Báo Xuân Việt Nam thay đổi thế nào trong một thế kỉ

GD&TĐ - Trong thư tịch lưu trữ ở Viễn Đông Bác Cổ, bây giờ là Thư viện Quốc gia Hà Nội, người ta phát hiện tờ báo “Xuân 1918” không đánh số thứ tự của Nam Phong tạp chí, in tại Đông Kinh ấn quán do ông Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Đây được xem là tờ báo Xuân đầu tiên ở nước ta.

Báo Xuân Việt Nam thay đổi thế nào trong một thế kỉ

Tươi thắm sắc màu mùa xuân

Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng tờ báo đầu tiên ở Sài Gòn làm báo Xuân là Phụ Nữ Tân Văn, năm 1930. Trong số báo đặc biệt năm ấy, in nhiều bài viết về mùa Xuân, về Tết cổ truyền. Thật ấn tượng, có thể nói đây là tờ báo Xuân mẫu mực để cho các báo khác sau này noi theo.

Từ đó về sau, hàng loạt tờ báo khác đều có báo Xuân như tờ Phong Hóa (Hà Nội 1934, 1935, 1936), Loa (Hà Nội 1935), Chơi Xuân (Hà Nội 1935), Đuốc Nhà Nam (Sài Gòn 1936), Quà Tết (Sài Gòn 1937), Sách Xuân (Sa Đéc 1937), Khoa Học Phổ Thông (Sài Gòn 1938).

Nhưng nếu căn cứ vào thư tịch lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Hà Nội, “số Tết 1918” không đánh số thứ tự của tờ Nam Phong tạp chí in tại Đông Kinh ấn quán, do ông Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, ông Dương Bá Trạc đồng chủ bút mới là tờ báo Xuân đầu tiên nước ta. Tờ Nam Phong “số Tết 1918” in bìa màu vàng cam nhạt, hình bìa là hai ông già, một sáng và một mờ, tay cầm cành đào.

Ông già áo đen, sáng, tay cầm nhánh đào đã trụi bông, có chữ Đinh Tỵ (bằng chữ Hán) chuyển ấn cho ông già áo vàng, in mờ, tay cầm nhánh đào đầy bông, có chữ Mậu Ngọ. Đây là hình hai vị Hành khiển (phán quan trong truyền thuyết) đang bàn giao ấn tín (năm cũ sang năm mới) cho nhau.

Đặc điểm “số Tết 1918” của Nam Phong là tất cả các bài viết bằng tiếng Việt, có nhiều tranh minh họa và hoàn toàn không có quảng cáo. Hồi ấy người ta chưa phân biệt hai số Xuân với số Tết như ngày nay (bây giờ số Tết - Âm lịch, số Xuân - Dương lịch).

Nhận định vì sao trong Nam có nhiều báo Xuân, báo Tết, nhà văn Sơn Nam cho biết: “Ấn phẩm báo Xuân ở trong Nam tồn tại mãi chính là từ tấm lòng, tính cách hào phóng của dân Nam Bộ. Cuối năm, sau khi quyết toán xong sổ sách, lời lỗ trong một năm, các vị chủ báo (hồi ấy là tư nhân) nghĩ rằng mình phải tạo điều kiện cho cộng tác viên (CTV), và nhà báo kiếm tiền tiêu Tết.

Vì thế, các ông chủ báo cho tòa soạn chủ động thực hiện một ấn phẩm đặc biệt. Ấn phẩm này có trang in nhiều hơn, dày hơn, hình thức đẹp hơn, tất nhiên giá sẽ bán gấp đôi, gấp ba thường lệ”. Họ phát hành ấn phẩm đó rồi cùng chia nhau hưởng lợi. Nói cách khác, đây là cách thưởng “lương tháng 13” của chủ báo dành cho những người cộng sự đắc lực của mình”- Sơn Nam nhấn mạnh.

Truyền thống tốt đẹp

Đã trở thành truyền thống tốt đẹp, các tờ báo Xuân thường in hình bìa là những người đẹp, nhân vật điển hình tiên tiến, các vận động viên (VĐV) tiêu biểu được bình chọn là nhân vật của năm.

Ngay trang đầu trong nội dung báo là dòng chữ “Cung Chúc Tân Xuân” hay “Chúc Mừng Năm Mới”, tô điểm với hình ảnh thiếu nữ Việt mặc áo dài tung tăng bên ngàn hoa sắc thắm. Rồi theo đó, căn cứ vào cơ sở 12 con Giáp, báo năm nào thì tập trung viết về con vật đó, cụ thể như “năm Hợi nói chuyện heo, chuyện lợn” là nét chung của báo Xuân muôn thuở.

Tờ báo phải thêm một “đặc sản” không thể thiếu là “chuyên đề” về Táo quân. Sớ Táo quân là một hình thức sử dụng thể loại vần vè tóm tắt tình hình, chính trị, xã hội, văn hóa (độc đáo, nổi bật, vui vẻ) trong năm qua. Tất nhiên để “câu” độc giả báo còn có những bài “độc” viết về các nghệ sĩ, người mẫu, VĐV tiêu biểu. Cuối tờ báo cũng phải có các tiểu phẩm, truyện cười, tranh biếm họa, ảnh vui vẻ, ngộ nghĩnh.

Qua một năm vất vả, cứ dịp Tết đến Xuân về, các tờ báo lại rộng rãi thông báo “nghỉ mấy bữa ăn Tết, sau Tết sẽ ra báo tiếp” và những ngày nghỉ ấy thường kéo dài từ 28, 29 tháng Chạp đến hết mùng 5, đây cũng là thời điểm các công sở, trường học nghỉ Tết.

Một số tờ báo đông độc giả, bán chạy, còn ra thêm hai số đặc biệt: số cuối năm gọi là số Tất niên, số đầu năm gọi là số Tân niên. Bài vở các số đặc biệt ấy đều hay, được chọn lọc kĩ lưỡng, do những người viết là tác giả tên tuổi nên nội dung hấp dẫn, độc đáo, mới lạ, ly kỳ.

Đã thành thông lệ, hằng năm, cứ vào khoảng từ 20 tháng Chạp trở đi, các độc giả luôn háo hức chờ đợi sự ra mắt của tờ báo Xuân. Đây là nét văn hóa ngày Tết của người Việt, báo xuân là món ăn tinh thần không thể thiếu.

Nhiều người lớn tuổi hiện nay vẫn giữ thói quen đọc báo giấy (báo Xuân) mỗi độ năm hết Tết đến. Thói quen tao nhã ấy không khác gì thú nhâm nhi thưởng thức ly trà, với mứt, bánh ngày Tết. Thật thi vị là thú đọc báo Xuân ngót nghét trăm năm rồi không thay đổi, hay phôi pha, kể từ khi tờ báo Xuân năm 1918 đầu tiên ra đời.

Báo Xuân Việt Nam thay đổi thế nào trong một thế kỉ ảnh 1Báo Xuân Việt Nam thay đổi thế nào trong một thế kỉ ảnh 2Báo Xuân Việt Nam thay đổi thế nào trong một thế kỉ ảnh 3Báo Xuân Việt Nam thay đổi thế nào trong một thế kỉ ảnh 4Báo Xuân Việt Nam thay đổi thế nào trong một thế kỉ ảnh 5Báo Xuân Việt Nam thay đổi thế nào trong một thế kỉ ảnh 6Báo Xuân Việt Nam thay đổi thế nào trong một thế kỉ ảnh 7

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.