Người lái xe dưới 50 phân khối (cc) có cần thi sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) hay không là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây bởi số vụ tai nạn liên quan học sinh điều khiển xe dưới 50cc, xe máy điện, xe đạp điện ngày càng tăng cao. Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề này đang rất cần áp dụng tại Việt Nam.
Hạn chế kỹ năng an toàn giao thông
Thống kê từ Bộ Công an, trong 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em (độ tuổi từ 6 - 18 tuổi), trong đó có hơn 700 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện cá nhân.
Trước tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên diễn biến phức tạp, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra kiến nghị người điều khiển xe máy dưới 50cc phải sát hạch cấp GPLX. Hiện kiến nghị đang nhận được quan tâm lớn từ phía dư luận, đặc biệt các bậc phụ huynh.
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, GPLX được phân làm 13 hạng. Bằng lái hạng A1 cho phép điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh từ trên 50 đến dưới 175cc; bằng A2 cấp người điều khiển xe trên 175cc. Luật cũng quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy dưới 50cc; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh từ 50cc trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự.
Vì vậy, học sinh cấp 3, người trên 16 tuổi sử dụng xe dưới 50cc tham gia giao thông rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Người điều khiển chưa được đào tạo, sát hạch, thậm chí có nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật trật tự an toàn giao thông khi lưu thông.
Anh Lê Tùng Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, học sinh hiện nay phải tự di chuyển rất nhiều nơi để học chính khóa, học thêm… Trong khi hầu hết phụ huynh khá bận rộn nên không thể thường xuyên đưa đón, hoặc vì lý do gì đó đến trễ sẽ ảnh hưởng đến việc học của các con.
“Học sinh sử dụng 1 chiếc xe dưới 50cc để đi học là nhu cầu có thật. Việc cho phép học sinh sử dụng loại xe này sẽ giúp các con chủ động hơn nhiều. Điều này vừa giúp giảm mật độ phương tiện giao thông trên đường, vừa góp phần giảm tình trạng kẹt xe vào những khung giờ tan học”, anh Sơn nói.
Đồng quan điểm, chị Bùi Thị Hạnh (quận Hà Đông, Hà Nội) nhìn nhận thực tế, hiện nay tại các nhà trường, việc giáo dục an toàn giao thông chỉ được lồng ghép trong các giờ học ngoại khóa, nên việc tuyên truyền, nhắc nhở, áp dụng thực hiện các kỹ năng giao thông an toàn hạn chế. Trong khi độ tuổi học sinh có thể ý thức tự giác, nắm rõ và rèn luyện tốt các kỹ năng lái xe ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
“Theo tôi, việc yêu cầu phải học và thi lấy GPLX đối với nhóm phương tiện dưới 50 phân khối là khá cần thiết. Tôi thấy không chỉ phù hợp với xu hướng hiện đại thời nay và xu hướng trên thế giới, mà điều này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông một cách bài bản, có hệ thống cho các em học sinh”, chị Hạnh chia sẻ.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc luật hóa hành vi sử dụng xe gắn máy dưới 50 phân khối với người đủ 16 tuổi là cần thiết. Các em muốn điều khiển xe máy phải học luật, học các kỹ năng chạy xe và phải qua kỳ thi sát hạch để được cấp GPLX.
Mục tiêu cuối cùng của đề xuất này cũng chính là bảo vệ các em trong môi trường giao thông đang ngày càng trở nên phức tạp, có nguy cơ mất an toàn hơn. Điều băn khoăn là quy định này chỉ có các em đủ 16 tuổi; còn đến 18 tuổi các em có thể thi lấy GPLX cao hơn.
Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, quy chuẩn của Việt Nam, các nước trên thế giới và công ước Viên quy định tất cả xe 2 - 3 bánh chạy bằng động cơ, có tốc độ thiết kế trên 50km/giờ gọi là xe mô tô và những người điều khiển phải có GPLX. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy dưới 50cc, không phải qua sát hạch lái xe.
Trong khi đó, các loại xe phân khối nhỏ này vẫn có tốc độ khá cao có thể lên tới 60 - 70km/giờ. Do đó, việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho người điều khiển phương tiện dưới 50 phân khối sẽ “vá lỗ hổng” trong luật hiện hành, tăng cường công tác quản lý phương tiện và nhóm đối tượng sử dụng phương tiện.
TS Khương Kim Tạo đánh giá, các cháu điều khiển các xe dưới 50cc nhưng tốc độ lại trên 50 km/giờ sẽ trở thành lỗ hổng gây ra nguy hiểm cho vấn đề trật tự an toàn giao thông. Vì vậy, đề xuất này khá hợp lý, những xe tốc độ thiết kế trên 50 km/gờ thì yêu cầu phải có GPLX cho đảm bảo an toàn.
Cho rằng học sinh, sinh viên là đối tượng trong độ tuổi chưa “chín” về nhận thức khi tham gia giao thông, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TPHCM đánh giá, đề xuất nhóm lái xe dưới 50cc phải có GPLX là rất cần thiết.
“Việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX dưới 50cc sẽ giúp cho nhóm đối tượng học sinh, thanh thiếu niên hiểu rõ hơn về luật lệ giao thông đường bộ, tăng cường kỹ năng lái xe, góp phần tạo nên một sự thay đổi lớn, một bước phát triển lớn trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, luật sư Bình nêu quan điểm.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lại cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu sâu hơn, đánh giá cụ thể hơn đề xuất này để tránh gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc.
“Theo như quy định của pháp luật, từ 16 đến dưới 18 tuổi là lứa tuổi chưa có đầy đủ năng lực, hành vi trách nhiệm của công dân cho nên nếu chúng ta quy định phải đào tạo, sát hạch rồi cấp GPLX cho nhóm đối tượng này thì phía cơ quan quản lý Nhà nước phải nghiên cứu thêm. Bởi nó đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước phải đầu tư công sức rồi tập trung nguồn nhân lực không phải là nhỏ. Tôi nghĩ, với những quy định của pháp luật hiện hành, nếu như chúng ta thực hiện nghiêm, thực hiện thường xuyên có sự phối hợp đồng bộ từ nhà trường, gia đình, lực lượng chức năng trong việc kiểm soát thì cũng đã giảm thiểu rất nhiều về tai nạn giao thông”, ông Quyền nêu quan điểm.