Đây là 1 trong 3 nội dung thuộc dự án “Bữa ăn học đường” của Sở GD&ĐT TPHCM và Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp thực hiện nhằm chuẩn hóa bếp ăn học đường cho các trường tiểu học bán trú của dự án.
Được biết, bếp ăn bán trú tại Trường TH Trưng Trắc được đầu tư với gần 1,3 tỷ đồng. Theo đó, bếp được trang thiết bị hiện đại với các khâu tiếp nhận nguyên liệu, chế biến thành phẩm, vệ sinh sau bữa ăn và các khu xử lý, tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến… được thiết kế riêng biệt. Đây là mô hình bếp ăn một chiều tương tự các nước tiên tiến trên thế giới.
ThCPhạm Thị Hoa - Hiệu trưởng - chia sẻ: “Nhà trường rất vui mừng vì được hỗ trợ để xây dựng bếp ăn bán trú chuẩn. Có thể thấy để phục vụ bữa ăn cho hơn 1.100 em HS bán trú quả là quá vất vả, ban đầu bếp ăn của nhà trường có 8 bếp, nhưng nay đưa vào những bếp ăn hiện đại hơn thì chỉ cần sử dụng 4 bếp, các quy trình kiểm tra thức ăn trước khi chế biến, sơ chế, trung chuyển ra ngoài cũng được làm rất cẩn thận, khép kín một chiều.
Với sự an toàn, hiện đại thì bếp ăn đã mang đến cho các em bữa ăn đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, và quan trọng là khi áp dụng bộ thực đơn chuẩn do Sở phối hợp với Trung tâm dinh dưỡng TPHCM để soạn thảo cho HS cũng đã góp phần giúp cho các em đảm bảo về dinh dưỡng, hạn chế tăng cân béo phì”.
Qua việc tổ chức tham quan cho các trường học trên địa bàn, theo BS Nguyễn Tài Dũng - Phó trưởng Phòng CTHSSV (Sở GD&ĐT TPHCM) thì, Sở rất mong muốn các trường biết đến mô hình bếp ăn bán trú chuẩn này và qua chia sẻ từ Trường TH Trưng Trắc khi đưa vào sử dụng để có thể học hỏi cũng như áp dụng những quy trình phù hợp với điều kiện từng trường với mục đích cao nhất đó là đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao ý thức tự phục vụ của các em HS.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, hiện nay TPHCM có đến 1.270 trường tổ chức bữa ăn bán trú cho HS. Trung bình 1 ngày có 570.000 em HS ăn trưa tại trường, vì vậy bếp ăn đạt chuẩn luôn là ưu tiên quan trọng của ngành.
Dưới đây là những hình ảnh về bếp ăn bạc tỷ của Trường TH Trưng Trắc: