Được sáng tạo bởi Tiến sĩ Gary Chapman - một cố vấn hôn nhân nổi tiếng với cuốn sách bán chạy nhất “The 5 Love Languages”, 5 ngôn ngữ tình yêu là sự tiếp xúc cơ thể, quà tặng, lời khẳng định, hành động và thời gian chất lượng.
Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nuôi dạy con
Lý thuyết của Tiến sĩ Chapman là tất cả chúng ta đều thể hiện và trải nghiệm tình yêu theo cùng 5 cách. Tuy nhiên, mọi người, kể cả trẻ em, đều có một cách cụ thể mà họ cho là quan trọng nhất.
Tiến sĩ Chapman, đồng tác giả của “The 5 Love Languages of Children” cho biết, chỉ yêu con thôi là chưa đủ. “Bạn phải biết cách truyền đạt tình yêu thương cho con, để trẻ thực sự cảm thấy được yêu thương”, Tiến sĩ Chapman cho biết.
Ngôn ngữ tình yêu có thể ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con như thế nào là một câu hỏi được không ít phụ huynh quan tâm. Nhà văn người Mỹ Gail Cornwall đã nêu ví dụ thực tế về cách ngôn ngữ tình yêu có thể ảnh hưởng đến quá trình nuôi dạy con.
“Cậu con trai 6 tuổi của tôi, Stuart, là kiểu trẻ con mà tôi ghen tị khi lớn lên: Ngoan ngoãn và được giáo viên yêu quý, nhưng cũng đủ vui nhộn để giành được tất cả các lời mời dự tiệc sinh nhật. Tuy nhiên, ngay sau khi tôi trở về từ chuyến công tác mùa Xuân, tôi thấy con kẹp một hạt đậu xanh giữa các ngón tay và ném vào tôi. Sau đó, con đẩy chị gái 3 tuổi của mình, Josephine, xuống đất. Sau đó, con rút kim ra khỏi đồ đan của chị gái Vivienne, để len rơi xuống sàn”, bà Cornwall chia sẻ.
Theo nữ nhà văn, Stuart cảm thấy bị bỏ rơi trong tuần đó khi mẹ đi vắng. Trong khi đó, các chị gái của Stuart bận rộn với những hoạt động riêng. Vì vậy, bà Cornwall đã bày tỏ với con trai về việc mình yêu con nhiều như thế nào. Tuy nhiên, Stuart chỉ nhún vai và bỏ đi. Khi đó, nữ nhà văn không biết làm thế nào để tiếp cận con.
“Mọi thứ đã thay đổi sau khi tôi đọc một bài báo của Tiến sĩ Chapman về các ngôn ngữ tình yêu khác nhau. Tôi nhận ra rằng, những lời trấn an bằng lời nói mà tôi dành cho Stuart không có ý nghĩa gì nhiều với thằng bé bằng những cái ôm, vuốt ve và những hành động thể hiện tình cảm khác. Sau đó, tôi bế thằng bé lên tay và tâm trạng của con thay đổi như thể tôi đã bật công tắc”, bà Cornwall kể. Song, nữ nhà văn vẫn không ngừng nói “Mẹ yêu con”.
Tiến sĩ Chapman nhấn mạnh, trẻ em cần được yêu thương bằng cả 5 ngôn ngữ. Tuy nhiên, biết được ngôn ngữ nào là lựa chọn hàng đầu của con có thể giúp cha mẹ củng cố mối quan hệ với trẻ. Đồng thời, giúp ngăn chặn hành vi không mong muốn của trẻ.
Khám phá ngôn ngữ tình yêu của con
Bước đầu tiên để xác định ngôn ngữ tình yêu chính của trẻ là chú ý đến cách chúng thể hiện tình cảm với cha mẹ. Tất cả chúng ta đều có xu hướng thể hiện tình cảm theo cách mà mình muốn nhận được. 5 ngôn ngữ tình yêu khác nhau bao gồm: Chạm nhẹ, tặng quà, lời khẳng định, hành động và thời gian chất lượng.
1. Chạm nhẹ
Mặc dù, phụ huynh nào cũng có thể nói “Cha/mẹ yêu con” với trẻ, nhưng đối với những trẻ thích được vuốt ve, một cái ôm cũng nói lên điều đó. Phụ huynh cần tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Con mình có thích được chạm nhẹ không?”. Tiến sĩ Chapman có một cậu con trai thích ngôn ngữ tình yêu này.
“Khi tôi về nhà, thằng bé sẽ chạy ra cửa, túm lấy chân và trèo lên người tôi”, ông nói. Tiến sĩ Laura Markham, tác giả của cuốn sách “Peaceful Parent, Happy Kids”, cho biết nếu trẻ em liên tục ở trong không gian của cha mẹ, chạm vào hoặc nghịch tóc phụ huynh, thì đó là tín hiệu cho thấy chúng cần được vỗ về nhiều hơn.
Phụ huynh cũng được khuyến khích thể hiện tình yêu thông qua tiếp xúc cơ thể. Cha mẹ có thể cùng con cuộn mình trên ghế dài, hỏi trẻ xem chúng có muốn ngồi trên đùi phụ huynh không. Sau đó, cha mẹ có thể mát-xa chân và tay cho con. Tiến sĩ Chapman cũng gợi ý đấu vật và chơi các môn thể thao đòi hỏi phải xô đẩy.
Nữ phụ huynh Diana Peterfreund, ở Silver Spring, Maryland (Mỹ), cho biết: “Tôi hôn con gái 3 tuổi của mình khắp đầu con bé giống như Cookie Monster ăn bánh quy. Con bé cười và hỏi, ‘Quái vật hôn nữa không?’”.
Trong khi đó, phụ huynh Virginia Green, ở San Francisco và con gái 5 tuổi của cô, Eloise, bắt tay nhau một cách bí mật. Khi con bé đang trải qua một số cảm xúc mãnh liệt, phụ huynh Green nói: “Tôi sẽ với tay và bóp tay con bé ba lần. Điều đó tương đương với câu ‘Mẹ yêu con’”.
2. Nhận quà
Trẻ em cảm thấy được yêu thương khi nhận được đồ vật mình yêu thích. Người có ngôn ngữ tình yêu chính là nhận quà thường quan tâm đến cách gói quà và thường nhớ ai đã tặng mình món quà đó trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó.
Phụ huynh Anjali Jameson, đến từ San Francisco, cho biết: “Có lần, một dịch vụ giao hàng tạp hóa đã gửi hoa cho tôi vì họ làm hỏng đơn hàng của tôi. Tôi đã tự nhiên nói với cô con gái 5 tuổi của mình rằng, đó là hoa dành cho con bé. Con bé nói, ‘Con yêu mẹ!’ và tiếp tục kể với mọi người về những bông hoa từ cha mẹ mình”.
Những trẻ này coi món quà là biểu tượng cho tình yêu của cha mẹ. Món quà có thể là bất cứ thứ gì từ một viên đá nhỏ đến quả bóng len sặc sỡ mà trẻ thích. “Mỗi năm kể từ khi tôi rời đi học đại học, mẹ đều gửi cho tôi những chiếc lá để tôi có thể tận hưởng một chút mùa Thu ở nhà”, Skye Schulte, người bản xứ Wisconsin, hiện sống ở San Francisco cho biết.
Tiến sĩ Y khoa Harvey Karp - tác giả cuốn sách “The Happiest Baby on the Block”, cho biết nhãn dán và biểu đồ sao cũng là những cách cụ thể để cha mẹ khiến trẻ cảm thấy được coi trọng. Phụ huynh hãy đảm bảo trẻ cảm thấy được coi trọng khi nhận quà.
3. Lời khẳng định
Đối với những đứa trẻ chăm chú lắng nghe và nói ngọt ngào, những lời yêu thương của cha mẹ sẽ có ý nghĩa nhất. Cha mẹ cần đặt câu hỏi: “Con mình có thích những lời khẳng định không?”. Nếu trẻ cười rạng rỡ mỗi khi cha mẹ khen ngợi hoặc đưa ra nhiều phản hồi ngọt ngào, thì có lẽ các bé thích những lời khẳng định.
Khi đó, cha mẹ nên bày tỏ tình yêu thông qua lời nói. Những mẩu giấy nhỏ trong hộp cơm trưa, tin nhắn và thậm chí là một chiếc vòng tay có in dòng chữ “người hùng của con” có thể có ý nghĩa rất lớn đối với những đứa trẻ có ngôn ngữ tình yêu là lời khẳng định.
Nữ phụ huynh Auburn Daily, ở San Francisco, cho biết thường cúi xuống ngang tầm với con mình, nhìn vào mắt con và nói: “Con là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời mẹ. Con rất quan trọng đối với mẹ”.
Khi đó, những lời lăng mạ có thể gây tổn thương sâu sắc tới trẻ. Tiến sĩ Chapman cho biết, điều đặc biệt quan trọng đối với những đứa trẻ này là nghe những từ “Mẹ yêu con” một cách riêng lẻ, thay vì “Mẹ yêu con, nhưng...”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Markham lưu ý, việc gắn ba từ “Mẹ yêu con” với bất kỳ điều gì khác có thể ngụ ý rằng, tình yêu của phụ huynh dành cho trẻ là có điều kiện.
4. Hành động hỗ trợ
Hành động hỗ trợ có thể là ngôn ngữ tình yêu nghe có vẻ kỳ lạ nhất. Những đứa trẻ này đánh giá cao các cử chỉ chu đáo từ cha mẹ, như mua nước khoáng có hương vị, pha một ly nước hoàn chỉnh với một chiếc ô nhỏ và một lát dứa. Trẻ có thể nhờ cha mẹ buộc dây giày, sửa một món đồ chơi bị hỏng. Cha mẹ có thể xem những yêu cầu đó như việc đơn giản để trẻ cảm thấy được yêu thương.
Tiến sĩ Chapman cho biết, khi những đứa trẻ này lớn lên, điều quan trọng là cha mẹ phải khuyến khích tính tự lập và mong đợi trẻ tự làm những gì chúng có thể ở mỗi giai đoạn phát triển. Hành động hỗ trợ tốt nhất mà cha mẹ có thể làm là hướng dẫn trẻ từng bước để có năng lực hơn.
5. Thời gian chất lượng
Nhiều trẻ cảm thấy được trân trọng nhất khi cha mẹ dành thời gian chất lượng cho chúng. Một đứa trẻ nói, “Mẹ xem này!” hoặc “Chơi với con!” là chúng đang mong chờ thời gian chất lượng từ phụ huynh. Con gái của Tiến sĩ Chapman thường nói: “Bố ơi, vào phòng con đi! Con muốn cho bố xem thứ gì đó”.
Ngoài việc chỉ ở bên con, cha mẹ hãy dành sự chú ý hoàn toàn cho trẻ. Tiến sĩ Markham gọi đây là “thời gian đặc biệt”. Thời gian này có thể ngắn, nhưng hãy để trẻ lựa chọn hoạt động.
Tiến sĩ Chapman tin rằng, ngôn ngữ tình yêu giống như những đặc điểm tính cách tồn tại trong chúng ta suốt đời. Song, sở thích của trẻ có thể thay đổi theo từng khoảnh khắc và giai đoạn.
Một đứa trẻ mới biết đi thích được âu yếm có thể lớn lên trở thành một đứa trẻ 7 tuổi thích chơi đùa. Một đứa trẻ đắm chìm trong lời khen ngợi có thể trở nên hoài nghi về sự trấn an của cha mẹ vào một thời điểm nào đó. Do đó, cha mẹ hãy chú ý đến những phản ứng và hành vi của con vào bất kỳ thời điểm nào. Phụ huynh cần chắc chắn rằng sẽ tiếp tục kết nối và đồng hành với trẻ, ngay cả khi chúng lớn lên.