Có thể nói, săn bắt động vật quý hiếm vẫn luôn là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện đại. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cố gắng vào cuộc và cho ra đời những chính sách cứng rắn hơn, song vấn đề này vẫn chưa thực sự được giải quyết triệt để.
Nhằm giúp mọi người có một cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này, trang CBS đã tiếp cận Kho Động vật Hoang dã Quốc tế (NWR), nơi thu giữ các mặt hàng liên quan đến động vật quý hiếm lớn nhất gần thành phố Denver, bang Colorado, Mỹ.
Theo báo cáo của NWR, tổng số sản phẩm ở đây đã lên tới con số 1,5 triệu. Trong đó hầu hết là ngà voi, đầu báo, các loại ví làm từ da hổ hoặc da cá sấu. Ông Coleen Schaefer, Giám sát kho cho biết, ngoài các mặt hàng quốc cấm như vũ khí, ma túy... thì động vật quý hiếm được xem là nguồn sinh lời cực lớn đối với các thương nhân ở khu chợ đen.
Trong số đó, những mặt hàng liên quan đến hổ thường khá được ưa chuộng. Có lẽ do nạn săn bắt hổ hiện nay tăng quá nhanh mà số lượng hổ trong tự nhiên giờ chỉ còn lại 3.200 con. Tuy nhiên, NWR cũng thường hay cung cấp các xác hổ nhồi bông cho trường học hay viện bảo tàng để giúp học sinh quan sát và nghiên cứu. Ngoài ra, số lượng sản phẩm liên quan đến tê giác cũng tương đối lớn. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, loài động vật này sẽ có khả năng tuyệt chủng vào 2020 bởi trên thế giởi chỉ còn đúng 27.950 trong tổng số hơn 500.000 cá thể từ đầu thế kỉ 20. Bên cạnh những mặt hàng phổ biến nói trên, NWR còn thu giữ một lượng nhỏ các mặt hàng làm từ ếch. Ông Coleen còn cho biết để thực hiện các vụ buôn bán ngà voi trái phép, người bán đã giấu chúng bên trong đồ gốm sứ. Được biết, trong giai đoạn năm 2010-2012, mỗi ngày đều có 96 con voi bị giết hại trong thương vụ làm ăn của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc và khu chợ đen tại một số nước châu Á. Theo khảo sát, các chuyên gia tại Mỹ đã chỉ ra, vấn nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật quý hiếm đang ngày một leo thang trong suốt thập kỷ vừa qua. Nguyên nhân dẫn tới vấn nạn này phần lớn là do sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới buôn bán xuyên quốc gia cũng như khâu giám sát lỏng lẻo tại các khu bảo tồn động vật quý hiếm. Chia sẻ với trang CBS, quản lý của kho tiết lộ, tổng giá trị các mặt hàng ở đây có thể lên tới hàng tỷ USD.
Không chỉ da mà cao hổ cũng được phân phối rộng rãi tại thị trường Trung Quốc và khu vực Á Đông. Ngoài ban hành chính sách, có lẽ các nhà cầm quyền cũng nên xem xét tới việc mở rộng thêm chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân để hạn chế nạn săn bắt và mua bán trái phép động vật quý hiếm tăng trưởng.
Theo Trí thức trẻ