Bất ngờ thú vị của cô gái Việt khi làm dâu mẹ chồng Malaysia

GD&TĐ - Mẹ chồng của Bích Hà tuyên bố "buông tay" con trai để anh toàn tâm vun đắp cho gia đình nhỏ.

Bích Hà và người mẹ chồng với chủ trương "từ bỏ" con trai để con toàn tâm toàn ý lo cho gia đình mới. Ảnh:NVCC.
Bích Hà và người mẹ chồng với chủ trương "từ bỏ" con trai để con toàn tâm toàn ý lo cho gia đình mới. Ảnh:NVCC.

Bích Hà (27 tuổi, người Quảng Nam), hiện là một biên tập viên truyền thông ở Malaysia. Cô kết hôn với anh Sze Kiet, một kỹ sư dầu khí, người nước này được hơn 2 tháng. Tuy vừa mới làm dâu và tiếp xúc với mẹ chồng rất ít, nhưng cô dâu Việt đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác trước phong thái độc lập của mẹ chồng và tình yêu của mẹ dành cho cô.

Trước lúc cưới mình lo lắng làm dâu ở xứ người, càng không biết mẹ chồng như thế nào? Quan hệ hai mẹ con sẽ ra sao? Rất nhiều câu hỏi đặt trong đầu. Chồng mình an ủi nói: "Mẹ anh hiền và độc lập lắm, em đừng lo lắng".

Cho đến khi gặp mẹ chồng, mình hoàn toàn đi từ bất ngờ này đi đến bất ngờ khác. Mẹ rất độc lập. Mình từng nghĩ sẽ làm trọn bổn phận con dâu, bằng việc gửi tiền hàng tháng cho mẹ. Nhưng khi mình đưa, mẹ bảo: "Mẹ còn sức khỏe, mẹ làm việc được nên con giữ bỏ vào tài khoản lo cho gia đình mới".

Nhớ hôm cả gia đình đi Đài Loan du lịch, mình chen lên được tàu trước, vội giành một ghế, định bụng để cho mẹ. Mẹ vào, mình liền đứng lên nhường, song mẹ nói: "Ghế là con vào trước con ngồi, mẹ vào sau thì mẹ đứng, bình đẳng con ơi" và mẹ đứng thật dù mình có nói thế nào đi nữa.

Mẹ cũng chưa bao giờ can thiệp vào bất cứ chuyện gì của vợ chồng mình. Lúc vừa cưới về, bà đã nói rõ ràng vấn đề này trước chồng và mình: "Giờ con đã làm chủ gia đình của con, mẹ can thiệp là mẹ sai vì Chúa dạy rằng: "Người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó cùng vợ mình và cả hai sẽ nên một thịt". Vậy mẹ sẽ để con hoàn toàn rời mẹ để toàn tâm vun đắp cho gia đình của con".

Các mẹ chồng ở Malaysia thường thương con dâu hơn cả con trai. Còn nhớ hôm đầu tiên về nhà chồng, mình bay khuya mệt quá nên sáng hôm sau 10h mới dậy. Xuống nhà đã thấy mẹ hầm sẵn con gà thuốc bắc cho mình. Lúc chồng mình đi vắng, mẹ chủ động bê gối sang ngủ cùng và còn kể chuyện tình ba mẹ cho nghe nữa.

Cách mẹ đối xử với mình giống như những lời mẹ từng chia sẻ: "Các mẹ chồng ở Malaysia thương con dâu hơn cả con trai. Nhưng họ thương con dâu một, mẹ sẽ thương con mười lần vì con đã rời đất nước con để làm dâu Malaysia, phải xa ba mẹ con nên con yên tâm mẹ sẽ coi con như con gái".

Đến ngày tổ chức hôn lễ bên đó, chiếc đầm truyền thống của người Hoa mình mua bị rộng. Thế là mẹ cặm cụi ngồi mở bung hết ra, sửa lại nguyên bộ tùng. Vì là sườn xám nên phải cẩn thận từng chi tiết. Đêm mình đi ngủ thấy mẹ còn làm. Sáng thức dậy đã thấy mẹ ngồi vá vì muốn cho kịp ngày cưới.

Mẹ chồng Malaysia từ bỏ con trai hoàn toàn để con một lòng với vợ - 1

Mẹ chồng Hà mất 2 ngày tháo váy cưới và may lại bằng tay cho con dâu. Ảnh:NVCC.

Ở bên này khi biết mình là con dâu Việt Nam, có nhiều người nghĩ xấu. Nhưng nỗi tự ti của mình tan biến sau một lần đi cùng mẹ. Bữa đó hai mẹ con đi thăm một người dì và dì đó cứ nghĩ dâu Việt Nam nghèo lắm, nên gọi mình vào tủ đồ của dì, lấy cho mình vài cái áo cũ. Mình đang sốc và ức trước hành động đó nhưng không dám nói. Mẹ đi vào nhìn cảnh ấy, liền bênh vực mình. "Con dâu tôi thiếu đồ, tôi sẽ tự mua đồ mới cho con, không cần đồ cũ của dì đâu. Mà con tôi cũng không đến mức cần dì cho đồ". Mình vui và càng yêu, càng thương mẹ hơn".

Bích Hà cho biết thêm, mẹ chồng cô 60 tuổi, trước bà kinh doanh vải nhưng nay đã nghỉ việc. Vợ chồng cô ở riêng và bận công tác nên thường một đến hai tháng mới về thăm bố mẹ một lần. Mới cưới và ít cơ hội gặp mẹ nên có chừng đó kỉ niệm thôi, nhưng Hà trân trọng vì tình thương mẹ dành cho cô chỉ cần đơn sơ như vậy là quá đủ rồi.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.