Nước máy chỉ để tắm giặt
Năm nay hạn, mặn đến sớm hơn 2 tháng. Người dân Bến Tre không kịp trở tay. Từ tháng 12/2019 tình trạng xâm nhập mặn trên các sông chính diễn ra nhanh, độ mặn cao. Độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông từ 45 - 60km.
Trong cơn hạn mặn, ông Nguyễn Văn Nghĩa, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) cho biết, nước máy hiện nay bị nhiễm mặn, có lúc độ mặn gần 1‰. Vì thế nên gia đình chỉ để rửa rau, rửa chén và tắm giặt. Còn nước phục vụ cho ăn uống ông phải sử dụng nước bình lọc loại 20 lít. Hoặc mua nước người dân từ nơi khác chở về bán với giá khoảng 80.000 đồng/m3.
Bà Nguyễn Thị Minh, ở xã Hưng Khánh Trung, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) cho hay, gia đình bà sử dụng nước sông để sinh hoạt. Mỗi ngày phải bơm nước vào lu, cho lắng cả tuần mới sử dụng được. Tình hình hạn nước mặn xâm nhập thế này, gia đình phải đầu tư hàng chục triệu đồng đào ao lớn để chứa nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu.
Trước tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, nhanh và sâu hơn, tỉnh Bến Tre đã ban bố tình huống khẩn cấp. Xâm nhập mặn tràn vào hệ thống sông phục vụ các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt. Như sông Hàm Luông độ mặn 4‰ vào sâu hơn 78km, sông Cổ Chiên hơn 64km, sông Cửa Đại 70km… Theo ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, đợt xâm nhập mặn này xấp xỉ đợt hạn mặn khốc liệt nhất trong vòng 100 năm diễn ra vào mùa khô năm 2016.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, hiện trên sông Hàm Luông và Cửa Đại không còn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tháng 3 sẽ vào cao điểm hạn, mặn. Độ mặn 4‰ sẽ xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 85km và độ mặn 1‰ bao trùm phạm vi toàn tỉnh.
Hiện hầu hết người dân Bến Tre sử dụng hệ thống cấp nước tập trung đều bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Nguồn nước sinh hoạt tại TP Bến Tre, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại bị nhiễm mặn 2‰, có nơi lên đến 2,8‰. Toàn tỉnh hiện có khoảng 57.000 hộ với 205.000 người sinh sống xa trong nội đồng, bãi ngang ven biển thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Dự báo, hạn mặn sẽ tiếp tục lấn sâu, cao hơn nên nước sinh hoạt cho người dân, phục vụ khu, cụm công nghiệp, bệnh viện, trường học hết sức cấp thiết. Nếu hạn mặn tiếp tục kéo dài có thể dẫn đến một số doanh nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt lớn ngừng sản xuất. Khi đó, các ngành như dịch vụ, du lịch sẽ bị thiệt hại nặng.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Trung ương kiểm tra tình hình hạn, mặn, Bến Tre kiến nghị xem xét, hỗ trợ khẩn cấp khoảng 30 tỷ đồng để vận chuyển nước ngọt từ tỉnh khác về. Đầu tư hệ thống trạm bơm nước ngọt vào các đập tạm, hồ chứa. Đồng thời kiến nghị bố trí vốn Trung ương khoảng 200 tỷ đồng để tỉnh đầu tư tiếp hồ chứa nước ngọt, quy mô 1,5 triệu m3 tại 3 huyện ven biển nhằm đảm bảo khả năng trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Xem xét bố trí tiếp cho tỉnh 850 tỷ đồng để triển khai đầu tư tiếp các hạng mục còn lại của Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre. Nhất là gia cố hệ thống đê ven sông và đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Ưu tiên giải pháp tiếp nước ngọt cho dân
Đắp đập ngăn mặn, sử dụng hệ thống lọc nước mặn, chở nước từ tỉnh khác về, cấp nước bằng xe bồn, may túi nhựa trữ nước trong dân… là các giải pháp được chính quyền địa phương, người dân Bến Tre trước mắt ứng phó với hạn, mặn và ứng phó với kịch bản xấu nhất - xâm nhập mặn toàn tỉnh.
Đến nay, các tổ chức, mạnh thường quân đã cung cấp hàng nghìn vật dụng chứa, máy lọc nước mặn cho người dân. Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân sử dụng 10 chuyến tàu để cấp trên 3.000 m3 nước ngọt cho các huyện Bình Đại và Ba Tri…
Các giải pháp công trình và cung cấp nước sinh hoạt cũng được Bến Tre triển khai. Đắp đập tạm trên kênh Sông Mã, kênh Xáng (TP Bến Tre), kênh Cây Da (huyện Châu Thành)… Mua sắm các thuyền bơm phục vụ hồ chứa tạm, nạo vét kênh, sông với khối lượng khoảng 600.000 m3.
Công ty Cấp thoát nước Bến Tre bơm nước ngọt nơi giáp ranh vùng mặn, hoặc nơi độ mặn còn thấp, hỗ trợ các nhà máy nước lân cận. Đưa nguồn nước từ nơi có độ mặn thấp dưới 3‰ về vùng có độ mặn cao, rất cao 8 - 10% nhằm giảm thiểu tác động của hạn, mặn đến sinh hoạt người dân. Hiện 12 nhà máy nước được trang bị hệ thống lọc mặn RO vận hành 24/24 phục vu nhu cầu cho trường học, trung tâm hành chính, cơ sở y tế và người dân.
Theo ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT, tỉnh đã xây dựng 14 điểm cấp nước ngọt tập trung để phục vụ người dân đến lấy nước tại huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú và Châu Thành. Dùng xe bồn vận chuyển hàng nghìn m3 nước đến các bệnh viện, một số doanh nghiệp và khách sạn trên địa bàn. Tỉnh Bến Tre cũng tính đến kịch bản xấu nhất là xâm nhập mặn toàn tỉnh thì sẽ có những giải pháp đắp đập, bơm chuyền lấy nước từ thượng nguồn để cung cấp cho Nhà máy Nước Ba Lai.
Đặc biệt là phương án thuê xà lan chở nước ngọt từ nơi khác về các nhà máy để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Vận hành các điểm cấp nước tập trung, theo ưu tiên: Nước sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc, nước tưới cây trồng lâu năm giá trị kinh tế cao… Tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước mặn RO tại các nhà máy nước để cung cấp nước ngọt cho nhu cầu thiết yếu của người dân.
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.