Bỉ: Ba lần sát hạch không đạt, giáo viên sẽ bị sa thải

GD&TĐ - Nhiều năm qua giáo dục Bỉ cũng luôn xoay quanh đề tài đổi mới để phù hợp với sự phát triển của cuộc sống. Và ở vị trí địa chính trị đặc biệt (ba vùng với ba ngôn ngữ chính Hà Lan, Pháp, Đức), giáo viên Bỉ luôn  phải đối diện các kỳ sát hạch  hàng năm. Ngay từ bậc tiểu học, mỗi trường học theo môn tự chọn, mỗi vùng một chương trình giáo dục.

Bỉ: Ba lần sát hạch không đạt, giáo viên sẽ bị sa thải

Giáo viên và “sát hạch” của thanh tra

Mỗi khi nhớ về nghề, mẹ chồng tôi- giáo viên trường THPT đã về hưu thường kể “Những năm đầu mới về trường, mẹ phải dạy 8 môn. Dạy môn nào thì mỗi năm phải trải qua kỳ kiểm tra- sát hạch với thanh tra giáo dục môn ấy. Vậy là hầu như tháng nào, tuần nào cũng phải làm việc với thanh tra để đảm bảo đủ khả năng dạy cả 8 môn. Căng thẳng lắm. Có lần thanh tra giáo dục thấy mẹ mệt mỏi quá, đã khuyên nên xin hiệu trưởng giảm bớt số môn dạy, như thế mới tập trung chuyên môn sâu được.”

Ấy là chuyện cách đây ba bốn chục năm. Bây giờ giáo viên THPT thường chỉ dạy 2- 3 môn. Việc sát hạch chất lượng giáo viên theo từng năm giao cho hiệu trưởng và hội đồng trường chứ không thuộc chức năng thanh tra giáo dục như trước. Hoạt động thanh tra giáo dục gần như chuyển từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra quản lý.

Dù là thời nào, ở Bỉ giáo viên cũng không hề có khái niệm “biên chế” hay “hợp đồng dài hạn”. Mẹ chồng tôi sau khi đã đứng trên bục giảng lâu năm, chốt lại ba môn dạy chính là Lịch sử, tiếng Pháp và tiếng Hà Lan, đúc kết “Lúc nào cũng phải dồn hết tâm sức dạy học. Lứa học trò năm nay có khi cũng là lứa học trò cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Còn năm sau, hội đồng thanh tra giáo dục quyết xem mình còn được tiếp tục dạy nữa không. Qua ba lần kiểm tra chất lượng không đạt, giáo viên sẽ mất việc. Giáo viên đó cũng có thể đi xin việc trường khác. Nhưng với cái gọi là chuyên môn kém đã lưu vào hồ sơ việc làm như vậy, xin vào trường mới cũng không dễ. Phải theo các khóa đào tạo lại về chuyên môn là đương nhiên.”

Tại Bỉ, từ bậc mẫu giáo cho đến tiểu học, trung học, phụ huynh và học sinh đang có nhiều lựa chọn: hoặc vào hệ thống trường Công giáo, trường của chính quyền địa phương, trường của chính phủ, trường tư- quốc tế hoặc trường giáo dục kiểu mở. Riêng vùng Flander (nói tiếng Hà Lan) nơi tôi đang ở, hệ thống giáo dục phổ thông chia làm hai cấp: tiểu học (từ 6 đến 12 tuổi) và trung học phổ thông (12 đến 18 tuổi).

 Đây là hai cấp học bắt buộc, miễn học phí. Riêng hệ mẫu giáo cũng miễn phí cho trẻ từ 2 tuổi rưỡi đến 5 tuổi, nhưng không bắt buộc. Để khuyến khích học sinh kiên trì đến trường, đặc biệt giai đoạn ba năm cuối bậc THPT (lớp 10, 11 và 12 theo như chia cấp tại Việt Nam), chính quyền vùng Flander có thể kéo dài thời gian trợ cấp tiền nuôi trẻ hàng tháng cho đến 21- 24 tuổi. Tức là nếu quyết định lên đại học, học sinh này vẫn tiếp tục được chính phủ trợ cấp tiền hàng tháng. Nhưng dừng học hoặc bỏ học, khoản trợ cấp sẽ bị cắt cho đến khi học sinh này quyết định quay lại trường hoàn thành nốt hệ trung học phổ thông.

Cầm tay trẻ hay gõ đầu trẻ?

Mỗi khi tôi trở lại thăm Việt Nam, người thân và bạn bè hay hỏi “Con cái đi học cả rồi, bao giờ mẹ nó định tìm việc làm, làm kiếm thêm thu nhập chứ cứ ngồi nhà mãi cũng bí bách.” Nói đúng quá. Cả nhà năm miệng ăn, chỉ chồng tôi đi làm, tức là một đầu lương, lại phải mua vé về thăm quê hai năm một lần, chịu sao nổi?

Lịch trình hàng ngày của một bà nội trợ bất đắc dĩ như tôi sơ lược thế này: 8h30 sáng đưa con đi học, 3h30 đón về, riêng thứ Tư chỉ học đến 11h20, không học thêm cuối tuần và các kỳ nghỉ. Kỳ nghỉ, chao ôi nghỉ nhiều vô kể và xen kẽ theo mùa khiến đôi khi tôi nghĩ giáo viên chính là nghề lý tưởng nhất: một tuần nghỉ thu, hai tuần nghỉ năm mới và giáng sinh, một tuần nghỉ cuối đông, hai tuần nghỉ lễ Phục sinh, hai tháng nghỉ hè, cùng nhiều ngày nghỉ rải rác khác trong năm.

Chính vì được nghỉ nhiều như thế, giáo viên mới liên tục được nạp năng lượng để đến trường dịu dàng cầm tay trẻ dạy dỗ. Chính vì nghỉ nhiều như thế, một bà mẹ như tôi quả khó tìm được việc làm phù hợp nếu không muốn mang con gửi trẻ sau giờ học (rất tốn kém). Khi đăng ký cho con ở lại trường để luyện tập thể thao thêm một giờ, tôi hỏi con trai 6 tuổi “Thày dạy thể dục của trường cũng dạy luôn môn vận động ngoài giờ học này chứ?”. Con trai tôi lắc đầu “Không, thuê giáo viên ở trung tâm thể dục bên ngoài vào dạy chứ. Thầy thể dục của trường không được phép dạy thêm ngoài giờ.”

Như tiêu chí đã thành khẩu hiệu dán trên hành làng trong trường tiểu học của các con tôi “mỗi học trò là một tài năng”, cách dạy học cũng như phân loại chất lượng cần uyển chuyển, không thể đóng khung cứng nhắc và phân loại cứng nhắc. Trong đề bài thuyết trình về một người nổi tiếng giao cho học sinh lớp Bảy thực hiện, Kate- con gái 12 tuổi của chúng tôi chọn Albert Einstein. “Tôi không có tài năng đặc biệt. Tôi chỉ là người đam mê tìm hiểu”, Kate chọn cách trích dẫn các câu nói nổi tiếng của Einstein để khéo léo giới thiệu về toàn bộ thân thế, sự nghiệp thiên tài Đức này. Mẹ chồng tôi giúp Kate chọn loại giấy bồi- làm từ bột giấy cũ, in ảnh Einstein trong nhiều tư thế ngộ nghĩnh, được giáo viên đánh giá “Bài thuyết trình hay và đẹp nhất trong đời giáo viên của tôi tính đến nay.”

Việc các vùng, mỗi trường theo đuổi một cách thi riêng, thậm chí cách dạy riêng, theo tôi cũng tạo nên nhiều màu sắc cho giáo dục. Đơn cử, cũng là học sinh lớp Một, nhưng con của bạn tôi đang sống ở gần Antwerpen lại chưa phải làm bài thuyết trình trong khi con trai tôi đã phải chuẩn bị bài thuyết trình trong một phút về một con vật, hoặc đồ chơi yêu thích. Một phút cho một đứa trẻ 6 tuổi đứng nói trước cả lớp kể ra cũng khá nặng. Vào tiểu học, các bài thuyết trình tăng dần lên, học sinh lớp Năm và Sáu có thể phải thuyết trình mỗi tháng một lần.

Mẹ chồng giúp con trai tôi làm bài thuyết trình đầu tiên trong đời- Loài nhện: từ nhện độc tarantula sống chủ yếu trong các khu rừng ẩm thấp nhiệt đới, ai không may bị nhện này cắn có thể hôn mê sâu, đến loại nhện nhà chân dài bằng ngón tay trẻ em nhưng không đáng sợ, và kết thúc bằng bức ảnh loài nhện khổng lồ Goliath vùng rừng Nam Mỹ kích cỡ đầu người, có khả năng ăn thịt cả một con chim. Con trai tôi về nhà hồ hởi kể “Các bạn toàn chọn thuyết trình về chó, mèo, thỏ, gà, chim... Chỉ con chọn nhện, ai cũng chăm chú nghe và con nhận được nhiều câu hỏi nhất.” Mẹ chồng tôi gật gù “Có thế chứ. Phải chọn những đề tài mới lạ, độc đáo, cách kể chuyện hấp dẫn mới mở ra nhiều kiến thức bổ ích, khiến người ta chú ý lắng nghe mình, cháu ạ.”

Mẹ chồng tôi sau khi đã đứng trên bục giảng lâu năm, chốt lại ba môn dạy chính là Lịch sử, tiếng Pháp và tiếng Hà Lan, đúc kết “Lúc nào cũng phải dồn hết tâm sức dạy học. Lứa học trò năm nay có khi cũng là lứa học trò cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Còn năm sau, hội đồng thanh tra giáo dục quyết xem mình còn được tiếp tục dạy nữa không. Qua ba lần kiểm tra chất lượng không đạt, giáo viên sẽ mất việc. Giáo viên đó cũng có thể đi xin việc trường khác. Nhưng với cái gọi là chuyên môn kém đã lưu vào hồ sơ việc làm như vậy, xin vào trường mới cũng không dễ. Phải theo các khóa đào tạo lại về chuyên môn là đương nhiên.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ