Phần thi thể còn lại của công chúa Nga Ukok từng được bảo quản trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu của một cao nguyên ở tây nam Siberia, Nga suốt 2.500, cho tới khi được nhà khoa học Natalia Polosmak đến từ thành phố Novosibirsk phát hiện và khai quật vào năm 1993. Khám phá này từng được ca ngợi là "một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất thế kỷ 20".
Tuy nhiên, việc di dời xác ướp của công chúa Ukok đã khiến những cư dân cao tuổi ở địa phương lo ngại. Họ kêu gọi nhà chức trách đưa xác ướp trở về nơi an táng để "ngăn cơn thịnh nộ của công chúa". Họ quả quyết, trận lụt tồi tệ nhất trong 50 năm ở Altai và hàng loạt vụ động đất tại nơi này là do công chúa quá cố gây ra.
Từ thời xa xưa, người dân địa phương đã tin rằng, sự hiện diện của xác ướp ở hầm mộ giúp ngăn chặn lối vào âm ty.
Báo Siberian Times vừa đưa tin cho biết, nhà chức trách cuối cùng đã thông qua các kế hoạch cải táng xác ướp ở dãy núi Altai của Nga và xây dựng một lăng mộ đặc biệt để tưởng niệm bà. Tọa lạc trên vùng đồng cỏ tinh khôi của cao nguyên Ukok cao 2.500 mét, lăng mộ xinh đẹp dành cho công chúa Ukok có thể được khởi công vào năm tới.
Công chúa Ukok được cho là cao 1m62, mới 25 - 28 tuổi khi qua đời. Nguyên nhân cái chết của bà có thể vì bệnh ung thư, nhưng các nhà khoa học nhận định, bà cũng từng bị ngã ngựa trước khi mất. Thi thể của bà được phát hiện bảo quản trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu cùng với xác 2 người đàn ông an táng gần đó.
Các chuyên gia khảo cổ còn tìm thấy 6 con ngựa, cùng các bộ yên và dây cương được chôn cất quanh xác công chúa. Chúng được cho là đội hộ tống linh hồn công chúa tới thế giới bên kia, cùng với một bữa ăn gồm thịt cừu và thịt ngựa.
Ngoài ra, nhóm khảo cổ còn phát hiện các đồ trang trí làm bằng dạ, gỗ, đồng và vàng cũng như một chiếc hộp nhỏ chứa cây gai dầu và một phiến đá để đốt cháy các hạt mùi.
Từ quần áo và của cải của xác ướp, kể cả một "túi mỹ phẩm", các nhà khoa học đã có thể tái dựng các bí quyết thời trang cũng như chăm sóc sắc đẹp của bà. Công chúa mặc một chiếc váy dài làm từ lụa Trung Quốc và đi những chiếc ủng viền dạ được trang trí rất đẹp.
Vào thời điểm đó, lụa Trung Quốc chỉ được sử dụng trong các đám tang hoàng gia của người Pazyrk, vì nó đắt hơn vàng và là dấu hiệu chứng tỏ sự giàu có cũng như địa vị của người chết. Đầu của công chúa đã được cạo trọc hoàn toàn và đội một bộ tóc giả làm từ lông ngựa và gắn một hình con hươu gỗ trên đỉnh.
Da trên khuôn mặt và cổ của công chúa không lưu giữ được, nhưng da ở cánh tay trái của bà vẫn còn sót lại sau hàng ngàn năm. Dẫu vậy, khám phá thú vị nhất về xác ướp này là các hình vẽ trau chuốt trên cơ thể, vốn được nhiều chuyên gia đánh giá là rất giống các hình xăm thời hiện đại.
Trên vai trái của xác ướp là hình xăm một động vật truyền thuyết là sự kết hợp giữa hươu với quái vật sư tử đầu chim. Xác ướp cũng được xăm hình đầu một con hươu trên cổ tay.
Sau khi khai quật, phần thi thể còn lại của công chúa Ukok đã được nhóm chuyên gia từng ướp xác cho lãnh tụ Xô viết Vladimir Lenin trực tiếp xử lý bảo quản. Xác ướp của bà đã trải qua gần 2 thập niên vừa qua tại một viện khoa học ở Novosibirsk, rồi được chuyển tới một căn phòng thiết kế đặc biệt tại Bảo tàng Cộng hòa quốc gia ở Gorno-Altaisk. Tuy nhiên, những người cao tuổi luôn lên tiếng phản đối trưng bày xác ướp trước công chúng.