Ngành hàng không chịu trách nhiệm cho ba phần trăm lượng khí thải carbon gây thiệt hại đến khí hậu trên toàn cầu, theo Cơ quan Môi trường châu Âu, và thế giới đang trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục, cháy rừng và nước dâng do bão với tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi nước biển dâng cao.
Chính vì vậy, “bền vững” là cụm từ thông dụng trong triển lãm hàng không lớn nhất châu Á vừa diễn ra tại Singapore - được cấp năng lượng bởi các tấm pin mặt trời - với các nhà sản xuất và hãng hàng không đang cố gắng vượt qua đối thủ trong cam kết sẽ trở nên bền vững hơn.
Tuy nhiên, một số nhà môi trường đã chỉ trích rằng, những lời cam kết của họ chỉ là “greenwash” - những pha quảng cáo xanh mà thực chất sẽ chẳng giúp được là bao trong việc giảm thiểu thiệt hại từ một lượng lớn nhiên liệu máy bay bị đốt cháy mỗi năm.
“Hàng không đang chịu áp lực đáng kể để cải thiện hình ảnh bền vững của họ”, Paul Stein - Giám đốc công nghệ của nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce, trao đổi với truyền thông. Các hãng hàng không đang hợp tác với chúng tôi để tìm ra các phương án tăng khả năng cung cấp nhiên liệu bền vững, xem xét cách điện khí hóa có thể tác động đến chúng... và cũng đang tìm kiếm các động cơ và máy bay hiệu quả hơn.
Ngành hàng không đã cam kết sẽ giảm 50% lượng khí thải carbon ròng vào năm 2050 so với mức của năm 2005, và Anh quốc đã tiến 1 bước xa hơn trong tháng này với lời lẽ cứng rắn rằng nước này sẽ đạt được lượng khí thải bằng không vào cùng thời hạn trên.
Tại Singapore Airshow, nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus đã tiết lộ một mô hình máy bay phản lực tương lai mới với cánh liền thân và có hai động cơ gắn phía sau. Thiết kế kiểu dáng đẹp của mẫu được trình diễn này nhằm giảm lực cản khí động học, và nhà sản xuất cho biết nó có khả năng cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu tới 20% so với máy bay một lối đi hiện tại.
Được đặt tên là Maveric, mẫu máy bay dài 2,2 mét đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái.
Nhà sản xuất ATR của Pháp - Ý rất muốn làm nổi bật rằng máy bay cánh quạt của họ - phổ biến cho các chuyến bay ngắn, đặc biệt là ở các khu vực châu Á có cơ sở hạ tầng nghèo nàn - đốt cháy nhiên liệu ít hơn 40% so với máy bay phản lực cùng kích cỡ.
“Đó là một sự đánh đổi giữa mức tiêu thụ nhiên liệu và tốc độ”, Giám đốc điều hành ATR, ông Stefano Bortoli nói, “Bạn có thể tiết kiệm được 5, 10 phút với một máy bay phản lực nhanh hơn nhưng về mặt ô nhiễm, nó gây hại nhiều hơn”.
Cũng đã có các bước để sản xuất máy bay điện. Máy bay chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới - được thiết kế bởi Công ty kỹ thuật magniX - đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 12 ở Canada.
Công ty Smartflyer của Thụy Sĩ đang phát triển một máy bay lai điện cho bốn người và đang hướng tới việc thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2022. Ngoài việc giảm khí thải, máy bay tạo ít tiếng ồn hơn và rẻ hơn để vận hành do chi phí nhiên liệu thấp hơn. Nhưng Aldo Montanari, người đứng đầu bộ phận hàng không và phiên bản dân dụng của công ty cảnh báo các dự án như vậy sẽ không thể hoàn thành nhanh chóng.
“Áp lực là khá lớn... và tôi nghĩ ngành công nghiệp đã hiểu nhưng họ cần có thời gian để phản ứng, họ không thể làm điều đó chỉ trong vòng một năm”, ông Montanari nói, “Các sản phẩm phải thực sự an toàn”.
Nhiên liệu sinh học được quảng cáo là một phương án chính để ngành hàng không cắt giảm lượng khí thải carbon, và một số hãng hàng không trong những năm gần đây đã thực thi các chuyến bay thương mại sử dụng chúng.
Nhưng giá thành của chúng vẫn cao hơn nhiên liệu thông thường và chúng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhiên liệu máy bay được sử dụng trên toàn cầu. Bất chấp những nỗ lực, các nhà môi trường cáo buộc ngành hàng không vẫn còn đang hoạt động quá chậm khi càng ngày càng có nhiều bằng chứng xuất hiện về tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.