Bầu cử ở “tâm dịch” Si Pa Phìn: “Chúng tôi mong nhà giáo sẽ được quan tâm”

GD&TĐ - Sáng 23/5, gần 3.500 cử tri xã Si Pa Phìn đi bầu cử. 507 cử tri diện F1 tại các khu cách ly cũng thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Các nhà giáo mong muốn đời sống giáo viên sẽ được quan tâm.

Các khu cách ly tập trung ở Si Pa Phìn thực hiện nghiêm công tác phòng dịch
Các khu cách ly tập trung ở Si Pa Phìn thực hiện nghiêm công tác phòng dịch

8 giờ sáng, hòm phiếu phụ đã được chuyển đến các khu cách ly để cử tri diện F1 thực hiện quyền và nghĩa vụ. Có 507 cử tri diện F1 đang thực hiện cách ly tập trung tại 12 khu trên địa bàn xã Si Pa Phìn.

Cô giáo Lò Thị Nhung (Mầm non Si Pa Phìn) đang cách ly tại điểm Trường Mầm non Si Pa Phìn. Đây là lần thứ ba cô Nhung đi bỏ phiếu bầu cử. Suốt từ đêm qua, cô thao thức, nghiên cứu tiểu sử của từng ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

8h10’, cầm lá phiếu trên tay, cô Nhung mong muốn sẽ chọn được những người có đủ tài, đức để vào cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho nguyện vọng, ý chí, tiếng nói của cử tri nói chung và cán bộ, giáo viên, học sinh vùng khó nói riêng.

Công tác chuẩn bị tại điểm bỏ phiếu trường Mầm non Si Pa Phìn được thực hiện chu đáo
Công tác chuẩn bị tại điểm bỏ phiếu trường Mầm non Si Pa Phìn được thực hiện chu đáo

“Cá nhân em đã nghiên cứu kĩ về tiểu sử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp. Em sẽ lựa chọn những người có trình độ, kinh nghiệm, dám đứng ra bảo vệ quyền lợi của nhân dân, của nhà giáo và học sinh.

Riêng cá nhân mong muốn những người được lựa chọn sẽ phát huy phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, học vấn để vận dụng vào công việc. Sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi của nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non "cắm bản".

Nói thế bởi giáo viên mầm non là những người vất vả, cống hiến ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đời sống khó khăn, thu nhập từ đồng lương ít ỏi cũng chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt. Mỗi khi ốm đau, di chuyển ra thành phố để điều trị tốn kém. Ngoài ra cũng mong sẽ có nhiều chính sách quan tâm đến đời sống học sinh để các em đến trường đông hơn, tương lai sẽ đỡ vất vả hơn”, cô giáo Lò Thị Nhung nói.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp lần này là lần đầu tiên với chị Bùi Thị Lương. Chị Lương công tác tại Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ. Bản thân chị cũng đang ở trong khu cách ly tại trường PTDTBT-TH số 2 Nà Hỳ vì chị Lương thuộc diện F1.

Hơn 8h là thời khắc thiêng liêng với chị bởi đây là lần đầu đi bầu cử. Chị Lương gửi gắm toàn bộ niềm tin của mình vào những ứng cử viên mà chị đã lựa chọn.

Đảm bảo khoảng cách an toàn khi bầu cử cho cử tri diện F1
Đảm bảo khoảng cách an toàn khi bầu cử cho cử tri diện F1

“Mặc dù Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã dành nhiều chính sách đến đồng bào vùng cao như Nậm Pồ của chúng tôi rồi, song tôi cũng mong sẽ có nhiều chính sách ưu việt hơn nữa để giúp đồng bào giảm bớt khó khăn.

Công tác trong ngành giáo dục, tôi thấy cán bộ, giáo viên và học sinh ở miền núi, biên giới quá vất vả và gian nan. Vì vậy, hôm nay là lần đầu tiên đi bỏ phiếu bầu cử, tôi sẽ chọn những người có đủ đức, đủ tài. Mong họ sẽ là cầu nối thông tin, truyền tải những bất cập trong chính sách với nhà giáo, với học sinh lên đến cơ quan quyền lực cao nhất.

Tôi mong rằng các cấp lãnh đạo sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những cử tri là cán bộ, giáo viên vùng sâu, biên giới như chúng tôi”, chị Bùi Thị Lương nói.

Trong buổi sáng 23/5, ở Nậm Pồ nắng nóng từ rất sớm. Công tác an ninh, an toàn được thực hiện tốt. Do đang là thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nên địa phương này chuẩn bị rất chu đáo, đảm bảo thực hiện nghiêm khẩu hiệu “5K” của Bộ Y tế.

Theo kế hoạch, 3.437 cử tri ở xã Si Pa Phìn (có 140 cử tri từ nơi khác đến chống dịch) sẽ đi bỏ phiếu. Huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo thành lập 8 đơn vị bầu cử, 9 khu vực bỏ phiếu tại xã Si Pa Phìn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.