năm, Marie treo cổ tự vẫn. Theo Los Angeles, sự ra đi của Marie có liên quan đến cái chết của danh họa.

Trong thời gian yêu Marie, Picasso nảy sinh tình cảm với nhiếp ảnh gia, họa sĩ Dora Maar (giai đoạn cuối thập niên 1930). Marie cùng Dora tranh giành Picasso. Dora Maar có mối tình kéo dài tám năm với danh họa. Về sau, Picasso dành tình cảm cho cô gái khác tên Francoise Gilot. Điều này khiến Dora suy sụp tinh thần, đến mức Picasso phải đưa bà vào bệnh viện chữa trị.

Năm 63 tuổi, Picasso yêu Francoise Gilot - sinh viên chuyên ngành nghệ thuật. Cả hai có chung hai con là Claude và Paloma. Khác với những người tình trước đó của Picasso, Francoise là người chủ động rời bỏ ông. Cú sốc này khiến danh họa nghĩ bản thân đã già và trở nên kỳ quặc trong mắt phụ nữ. Điều này tác động rõ rệt trong tâm lý sáng tác của Picasso. Một vài tác phẩm của ông miêu tả người lùn già nua đối lập cô gái trẻ đẹp.

Thế nhưng, không lâu sau, ông tìm được người tình khác tên Jacqueline Roque - công nhân xưởng gốm. Hai người duy trì mối quan hệ suốt phần đời còn lại của Picasso. Danh họa tổ chức đám cưới với Jacqueline năm 1961 như cách trả thù Francoise vì đã tự ý rời bỏ ông. Sau khi Picasso qua đời, Jacqueline nghiện rượu, thần kinh bất ổn và tự sát năm 1986.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ