Bát nháo thị trường xe đạp điện, xe máy điện

GD&TĐ - Việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của xe đạp điện, xe máy điện trên thị trường gần như bị thả nổi. Tình trạng xe lậu, trốn thuế tràn lan, tiềm ẩn nhiều nguy hại, mất an toàn giao thông cho người tiêu dùng... 

Bát nháo thị trường xe đạp điện, xe máy điện

Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn để dẹp yên sự bát nháo của thị trường.

Xe lậu “phù phép” thành xe Việt

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cả nước hiện có hơn 3 triệu xe máy điện, xe đạp điện. Tuy nhiên, chúng ta mới quản lý được 10%, số còn lại đang bị “thả nổi”.

Theo ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, các đối tượng buôn lậu thường nhập lậu xe đạp điện từ Trung Quốc về sau đó được “phù phép” bằng việc làm giả các giấy tờ chứng minh, trong khi linh kiện nhập từ Trung Quốc, khung xe sản xuất ở Việt Nam và được lắp tại một công ty ở Lạng Sơn sau đó gắn mác lắp ráp tại Việt Nam. Theo ông Thái, đa số các vụ việc bị phát giác và bắt giữ khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, chủ hàng chỉ xuất trình được hóa đơn mua bán hàng. Ngoài ra, không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc xuất xứ của những lô hàng.

Phân tích về nguyên nhân tình trạng nhập lậu, buôn bán trái phép xe điện hai bánh ngày càng gia tăng, ông Thái cho biết, hiện nay trên thị trường, giá cả của xe đạp điện, xe máy điện không hề rẻ, bởi vậy khi “phù phép”, hợp thức hóa được những sản phẩm này các đối tượng thu lợi nhuận rất cao.

Trong khi đó, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, có một thời gian sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa tốt. Các cơ quan chức năng chủ yếu tập trung làm tròn “vai” của mình, còn lại sự phối hợp, liên kết với nhau để kiểm soát thị trường xe điện chưa được chú trọng. Đó chính là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến số lượng xe điện hai bánh chưa được đăng ký, đăng kiểm chiếm tỷ lệ lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng.

Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

Theo các chuyên gia, những sản phẩm xe đạp, xe máy điện nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chứng nhận chất lượng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây nguy hiểm và thiệt thòi lớn nhất vẫn là người tiêu dùng. Khi sản phẩm gặp vấn đề, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với nhiều rắc rối, thậm chí là cháy nổ, mất an toàn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng mà không biết kêu ai, ai chịu trách nhiệm... Đó là chưa kể đến lượng lớn xe điện nhập lậu khiến Nhà nước bị thất thu một khoản thuế lớn…

Thực trạng đó đòi hỏi các nhà quản lý cần nhanh chóng có những giải pháp hiệu quả, đồng thời liên kết, phối hợp để quản lý tốt “đầu vào” của thị trường xe điện hiện nay, cũng như kiểm soát chặt chẽ lượng xe đang lưu thông trên thị trường.

Theo đại diện Cục Đăng kiểm, thị trường xe điện đang rất cần một cuộc tổng thanh tra lớn để dẹp yên sự bát nháo, tràn lan với sự tham gia tích cực, chủ động và quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng thuế, quản lý thị trường để hạn chế lượng xe điện nhập lậu, xe trốn thuế ngay từ “đầu vào”.

Được biết, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành công văn về việc tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong nhập khẩu xe và linh kiện lắp ráp xe hai bánh chạy điện. Liên quan tới vấn đề này, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị tổ chức nghiêm túc, kịp thời chỉ đạo và yêu cầu xử lý nghiêm đối với các cán bộ, công chức có hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, gian lận trong việc nhập khẩu linh kiện, xe đạp, xe máy điện.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chỉ đạo và động thái quyết liệt trong quản lý xe đạp, xe máy điện ở cả khâu “đầu vào” lẫn thị trường mua bán và lưu thông... vẫn rất cần ý thức của người tiêu dùng khi lựa chọn, mua sắm phương tiện này. Chỉ có như vậy, thị trường và việc lưu thông xe máy, xe đạp điện mới được quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Thống kê cho thấy hiện có tới 50 - 60% xe đạp, xe máy điện bày bán trên thị trường là hàng không chính hãng. Tất cả các sản phẩm nhái thương hiệu mạnh đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Có 2 loại xe giả, đó là giả giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu của xe thật và loại thứ hai là chỉ giả về nhãn hiệu còn kiểu dáng tự thiết kế. Chẳng hạn, hiện Công ty Honda Sundiro tại Thượng Hải - Trung Quốc chỉ sản xuất có 3 mẫu xe đạp điện và Yamaha Motor Trung Quốc sản xuất 13 mẫu, nhưng tại thị trường Việt Nam hiện có đến… 13 mẫu xe Honda và 30 mẫu xe Yamaha.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ