Bệnh đau mắt đỏ do virus

GD&TĐ - Bệnh đau mắt đỏ do virus gây ra có nguy cơ bùng nổ thành dịch lớn theo mùa. Bệnh này tuy không nguy hiểm, nhưng biến chứng có thể gây mù lòa.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Lây “hạng siêu”

Thủ phạm gây ra bệnh đau mắt đỏ thường là các loài virus có tên Coxsackievirus A24, Human Adenovirus 54 và 37. Ngoài ra, còn có một số loại virus khác cũng gây đau mắt đỏ như Simplex virus, Varicella-Zoster virus và Corona virus.

Khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào các mô trong suốt bao phủ bề mặt bên trong của mi mắt và bề mặt của lòng trắng gây ra hiện tượng viêm - sưng - đỏ. Bệnh thường xảy ra ở hai mắt hơn là chỉ một mắt, vì khả năng lây rất dễ của các loài virus này. Ban đầu, tác nhân gây bệnh chỉ xâm nhập vào một mắt gây bệnh. Nhưng 2 - 3 ngày sau mắt còn lại cũng “đồng cam cộng khổ” với mắt kia.

Đối tượng mắc bệnh thuộc mọi lứa tuổi, từ trẻ rất nhỏ đến người già nhất. Bệnh xảy ra lai rai quanh năm vì khả năng dễ lây của bệnh và thường bùng nổ thành dịch lớn khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Đó là lúc tiết trời chuyển dần từ mùa Hè nóng nực sang mùa Thu mát mẻ, êm đềm.

Bệnh lây lan trực tiếp từ người sang người qua những hạt nhỏ li ti xuất phát từ đường hô hấp khi thở, ho hoặc hắc hơi, xì mũi; lây do tiếp xúc gần như đụng chạm, bắt tay, ôm hôn và nhất là dùng chung khăn mặt hay các vật dụng dính dịch rỉ mang virus từ mắt của người bệnh.

Khả năng lây của các loại virus gây bệnh đau mắt đỏ thuộc “hạng siêu”, vì có thể lây lan ra xung quanh cho nhiều người khác ngay sau lúc nhiễm bệnh, khi chưa có các dấu hiệu rõ ràng nào. Nghĩa là, sự lây lan diễn ra cả trong khoảng thời gian còn ủ bệnh. Sau đợt điều trị, khi các dấu hiệu của bệnh biến hết - được xem như đã khỏi thì khả năng lây lan của virus gây bệnh đau mắt đỏ vẫn còn nguyên giá trị trong tuần lễ đầu tiên sau đó.

Biểu hiện và biến chứng

Các dấu hiệu điển hình của bệnh là mi mắt sưng húp, tròng trắng chuyển sang màu hồng hoặc đỏ. Dịch viêm chảy ra từ mắt và đóng vảy trên lông mi, mí mắt. Nhiều trường hợp, buổi sáng ngủ dậy người bệnh cảm giác mắt gần như bị “dán” kín vì dịch viêm khô và đóng vảy, phải thấm nước cho mềm mới từ từ mở mắt được. Các biểu hiện khác bao gồm:

- Cộm xốn hay ngứa mắt. Đôi khi có cảm giác nóng rát ở mắt hoặc dường như có vật gì rơi vào và mắc kẹt bên trong mắt.

- Nhạy cảm với ánh sáng. Cảm giác bị chói và khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng, ánh nắng. Thị lực tạm thời bị giảm sút.

Nhiều người đau mắt đỏ khởi bệnh như một trường hợp bị nhiễm các loại virus thông thường khác như mệt mỏi, chảy mũi nước, sốt, nhức đầu, đau họng, nổi hạch góc hàm.

Người mắc bệnh đau mắt đỏ nếu không được điều trị kịp thời và chăm sóc mắt tốt, có thể gặp các biến chứng sau đây: Bội nhiễm mắt gây viêm giác mạc và loét giác mạc có thể dẫn đến mù lòa.

- Lưu ý tránh nhầm lẫn bệnh đau mắt đỏ với các bệnh khác của mắt cũng gây ra đỏ mắt: Bệnh đau mắt đỏ không bao giờ có mụn nổi ở mi mắt hoặc xung quanh mắt và luôn luôn tiết dịch tạo ghèn.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Hướng điều trị, chăm sóc và phòng bệnh

Bệnh do virus gây ra, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Dùng thuốc nhỏ mắt đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Mắt. Thành phần thuốc có thể chứa kháng sinh chống nhiễm khuẩn, các chất làm dịu mắt chống lại sự kích ứng hoặc các chất có tác dụng giảm viêm, nhờ đó mà giảm đau.

Người bệnh có thể tự chăm sóc giảm nhẹ các biểu hiện bằng cách chườm lạnh mắt. Nếu chưa có điều kiện đi khám thì thuốc nhỏ mắt “an toàn” và phổ biến nhất là nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%).

Nói chung, bệnh đau mắt đỏ do virus thường diễn ra vài ngày và tối đa không vượt quá 2 tuần. Nếu vượt quá thời gian này hoặc nếu có bất cứ biểu hiện nào được cho là nặng hoặc gây lo lắng, người bệnh cần đi khám và tham vấn bác sĩ chuyên khoa Mắt ngay.

Trong thời gian mắc bệnh, người bị đau mắt đỏ cần được nghỉ ngơi, không xoa đầu, không ôm hôn trẻ nhỏ. Hạn chế tiếp xúc là cách tốt nhất để hạn chế sự lây lan cho người khác.

Thực hiện chế độ ăn uống bình thường, giàu chất dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây và rau xanh để bổ sung các loại vitamin và nhiều loại chất khoáng cho cơ thể nhằm tăng cường sức đề kháng với các tác nhân gây bệnh.

Phòng bệnh bằng cách tạo một môi trường sống thoải mái, không ô nhiễm khói bụi, luôn vệ sinh tay sạch sẽ, mang khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh, không dùng tay chạm trực tiếp vào mắt, không dùng chung khăn mặt, nhất là với người đang bị đỏ mắt.

Thường xuyên giặt khăn mặt sạch sẽ bằng xà phòng và phơi ngoài trời nhiều nắng để diệt khuẩn. Khăn mặt, áo quần và đồ dùng của người bệnh tốt nhất được xử lý bằng các chất khử trùng nhằm loại trừ sự lây lan. Việc đeo kính bảo vệ mắt chỉ làm giảm bớt khả năng lây bệnh mà không có tác dụng loại trừ hết nguy cơ lây bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.