Theo đó, WHNS-TV đưa tin, vào ngày 21/2, trái tim của Paisley Elizabeth Grace Cogsdill ngừng đập tại một trung tâm y tế và các bác sĩ không thể hồi sinh cho bé. Cha mẹ bé chia sẻ rằng, bé hoàn toàn khỏe mạnh, không có vấn đề bệnh lý nào trước đó.
Một chiến dịch GoFundMe đã quyên góp được hơn 36.000 đô la trang trải chi phí tang lễ cho bé trong vòng 4 ngày.
"Con gái tôi cũng sẽ tiến hành cắt amidan vào tháng tới và điều này khiến tôi thực sự lo lắng", một người quyên góp viết trong bài bình luận. Trường hợp của bé làm nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng khi con em mình cũng đến lúc cần cắt amidan.
Cắt amidan rất phổ biến nhưng vẫn ẩn chứa rủi ro không mong muốn
Các chuyên gia nhận định, phẫu thuật cắt amidan là cách loại bỏ hai miếng mô hình bầu dục ở hai bên cổ họng. Phẫu thuật cần thiết để điều trị các vấn đề về hô hấp kém, amidan sưng to và một số bệnh hiếm gặp khác.
Amidan tạo ra các tế bào bạch cầu chống lại bệnh tật và các bác sĩ tin rằng chúng là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại vi khuẩn, bệnh tật đang tìm cách xâm nhập qua miệng.
Cắt amidan là phẫu thuật đã có hơn 1.000 năm nhưng giống như bất cứ cuộc phẫu thuật nào, chúng đều có thể gây nguy hiểm với các nguy cơ như sưng, chảy máu, thậm chí nhiễm trùng. Mặc dù vậy, tử vong trong phẫu thuật cắt amidan là chuyện hiếm gặp.
Phẫu thuật cắt amidan là cách loại bỏ hai miếng mô hình bầu dục ở hai bên cổ họng.
Một nghiên cứu vào năm 2019 tại Mỹ cho thấy tỷ lệ tử vong ở mức 1/18.000 ca phẫu thuật. Hơn nửa triệu trẻ em Mỹ được phẫu thuật cắt amidan mỗi năm, biến nó thành ca phẫu thuật phổ biến thứ hai tại Mỹ.
Nhưng là tuyến phòng thủ đầu tiên của miệng, amidan dễ bị bệnh hơn, đặc biệt là đối với trẻ em – nhóm đối tượng chưa phát triển khả năng miễn dịch với một số vi khuẩn.
Số lượng phẫu thuật cắt amidan được thực hiện ở Mỹ giảm đáng kể từ những năm 1970 xuất phát từ việc thận trọng hơn của các bác sĩ, đồng thời nhiều bác sĩ cũng không muốn thực hiện các ca phẫu thuật vì thấy không thực sự cần thiết.
Cắt amidan – Những lưu ý không được bỏ qua khi thực hiện
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), mặc dù thủ thuật cắt bỏ amidan không khó nhưng nếu trình độ gây mê không ổn, làm ẩu thì chuyện làm bệnh nhân tử vong là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Bình thường, sau khi thăm khám tình hình viêm amidan, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành kê đơn điều trị bằng thuốc. Nhưng nếu như được điều trị tích cực, đúng phác đồ, đúng liều lượng kháng sinh… mà vẫn bị viêm amidan thì việc chỉ định cắt bỏ amidan là điều chắc chắn bác sĩ nào cũng làm.
Nếu đã làm đến nước này mà viêm amidan vẫn đeo bám thì cũng rất nguy hiểm đến tính mạng. Amidan bị phì đại to sẽ gây tắc nghẽn đường thở, hiện tượng ngừng thở ở trẻ khi đang ngủ, cơ thể tím tái do thiếu dưỡng khí, trẻ hay quấy khóc.
Bệnh nhân bị viêm amidan cũng sẽ bị viêm mãn tính lặp đi lặp lại nhiều lần, nguy cơ bị thấp khớp, biến chứng tim, viêm cầu thận thấp… là điều khó tránh khỏi. Đó là còn chưa nói đến khả năng bạn sẽ bị viêm phế quản nhiều lần, hen phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang, cản trở ăn uống…
Amidan bị phì đại to sẽ gây tắc nghẽn đường thở, hiện tượng ngừng thở ở trẻ khi đang ngủ, cơ thể tím tái do thiếu dưỡng khí, trẻ hay quấy khóc.
Nói như vậy để chúng ta thấy, việc cắt bỏ amidan không hẳn là hành động sai lầm của các bác sĩ. Cắt bỏ amidan giúp chúng ta có cuộc sống thoải mái hơn, phòng chống nhiều căn bệnh nguy hiểm ở trên.
Nhưng cái quan trọng nhất là phải đảm bảo thực hiện cắt amidan đúng kỹ thuật, làm cẩn thận, nếu điều trị bằng thuốc mà vẫn viêm thì mới được tiến hành cắt bỏ.
Do đó, khi quyết định cắt bỏ amidan, bệnh nhân nhất định cần phải có sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn để tìm ra phương pháp phù hợp, tránh viêm amidan tái phát.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, không cắt amidan cho trẻ dưới 5 tuổi vì ở tuổi này nếu cắt sẽ ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của trẻ và amidan có khả năng phát triển tiếp.
Ngoài ra, đối tượng trên 50 tuổi cũng cần thật thận trọng khi cắt amidan. Đối tượng trên 50 tuổi dễ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tăng huyết áp, chưa kể ở tuổi này amidan hay bị xơ hóa. Nếu tiến hành cắt thì có thể khiến bệnh nhân mất nhiều máu, gây nguy hiểm tính mạng.
Không cắt amidan cho trẻ dưới 5 tuổi vì ở tuổi này nếu cắt sẽ ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của trẻ và amidan có khả năng phát triển tiếp.
Những đối tượng mắc phải các bệnh lý như rối loạn đông máu, suy tim, hay chảy máu… đều không được chỉ định cắt bỏ amidan.
Cắt amidan cũng không áp dụng cho các trường hợp đang bị viêm nhiễm cấp tính tại amidan, viêm nhiễm tại mũi, xoang và viêm nhiễm toàn cơ thể như mắc bệnh sởi, cúm, sốt xuất huyết.
Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, đang mang thai, có dấu hiệu bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh gan, lao… đều không được chỉ định cắt bỏ amidan.