Bi kịch của người lính 'gay' trên hoang đảo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vào tháng 1/1726, con tàu James và Mary của Công ty Đông Ấn thuộc Anh cập đảo Ascension ở Đại Tây Dương.

Đảo Ascension.
Đảo Ascension.

Vào tháng 1/1726, con tàu James và Mary của Công ty Đông Ấn thuộc Anh cập đảo Ascension ở Đại Tây Dương. Đổ bộ và thăm dò vùng đất hoang vu này, các thủy thủ phát hiện một chiếc lều cho thấy có sự hiện diện của con người.

Từ quyển nhật ký tìm được, mọi người đã khám phá điều gây kinh ngạc: Đảo từng là nơi lưu đày một thủy thủ… đồng tính người Hà Lan.

Từ người lính đến tội đồ

Trong gần ba thế kỷ, danh tính của người bị lưu đày trên hoang đảo Ascension vẫn là một bí ẩn. Theo ấn bản năm 1726 dịch sang tiếng Anh từ quyển nhật ký mang tên Sodomy Punish’d, anh ta được gọi là “Leondert Hussenlosch”.

Tuy nhiên, trong một phiên bản khác, có tựa đề An Authentick Relation, danh tính của người lính trên không được đề cập. Mãi đến năm 2002, nhà sử học người Hà Lan, Michiel Koolbergen, mới xác định chính xác tên người thủy thủ là Leendert Hasenbosch.

Leendert Hasenbosch sinh ở The Hague (Hà Lan) vào năm 1695. Lên 18 tuổi, anh trở thành quân nhân thuộc Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) và được cử đến Batavia, nằm trên bờ biển phía Bắc của Java (Indonesia), làm nhiệm vụ bảo vệ một pháo đài trọng yếu.

Thời ấy, cuộc sống của những người lính xa xứ tẻ nhạt và gian khổ nhưng Leendert may mắn có cha và các chị gái đang sống ở Batavia. Họ chuyển đến đây vài năm trước đó sau cái chết của mẹ anh. Do đó, Leendert thường xuyên về thăm gia đình, vui vẻ bên người thân.

Một năm sau, Leendert được chuyển đến Pháo đài Cochin ở Ấn Độ và phục vụ ở đây gần 5 năm, trước khi trở lại Batavia làm thư ký, chịu trách nhiệm về sổ sách kế toán trong quân đội.

Vào tháng 12/1724, một đội tàu do Thiếu tướng Ewout van Dishoeck chỉ huy bắt đầu hành trình trở về quê nhà. Trong số thủy thủ đoàn có Leendert, đang đảm nhận vị trí kế toán trên con tàu có tên là Prattenburg.

Đội tàu đến Cape Town (Nam Phi) vào tháng 3/1725, và sau khi ở lại đó vài tuần, chiếc Prattenburg tiếp tục cuộc hành trình. Tàu rời cảng không lâu, chỉ huy đội tàu và các thuyền trưởng đã họp và cùng quy kết Leendert tội sodomy (“kê gian”, tức sự giao hợp giữa những người đàn ông với nhau hoặc với thú cái).

Vào thời điểm này, sodomy được xem là một trong những tội lỗi nghiêm trọng nhất ở châu Âu theo Cơ Đốc giáo. Các hình thức quan hệ tình dục đồng giới đều bị trừng phạt nghiêm khắc. Hồ sơ pháp lý của Cape Town đối với các tàu VOC chỉ ra rằng, từ năm 1700 đến năm 1794, đã có 44 phiên tòa xét xử tội quan hệ tình dục đồng giới liên quan đến 150 cá nhân.

Hầu hết, trong số họ đều bị trói và ném xuống biển. Leendert thoát tội chết nhưng bị trục xuất lên đảo Ascension, còn “đối tác” của anh có thể phải đối mặt với án tử. Trong những tháng Leendert ở trên đảo, những ký ức về người yêu đã mất thường ập đến ám ảnh anh trong những đêm cô đơn.

Minh họa người lính 'gay' bị bỏ trên hoang đảo và quyển nhật ký của anh được xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 1726.

Minh họa người lính 'gay' bị bỏ trên hoang đảo và quyển nhật ký của anh được xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 1726.

Một mình trên đảo hoang

Leendert bị bỏ trên đảo hoang vào ngày 5/5/1725 cùng với một thùng nước lớn, hai chiếc xô và một chảo chiên cũ cùng nhiều thứ lặt vặt khác. Anh dựng lều trên bãi biển gần một tảng đá và để một số quần áo của mình trong đó.

Khám phá hòn đảo, Leendert ngay lập tức rơi vào trạng thái tuyệt vọng khi nhận thấy nơi này có rất ít cơ hội để sinh tồn. Anh viết: “Tôi thật lòng mong muốn một tai nạn nào đó đến với tôi để kết thúc những ngày khốn khổ này”.

Để sống sót, anh đi tìm một số loài chim chậm chạp và rùa trên bãi biển làm thức ăn. Trong khi cố gắng vận chuyển thùng nước về lều, anh bị ngã khiến lượng nước thất thoát đáng kể. Đây thực sự là một thảm họa vì hòn đảo này rất ít nguồn nước ngọt.

Hằng ngày, Leendert ra bãi biển phóng tầm mắt nơi đường chân trời, trông chờ một con tàu nào đó xuất hiện giải cứu mình, nhưng anh luôn thất vọng não nề. Để khuây khỏa, anh đã nuôi một con chim boobie làm vật cưng, nhưng rồi nó cũng chết chỉ trong vài ngày. Anh cũng thử trồng hành và đậu Hà Lan, nhưng chúng đều bị loài gặm nhấm phá nát.

Đến giữa tháng 6, Leendert không còn một giọt nước ngọt nào. Tìm cách đào giếng lấy nước nhưng vô ích, cuối cùng, anh đi theo một số con dê rừng đến một nguồn nước nhỏ ở một nơi xa xôi trên đảo. Tuy nhiên, nguồn đó cũng cạn kiệt vào đỉnh điểm của mùa Hè.

Lúc này, tâm trí Leendert bắt đầu hoảng loạn, anh luôn bị ảo giác. Một đêm nọ, anh nhìn thấy hồn ma của một đồng đội ở Batavia. “Anh ấy trò chuyện với tôi như một con người, khiến tôi vô cùng ân hận về những tội lỗi trong kiếp trước (mà tôi đã thành tâm sám hối)”, anh viết.

Hồn ma tiếp tục xuất hiện trong những ngày tiếp theo. Để bớt lo sợ khi bóng tối tràn ngập, anh cố gắng thắp đèn suốt đêm, nhưng nó vô tình bị đổ và vỡ tan. Ảo giác không ngừng khiến anh bị giày vò bởi tội lỗi và sự trừng phạt mà mình phải gánh chịu.

Đến cuối tháng 8, nước dự trữ đã hết và trời không mưa, Leendert phải uống máu rùa và rắn, thậm chí cả nước tiểu của mình. Vào ngày 31/8, anh viết: “Tôi đang đi bộ, hay nói đúng hơn là đang bò trên cát vì quá kiệt sức”.

Càng ngày, anh càng yếu hơn: “Tôi suy sụp lắm rồi, chỉ còn là bộ xương, không viết chi tiết được, tay run lắm”. Những dòng chữ của anh bắt đầu xiên xẹo và ngắn hơn.

Ngày 7/10, một dòng ghi xuất hiện trong nhật ký: “Củi đã hết, tôi buộc phải ăn thịt sống và gia cầm ướp muối. Tôi không thể sống lâu hơn nữa, hy vọng Chúa sẽ thương xót linh hồn tôi”.

Từ ngày 8/10 - 14/10, anh chỉ viết một từ: “Ditto” (như trên).

Leendert có lẽ đã chết vào ngày 14 hoặc hôm sau. Quyển nhật ký của anh được thủy thủ đoàn của tàu James và Mary tìm thấy ba tháng sau đó. Đáng ngạc nhiên, thi thể của anh ta không được tìm thấy.

Có lẽ, dùng chút sức lực cuối cùng, anh lê mình ra biển để gột rửa nỗi buồn và những tội lỗi đã nhận thức được. Cũng có người cho rằng, anh được một con tàu đi ngang giải cứu, nhưng giả thuyết này khó đứng vững.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm tác giả nghiên cứu bột vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt giúp nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi.

Vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt

GD&TĐ - Thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men giúp vịt mau lớn, tăng sức đề kháng là sản phẩm của nhóm HS Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (Bình Đại, Bến Tre).
Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.