Bé gái 10 tuổi bị đổ “mồ hôi máu” cực kỳ hiếm gặp

GD&TĐ - Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận trường hợp bé gái 10 tuổi được cha đưa đến khám với lý do khoảng 3 tuần nay, da vùng bụng của bé có những đợt “mồ hôi máu” kèm với đau bụng âm ỉ.

Ảnh: Vũ Vũ.
Ảnh: Vũ Vũ.

Tại Hội nghị khoa học thường niên Liên chi hội Da Liễu Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022 do Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Liên chi hội Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, BS.CK1 Nguyễn Thị Diễm Trinh - Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện vừa ghi nhận một bé gái bị “mồ hôi máu”.

Theo bác sĩ Diễm Trinh, cuối năm 2021, bệnh viện tiếp nhận trường hợp bé gái 10 tuổi (ngụ tại tỉnh Bình Dương) được cha đưa đến khám với lý do khoảng 3 tuần nay, da vùng bụng của bé có những đợt “mồ hôi máu” kèm với đau bụng âm ỉ.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định bé bị hiện tượng “mồ hôi máu” – đây là một hiện tượng cực kỳ hiếm gặp. Trong khoảng 25 năm trở lại đây, y văn thế giới chỉ ghi nhận khoảng 25 ca. Bệnh đã được chứng minh có liên quan đến yếu tố tâm lý, stress tinh thần.

Khai thác bệnh sử, cha của bé cho biết khoảng trước đó 1 tháng, da vùng bụng của bé có những đợt "mồ hôi máu" dù không có thương tích gì. Ban đầu, bé chảy máu 1 – 2 lần/ngày, mỗi lần mất khoảng 0,2 đến 0,5ml máu, kéo dài khoảng 10 giây và tự ngừng chảy mà không cần xử trí gì. Tần suất chảy máu và lượng máu mất mỗi lần chảy tăng dần lên. 

Theo bác sĩ Diễm Trinh cho biết qua khai thác bệnh sử, khám lâm sàng và thực hiện các chỉ định khác, thấy sức khỏe bé hoàn toàn bình thường. Lúc này, chúng tôi nghĩ đến hiện tượng “mồ hôi máu”. Đây là một hiện tượng chưa rõ căn nguyên nhưng theo y văn thế giới, bệnh có liên quan đến yếu tố căng thẳng thần kinh, lo âu, sợ hãi, bị stress nặng, kéo dài.

Khi bị căng thẳng quá mức, sẽ gây kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, làm giãn mạng lưới mạch máu quanh tuyến mồ hôi. Nếu mạch máu giãn ra đến mức độ mà hồng cầu có thể đi qua được mạch máu và chui vào tuyến mồ hôi sẽ gây nên hiện tượng mồ hôi máu.

Để đánh giá mang tính khách quan, chúng tôi chuyển bé đến thăm khám chuyên gia tâm lý – tâm thần, và được chẩn đoán là rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em.

Bệnh nhi sau đó điều trị trị tâm lý với thuốc an thần và điều chỉnh hành vi. Sau 2 tuần, tình trạng cải thiện. Bên cạnh đó, tình trạng giãn cách xã hội do dịch Covid-19 cũng được nới lỏng, bé được ra ngoài chơi và tiếp xúc bạn bè nhiều hơn nên đến khoảng cuối tháng 12-2021, bé đã hết hẳn những đợt chảy máu và cảm giác đau bụng âm ỉ cũng không còn nữa.

Mồ hôi máu (Hematohidrosis) rất hiếm gặp. Biểu hiện lâm sàng của hiện tượng này là mồ hôi tiết ra có lẫn máu. Ở thể nhẹ, mồ hôi có màu hồng nhạt, đặc biệt là vùng trán, lưng, bụng... Ở thể nặng, máu pha trộn mồ hôi chảy trên một số vùng da của cơ thể, có thể chảy ra từ mặt, lỗ mũi, miệng... Thậm chí, nước mắt cũng có máu. 

Hiện tượng mồ hôi máu nhìn chung là lành tính, thoáng qua và bệnh có thể tự giới hạn. Điều quan trọng nhất là phát hiện và xử lý các bệnh kèm theo, đồng thời giảm stress, lo âu, căng thẳng bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.