Bệnh tật học đường và bệnh dễ mắc vào mùa thu

GD&TĐ - Bệnh tật học đường xảy ra ở mọi lứa tuổi cắp sách đến trường. Điều kiện ánh sáng kém, sự điều tiết mắt liên tục và quá mức do khoảng cách bất hợp lý từ sách vở đến mắt người hoặc trước các màn hình tinh thể lỏng như laptop, máy tính bảng, các loại điện thoại thông minh (smartphone) sẽ làm cho mắt dễ mắc tật cận thị học đường. Tư thế ngồi không tốt, như ngồi lệch một bên, ngồi khom lưng quá mức sẽ gây ra bệnh gù vẹo cột sống, nhất là ở độ tuổi mới đến trường trong những năm đầu tiên của cuộc đời. 

Tật cận thị phổ biến ở học sinh hiện nay
Tật cận thị phổ biến ở học sinh hiện nay

Những bệnh tật học đường mang tính… thường trực

Bệnh tật mang tính “thường trực” là những bệnh tật có khả năng “đe dọa” quanh năm. Đối với lứa tuổi học đường, cận thị và gù vẹo cột sống là những bệnh thường gặp và mang tính “kinh điển”.

1. Cận thị học đường

Theo các nhà chuyên môn về mắt, cận thị học đường thật ra là một tật mắc phải ở học đường trong quá trình học tập, chứ không phải là một bệnh có tính gia đình như nhiều người vẫn tưởng.

Các nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu kết luận cận thị là một tật rất phổ biến. Hầu như lớp nào cũng có học sinh bị cận thị. Có lớp mắc cận thị chiếm đến 60%. Nói chung, rất khó mà tìm thấy một lớp học phổ thông nào trên thế gian này mà không có học sinh đeo đôi kính cận.

- Cơ chế gây ra cận thị

Về cơ chế mà nói thì cận thị là do giác mạc mắt vồng lên cao quá hoặc do trục trước - sau của cầu mắt dài quá khiến cho hình ảnh thu nhận được không rơi đúng võng mạc để nhìn thấy rõ, mà rơi trước võng mạc nên hình ảnh thấy được trở nên lòe nhòe. Cận thị là một tật khúc xạ của mắt. Khi độ cận thị thấp, người bị cận có thể nhìn rõ những vật ở gần, nhưng lại không thấy rõ những vật ở xa nên thường phải “điều tiết” bằng cách nheo mắt.

- Mức độ nặng nhẹ của cận thị

Để xác định mức độ cận thị, người ta phải dùng các loại công cụ đo khúc xạ của mắt. Đơn vị đo khúc xạ là “diop” (viết tắt là D). Các mức nặng nhẹ của cận thị được chia ra như sau:

+ Cận nhẹ: <1,5 D

+ Cận trung bình: 1,5 - 6 D

+ Cận nặng: >6 D

- Cách khắc phục hậu quả

Khi mới mắc tật cận thị, tâm lý chung của các học sinh hoặc là không biết vì sao tự nhiên lại xảy ra như vậy, vì tuổi còn quá nhỏ nên sợ sệt không dám nói, hoặc tâm lý e ngại nói ra thì bạn bè và mọi người chế giễu. Khi ngồi học, các học sinh này thường phải nheo mắt để nhìn cho được rõ hơn hoặc nhìn sang vở bạn, mượn vở của bạn, ghi chép rất chậm, thậm chí không ghi chép được gì hoặc ghi chép ngắt quãng - nghĩa là có đoạn ghi, đoạn không. Trong vở có những khoảng ghi chép xen kẽ với chừa giấy trắng. Các thầy cô cần để ý các biểu hiện này, nhận ra điều “bất thường” của học trò để quan tâm, động viên và tư vấn cho học sinh, cũng như phụ huynh của các cháu.

Tình trạng học tập giảm sút và tính kém linh hoạt trong mọi hoạt động của học sinh bị cận thị sẽ ngay lập tức được cải thiện nhờ có đôi kính làm bạn với đôi mắt. Kính đeo mắt rất hiệu quả đối với tật cận thị học đường.

Ngoài ra, cận thị còn được “khắc phục” bằng các loại kính sát tròng (contact lens) và đặc biệt là phẫu thuật laser (Laser Excimer). Tuy nhiên, với môi trường hễ ra đường là đối mặt với bụi như hiện nay, kính áp tròng không được khuyến cáo sử dụng cho học sinh. Bên cạnh đó, kính áp tròng luôn đắt giá hơn đôi gọng kính và cách sử dụng, bảo quản cũng phức tạp hơn một đôi kính có thể đặt lên mũi hoặc tháo ra bất cứ lúc nào tùy thích. Phẫu thuật cận thị chỉ phù hợp với những người có độ cận thị lớn và độ cận thị đã ổn định - nghĩa là mức độ cận thị không bị thay đổi nhanh theo thời gian.

Sau đây, xin được nói rõ hơn về các trường hợp chống chỉ định phẫu thuật Laser: Cận thị nhưng có bệnh lý ở mắt cấp hoặc mạn tính, như bệnh glaucoma, viêm màng bồ đào, xuất huyết võng mạc, viêm giác mạc…, các trường hợp độ cận chưa ổn định (dưới 18 tuổi, độ cận tăng >1D/ năm). Những người đang mang thai, đang dùng thuốc ngừa thai và khô mắt cũng không được chỉ định phẫu thuật laser để chữa cận thị.

Sau mổ laser, cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định chuyên môn như dùng thuốc, tái khám định kỳ, hạn chế đọc báo, hạn chế sử dụng vi tính, máy tính bảng hoặc xem ti vi trong tuần lễ đầu và không đi bơi trong vòng một tháng.

 

- Cách phòng tránh cận thị học đường

Khi đã mắc tật cận thị, việc dùng thuốc hay đeo kính không thể ngăn chặn được sự tiến triển của độ cận, mà chỉ có thể làm chậm độ cận lại mà thôi. Sự gia tăng độ cận chỉ dừng lại khi bước đến độ tuổi 25-30. Cận thị tuy ngày càng phổ biến trên thế giới, nhưng có thể phòng tránh được nhờ quan tâm thực hiện các biện pháp sau đây:

a. Tư thế ngồi học: Lưng thẳng, 2 chân khép, 2 bàn chân để ngay ngắn trên nền nhà, đầu cúi khoảng 15 độ. Với học sinh tiểu học, khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học khoảng 25 cm, với học sinh trung học cơ sở là 30 cm, với học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học là 35 cm.

b. Thực hiện lớp học chuẩn: Đảm bảo có đủ ánh sáng vào mùa đông hoặc lúc tối trời. Bàn ghế phù hợp với lứa tuổi để có thể ngồi đúng tư thế và khoảng cách từ mắt đến sách vở. Các tiết học không kéo dài quá 45 phút. Giờ giải lao cần thư giãn mắt bằng cách để cho mắt nhìn bầu trời xa xăm, mơ mộng.

c. Chia tay thói quen có hại: Không đọc sách hay viết bài trong tư thế nằm hoặc quỳ. Không đọc trong các tư thế bất ổn khoảng cách giữa mắt và sách như khi đang đi tàu xe. Không ngồi quá gần ti vi, khoảng cách tối thiều phải > 2,5 mét, ánh sáng phòng phù hợp để không bị chói mắt. Không nên dán mắt liên tục lên màn hình tivi, laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh… Cần có khoảng nghỉ để mắt “giải lao”, ít nhất sau mỗi 45 - 60 phút. Không tự ý dùng các loại kính để điều chỉnh thị lực nếu không có sự kiểm tra và ý kiến của các nhà chuyên môn.

2. Bệnh gù vẹo cột sống tuổi học trò

Cột sống được ví như cái cột chống đỡ của cơ thể. Nhờ cái cột này mà con người có thể đi đứng nằm ngồi được một cách dễ dàng và thoải mái. Cột sống có tổng cộng 26 đốt xương rời và chúng nối với nhau bằng các đĩa sụn được cấu tạo đặc biệt, gọi là đĩa đệm.

Cột sống không phải là một trục thẳng mà có những vị trí cong gọi là đường cong sinh lý. Nhờ vậy mà cơ thể hoạt động linh hoạt. Cột sống được chia thành các đoạn chính là đoạn cổ, đoạn ngực và đoạn thắt lưng.

 Ngồi học đúng tư thế tránh bệnh vẹo cột sống

Cột sống không chỉ có chức năng chống đỡ, mà còn là một chiếc áo giáp vững chắc để bảo vệ tủy sống. Cái đầu con người ta cũng nhờ có điểm tựa là cột sống mà có thể cúi, nghiêng, gật, ngửa được một cách dễ dàng…

Vì lý do nào đó như là bệnh bẩm sinh hoặc tư thế cột sống sai lệch trong giai đoạn còn đang phát triển ở trẻ độ tuổi học đường làm cho cột sống bị thay đổi hình dạng so với hình dạng bình thường. Khi đoạn cổ bị uốn cong quá mức, đầu sẽ ngả về trước, hai vai chùng xuống và giảm độ cong thắt lưng. Nếu đoạn ngực bị uốn cong quá mức về phía sau, lưng tròn, vai thấp, đầu hơi ngả, bụng nhô về phía trước gọi là tư thế gù. Vẹo cột sống là hiện tượng cột sống bị uốn cong sang bên phải hoặc bên trái.

Gù vẹo cột sống ở tuổi học đường đa số phát sinh do sự sai lệch tư thế như ngồi học không đúng tư thế, không ngay ngắn, nằm, quỳ, nghiêng khi học bài, ngồi học với bàn ghế không phù hợp với tuổi của học sinh, mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; ánh sáng kém nên học sinh phải cúi đầu khi đọc, viết…

- Cách nhận biết gù vẹo cột sống

Ở tư thế đứng thẳng mà nhìn thấy hai vai dốc không đều, bên cao bên thấp; xương bả vai nhô ra, khoảng cách từ 2 mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau; hai tam giác eo tạo ra giữa cánh tay và thân không đều nhau hoặc có ụ lồi do cột sống bị xoắn vặn, xương sườn lồi lên. Nếu bị gù thì quan sát thấy lưng tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Khi phát hiện các biểu hiện trên, nên đến khám bác sĩ vì các trường hợp gù vẹo cột sống nhẹ theo thời gian cũng có thể tiến triển thành gù vẹo cột sống nặng.

- Cách phòng tránh gù vẹo cột sống

Ngồi học đúng tư thế. Khi ngồi, hai bàn chân được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành 1 góc 90o dao động trong khoảng 75-105o, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn. Ngồi học sai tư thế không chỉ gây ra gù vẹo cột sống, mà còn có thể dẫn đến những rối loạn cơ xương khác và nguy cơ mắc tật cận thị cao.

Nơi học tập ở trường phải đảm bảo chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo. Ở nhà, ngoài hệ thống chiếu sáng chung, gia đình cũng cần trang bị đèn ở góc học tập để đảm bảo ánh sáng tốt hơn; chú trọng thực hiện việc nghỉ giải lao giữa các tiết học.

Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có 2 quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tính đa dạng về giá trị dinh dưỡng của mỗi bữa ăn, nhất là các bữa chính. Đặc biệt cần quan tâm đến các thực phẩm có nhiều can xi và vitamin D, đây là các yếu tố giúp cho sự phát triển của xương trong giai đoạn phát triển chung.

Khám định kỳ phát hiện sớm các trường hợp gù vẹo cột sống để có cách xử trí và phòng bệnh kịp thời. Việc khám phát hiện gù vẹo cột sống định kỳ có tác dụng giúp cho nhà trường, gia đình và bản thân học sinh quan tâm hơn tới sức khỏe và phòng chống gù vẹo cột sống học đường hiệu quả nhất.

Những bệnh dễ mắc trong mùa thu

Trước những cảnh báo về sự biến động khí hậu toàn cầu, mùa thu không còn lặng lẽ dịu êm vàng hoa cúc… mà dần đổi thay “tính nết”. Những ngày nắng gay gắt không khác gì tháng hạ, đan xen với những ngày mưa gió lê thê như mùa đông hiện hữu, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và tạo áp lực lên sức chịu đựng của cơ thể. Từ đó phát sinh những bệnh mang tính thời tiết và thời điểm. Sau đây, trong phạm vi bài viết, chỉ xin đề cập đến một số bệnh mang tính điển hình hoặc là thông điệp mang lời cảnh báo.

1. Bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 và có khả năng bùng phát thành dịch. Đây là khoảng thời gian mà thời tiết thường biến động, nắng mưa bất chợt đan xen nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và gây bệnh. Khoảng thời gian này cũng trùng khớp với mùa tựu trường và học sinh bắt đầu học bài, làm bài và… ngủ gục, ngủ không treo mùng. Lúc này thời tiết còn nóng nên muỗi có cơ hội vo ve cắn đốt.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Đây là bệnh nhiễm trùng cấp tính với các biểu hiện nặng là xuất huyết, choáng, dễ tử vong, nếu không được đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời. Bệnh sốt xuất huyết lây từ người này sang người khác qua trung gian là một loài muỗi nhà, gọi là muỗi vằn (tên khoa học là Ades Aegypty). Loài muỗi này hút máu người bệnh truyền sang người lành.

Biểu hiện đầu tiên thường thấy là sự sốt cao đột ngột, kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Nhức đầu, có thể đi kèm với cảm giác ớn lạnh và rối loạn tiêu hóa như chán ăn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy. Những trường hợp nặng có biểu hiện xuất huyết dưới nhiều hình thức khác nhau như ban đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nặng hơn nữa là nôn ra máu, đi tiểu hoặc đi cầu ra máu. Nghiêm trọng nhất là choáng, trụy tim mạch dẫn đến tử vong.

Điều mà mọi người đều có thể làm được để tự bảo vệ bản thân, người trong gia đình và góp phần bảo vệ cộng đồng là vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, chống ao tù nước đọng, đặc biệt lưu ý thu dọn sạch hoặc không để nước đọng trong các vỏ lốp xe, chai, lọ, xô, chậu... quanh nhà, nhằm triệt đường sinh sản của muỗi và tránh muỗi đốt bằng ngủ mùng. Diệt muỗi trong nhà bằng các loại thuốc xịt muỗi, hương muỗi, vợt điện diệt muỗi.

2. Cảm cúm

Biểu hiện thường gặp của cảm cúm là mệt mỏi, nhức đầu, ớn lạnh, chảy mũi nước, ho, đau họng… Điều trị cảm cúm không có thuốc đặc hiệu, mà chỉ điều trị triệu chứng bằng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường (paracetamol, aspirin, ibuprofen…) và nâng cao thể trạng bằng các loại vitamine (vitamine C, vitamine B1, Bcomplex-C…). Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước để bù lượng nước mất khỏi cơ thể do mồ hôi bay nhanh vì sốt.

3. Viêm mũi

Trong bối cảnh cũng giống như cảm cúm, viêm mũi xảy ra do sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus vào khu vực tai mũi họng gây ra. Một số loài hoa có phấn nở vào mùa thu cũng là tác nhân gây ra bệnh viêm mũi dị ứng thường gặp.

Người bệnh có các biểu hiện như hắt hơi, nhức đầu, chảy mũi nước, mệt mỏi. Bệnh tuy không nặng nhưng gây ra cảm giác khó chịu. Dùng các thuốc rửa mũi, nhỏ mũi, súc họng, giảm đau, chống dị ứng và kháng sinh nếu nhiễm khuẩn được xác định.

4. Dị ứng thức ăn

Vào mùa học, những bữa ăn quen thuộc trong gia đình theo đúng ý thích không còn nữa. nhiều học sinh phải ăn uống tập trung theo diện bán trú, hoặc nội trú tại trường, một số khác ăn uống…. lang thang đâu đó không theo ý thích của mình, mà phụ thuộc vào điều kiện của người nấu. Một số thức ăn “lạ” cũng có khả năng gây dị ứng. Tuy không nhiều, nhưng cũng cần biết để phòng tránh.

Hai hoặc nhiều người cùng ăn một loại thức ăn nhưng sau khi ăn, người này cảm thấy no nê, thoải mái dễ chịu, nhưng người kia lại muốn... “gảy đàn” vì dị ứng. Sự khác biệt đó, trong y học người ta gọi là yếu tố cơ địa. Tức là sự nhạy cảm khác nhau của cơ thể con người với các chất gây ra dị ứng.

Thức ăn có thể gây ra sự dị ứng là do trong thức ăn có chứa các yếu tố lạ đối với cơ thể. Các yếu tố lạ đó gọi là dị nguyên. Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 5-7 phần ngàn dân số bị dị ứng với thức ăn. Phản ứng này có khuynh hướng gia tăng vì ngày càng có nhiều chất phụ gia được cho vào thực phẩm và các hóa chất được sử dụng để làm cho trái cây tươi lâu hoặc làm chín trái cây.

Các biểu hiện thường thấy khi bị dị ứng thức ăn là cảm giác khó chịu sau khi ăn, ngứa, nổi mày đay, nôn mửa, tiêu chảy, lên cơn hen. Trường hợp nặng có thể choáng phải đưa đi cấp cứu.

Khi “để ý” thấy loại thức ăn nào gây dị ứng thì đành nói lời chia tay với loại thức ăn đó. Đây là hành động tốt nhất và an toàn nhất. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được như vậy, nhất là đối với những loại thức ăn không thể thay thế hoặc tránh trong các bữa ăn thường ngày. Thực ra cũng có những điều chưa được hiểu một cách rõ ràng là có người khi nhỏ thường dị ứng với một loại thức ăn nào đó, nhưng lớn dần lại chịu đựng đựơc như là một sự thích nghi của cơ thể.

Nói chung, những thức ăn “lạ” thì nên tránh. Hãy ăn những thức ăn quen thuộc và biết loại thức ăn đó là an toàn cho cơ thể. Tránh xa các hàng quán mà điều kiện vệ sinh và bảo quản không đảm bảo. Đó là sự lựa chọn khôn ngoan cho các học sinh lớn. Học sinh nhỏ chỉ biết “lệ thuộc” vào đơn vị cấp dưỡng, sự giám sát của phụ huynh và các ngành có chức năng liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.