Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Không có làn sóng đỏ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ kịch tính đến phút cuối cùng, khi mà hai đảng Dân chủ và Cộng hòa bám sát nhau từng ghế một ở Thượng viện.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ kịch tính đến phút cuối cùng, khi mà hai đảng Dân chủ và Cộng hòa bám sát nhau từng ghế một ở Thượng viện và đảng Cộng hòa đã không tạo nên làn sóng đỏ áp đảo như dự kiến.

Hết ngày bầu cử 8/11, đảng Cộng hòa đã đạt được những bước tiến khiêm tốn nhưng đảng Dân chủ đã làm tốt hơn người ta chờ đợi.

Tại Hạ viện, đến tối 9/11, đảng Cộng hòa dẫn trước với đa số hẹp: 199 ghế so với 173 của Dân chủ, vẫn còn thiếu nhiều so với 218 ghế tối thiểu để giành đa số. Còn ở Thượng viện, Dân chủ giành 48 ghế, Cộng hòa 47 ghế trong số 100 ghế thượng nghị sĩ. Việc kiểm phiếu vẫn tiếp tục.

Trong bầu cử giữa kỳ năm nay, hàng triệu cử tri Mỹ đi bầu lại toàn bộ 434 ghế Hạ viện và 1/3 Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ, cùng với 36 thống đốc bang. Ai giành được quyền kiểm soát Quốc hội và ai giành được quyền lực ở các bang cũng sẽ ảnh hưởng việc đưa ra các quyết sách chính trong 2 năm tới của nước Mỹ.

Nếu đảng Cộng hòa chiếm ưu thế, thì vấn đề nhập cư, quyền tôn giáo và việc trấn áp tội phạm bạo lực sẽ là ưu tiên. Trong khi đó, nếu đảng Dân chủ chiến thắng, các vấn đề như môi trường, chăm sóc sức khỏe, quyền bỏ phiếu và kiểm soát súng vẫn là “tâm điểm” trong chương trình nghị sự.

Dù kết quả bầu cử không ảnh hưởng đến ghế tổng thống của ông Biden nhưng nó sẽ phản ánh quan điểm của cử tri về nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden và các chính sách hiện tại của nước Mỹ.

Năm nay là một năm ác mộng với đảng Dân chủ. Nửa nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Joe Biden không suôn sẻ. Cuộc chiến ở Ukraine đã tác động mạnh đến kinh tế Mỹ, làm giá năng lượng, giá sinh hoạt tăng cao, lạm phát gia tăng, khiến ông Biden và đảng Dân chủ mất tín nhiệm. Đảng Dân chủ cũng vận động cho quyền phá thai - một điều gây nhiều tranh cãi với công chúng Mỹ.

Các cử tri bi quan về hướng đi của đất nước khi lạm phát gia tăng và sự chia rẽ chính trị bùng nổ, tỷ lệ phạm tội cao và người nhập cư không giấy tờ tăng vọt. Sự bi quan đó sẽ khiến họ trút bỏ sự thất vọng của họ lên đảng cầm quyền.

Thăm dò ngay trước thềm bầu cử được Reuters/Ipsos công bố hôm 7/11 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giảm xuống 39%. Trung tâm Chính trị của Đại học Virginia hôm 7/11 dự đoán rằng, đảng Cộng hòa sẽ dễ dàng giành được đa số ở Hạ viện, giành được 24 ghế, và thậm chí cũng có thể giành được đa số ở Thượng viện.

Nhưng hóa ra phe Cộng hòa không giành chiến thắng dễ dàng như dự đoán. Các nỗ lực vận động của Dân chủ đã có kết quả. Trong một chiến thắng quan trọng dành cho Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên Dân chủ John Fetterman đã lật được chiếc ghế Thượng viện Hoa Kỳ do đảng Cộng hòa nắm giữ ở Pennsylvania, đánh bại bác sĩ nổi tiếng Mehmet Oz và củng cố cơ hội cho đảng của ông giữ ghế. Quyền kiểm soát Thượng viện phụ thuộc vào các cuộc đua sít sao ở Arizona, Georgia và Nevada, nơi các lá phiếu vẫn đang được đếm.

Nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, họ sẽ có thể làm tê liệt chương trình nghị sự của Tổng thống Biden. Với đa số Hạ viện, đảng Cộng hòa sẽ cố gắng sử dụng trần nợ liên bang làm đòn bẩy để yêu cầu cắt giảm chi tiêu sâu.

Họ cũng có thể chặn viện trợ cho Ukraine vì cho rằng khoản viện trợ này đang là gánh nặng với kinh tế, tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, việc chặn là khó, khả năng nhiều hơn chỉ là làm chậm hoặc cắt giảm dòng hỗ trợ quốc phòng và kinh tế cho Ukraine.

Nhưng cuộc đua không có kết quả sớm cho thấy chính trường Mỹ đang chia rẽ nhiều đến thế nào. Ngay cả trường hợp nếu Dân chủ vẫn kiểm soát được Quốc hội, các chính sách của ông Biden và phe Dân chủ vẫn sẽ gặp sự phản ứng quyết liệt từ phe Cộng hòa trong bối cảnh kinh tế xấu đi và cuộc chiến Ukraine chưa thấy hồi kết thúc.

Kết quả bầu cử giữa kỳ cũng có thể ảnh hưởng đến bầu cử tổng thống 2024 và đặc biệt là kế hoạch tái tranh cử đã được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump úp mở nhiều lần. Bước tiến của Cộng hòa và ông Trump như thế nào vẫn còn phải chờ khi có kết quả chính thức.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ