Loài cá mập yêu tinh rất hiếm gặp vì chúng thường sống tại vùng nước gần đáy biển cách bề mặt khoảng 1.200m. Chúng không thích ánh nắng Mặt trời và thích bóng tối dưới đáy biển. Vì thế, chúng còn được gọi là ‘cá mập ma cà rồng’.
Mặc dù vậy, con cá mập nhỏ này được 2 cha con ngư dân Lochlainn Kelly bắt bằng lưới tại vùng nước cách bề mặt chỉ khoảng 609m gần Green Cape ở ngoài khơi bờ biển New South Wales, Australia. Sau đó, nó được đưa tới công viên hải dương Wharf ở Merimbula để các nhà khoa học nghiên cứu.
Con cá mập bắt được ở ngoài khơi Australia có hình dạng rất đáng sợ với bụng màu hồng nhạt, vây màu xám, mũi dài và răng nhọn. Nó có chiều dài 1,2 m nên các nhà khoa học phỏng đoán nó khoảng 2 đến 3 năm tuổi, trong khi cá mập yêu tinh trưởng thành dài từ 3 đến 4 m.
Cá mập yêu tinh là loài duy nhất còn sống sót trong họ cá mập Mitsukurinidae xuất hiện trên Trái đất cách đây 125 triệu năm.
“Răng của chúng thường được tìm thấy trong dây cáp điện ngầm dưới biển”, nhà nghiên cứu sinh vật biển McMaster tại công viên hải dương Wharf, cho biết. Con cá mập này sẽ được chuyển tới viện bảo tàng Australia để trưng bày.