Bão số 1: Trên 600 du khách phải ở lại đảo Cô Tô, Quan Lạn

Do sóng biển lớn, tàu không thể xuất bến, nhiều khách du lịch đang mắc kẹt tại các đảo Cô Tô, Quan Lạn (tỉnh Quảng Ninh).

Bão số 1: Trên 600 du khách phải ở lại đảo Cô Tô, Quan Lạn

TTXVN dẫn lời ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) cho biết: trên đảo Cô Tô còn 546 khách du lịch đang bị mắc kẹt ở do sóng biển lớn, tàu không thể xuất bến. Từ 6 giờ ngày 23/6, Cô Tô đã cấm các phương tiện tàu bè xuất cảng.

Để bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi bão số 1 đổ bộ, huyện Cô Tô đã yêu cầu các nhà hàng, khách sạn bố trí đủ chỗ ăn, ở cho khách, đồng thời không được tăng giá dịch vụ. Huyện cũng tổ chức 3 tổ công tác đi kiểm tra tại điểm xung yếu đê, kè chắn sóng và âu tàu. Huyện đã huy động khoảng 200 nhân lực thuộc lực lượng vũ trang và đoàn thanh niên sẵn sàng ứng trực phòng khi bão về.

Ông Hoàng Bá Nam cũng cho biết đến 12 giờ ngày 23/6, huyện đã kêu gọi 385 tàu, bè về nơi trú ẩn an toàn.

Tại khu nghỉ dưỡng Viglacera Vân Hải, xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn), hiện có khoảng 100 khách du lịch đang cư trú. Ông Hoàng Đức Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải cho biết đã chủ động giảm 50% giá dịch vụ thuê phòng nghỉ tại đây, đồng thời chỉ lấy giá gốc đối với dịch vụ ăn uống.

Từ sáng sớm 23/6, bến tàu Vân Đồn cũng đã cấm các tàu, thuyền xuất bến đi các đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng, Cô Tô…

Hiện ở 2 đảo Cô Tô và Quan Lạn đã có mưa rải rác, gió giật cấp 6 đến cấp 7.

Ông Đoàn Mạnh Linh, Trưởng Phòng nghiệp vụ du lịch - Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Quảng Ninh cho biết do bão số 1 xảy ra vào đầu tuần nên khách du lịch không nhiều. Do đó, số lượng khách mắc kẹt trên đảo cũng không lớn, chủ yếu là đảo Cô Tô, số ít ở xã đảo Quan Lạn.

Hiện ngành du lịch luôn cập nhật thông tin về khách du lịch hiện đang có mặt trên các đảo, chỉ đạo các đơn vị làm du lịch quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho khách trong những ngày mưa bão.

---------
Theo Báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), đến nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An Hà Tỉnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã có công điện chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động các biện pháp phòng chống ứng phó với bão và mưa, lũ sau bão.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh đã cử đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại Móng Cái.

* Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Bộ đội Biên phòng cho biết tính đến 11h00 ngày 23/6, lực lượng Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 65.749 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản với 300.003 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

* Tỉnh Quảng Ninh cho biết đã có 460 tàu du lịch đi trú tránh và Cảng vụ đường thủy sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc. Có 286 tàu xa bờ đã được neo đậu tại bến trên địa bàn tỉnh; 20 chiếc đang trên đường về nơi trú tránh. Chi cục Kiểm tra và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản tỉnh đang tiếp tục liên lạc với 6 tàu chưa liên lạc được.

Ngoài ra, tàu thuyền công suất nhỏ (dưới 90CV) đã trú và neo đậu tại các bến cá, khu neo đậu tránh trú bão của địa phương. Tỉnh cũng yêu cầu hoàn tất việc sơ tán dân trên các lồng bè ở khu vực từ Cẩm Phả đến Móng Cái trước 17h ngày 23/6.

* Tại Hải Phòng, quận Đồ Sơn đã tổ chức neo đậu an toàn cho 286 tàu thuyền với 1.062 lao động. Hiện tại không còn phương tiện hoạt động xa bờ và chỉ còn 56 phương tiện với 189 lao động đang hoạt động ven bờ. Quận đang duy trì lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và tổ chức di dời các hộ nuôi ngao về vị trí an toàn.

Huyện đảo Bạch Long Vỹ đã tổ chức neo đậu cho 536 phương tiện với 1.778 lao động trong đó có 365 phương tiện của địa phương và 171 phương tiện của các tỉnh khác.
---------

Tàu thuyền trú bão tại khu neo đậu Cửa Hội - Nghệ An. Ảnh: TTXVN
Tàu thuyền trú bão tại khu neo đậu Cửa Hội - Nghệ An. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Ninh vừa có công điện khẩn gửi UBND các địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về chuẩn bị các biện pháp chủ động đối phó với cơn bão số 1.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu UBND các địa phương, đặc biệt là các huyện Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn và các đơn vị thông báo rộng rãi và yêu cầu tàu thuyền còn đang ở trên vùng biển phía Đông vịnh Bắc Bộ khẩn trương di chuyển theo hướng Tây Nam hướng về đất liền hoặc về những nơi trú tránh an toàn gần nhất. Các thuyền viên trên tàu nhất thiết phải mặc áo phao và chuẩn bị sẵn các loại phao cứu hộ trên tàu để sử dụng khi cần thiết.

Hoàn lưu trước và sau bão có thể gây mưa to đến rất to, vì vậy các địa phương rà soát và khẩn trương triển khai ngay các phương án đề phòng lũ quét và sạt lở đất. TP Móng Cái cần hết sức lưu ý phương án bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, bè mảng trên sông khu vực biên giới và sông Ka Long.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh duy trì lực lượng trực ban cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo kết quả triển khai về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN.

* Theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hải Phòng, đến sáng 22/6, các đơn vị chức năng phải hoàn thành thông tin tới các phương tiện đang hoạt động trên sông, biển về diễn biến cơn bão để có phương án di chuyển, né tránh.

Cụ thể, các phương tiện trên biển khẩn trương di dời ra khỏi vùng nguy hiểm được dự báo xác định là khu vực Kinh tuyến 109 đến kinh tuyến 113 và phía Bắc vĩ tuyến 15 và sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến cơn bão.

Cùng với đó, các lực lượng phòng chống thiên tai tại chỗ phải được duy trì đầy đủ, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn TP Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Cụ thể, lực lượng thường xuyên được duy trì là 37.000 người sẵn sàng hộ đê. Trong đó lực lượng do Bộ Chỉ huy quân sự TP đảm nhiệm và hiệp đồng hơn 7.000 người, 328 xe ô tô các loại, 107 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp. Lực lượng do bộ đội biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng 225 người, 14 tàu, 41 xuồng, 19 xe ô tô các loại. Cùng với đó, Hải Phòng đã chuẩn bị hơn 11.000 tấn lương thực cùng các nhu yếu phẩm khác.

Các đơn vị chức năng tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát sao diễn biến của bão để có phương án ứng phó kịp thời.

* Các cơ quan chức năng tại Bình Định, Đà Nẵng, Nghệ An đang khẩn trương tổ chức các biện pháp ứng phó, kêu gọi tàu thuyền của ngư dân về nơi tránh, trú bão an toàn.

Tại Bình Định, đến 16 giờ ngày 21/6, hầu hết tàu thuyền đánh bắt hải sản tại các ngư trường trên Biển Đông đã nhận được thông tin, vào bờ trú ẩn an toàn. Riêng khu vực quần đảo Hoàng Sa, 37 tàu thuyền của tỉnh cũng đã nhận được thông tin và đang vượt ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão để vào nơi trú ẩn.

Các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, TP Đà Nẵng cũng đã kêu gọi tàu thuyền của ngư dân tìm nơi tránh, trú bão an toàn và thông báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin về hướng đi của bão để các tàu thuyền chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Theo Báo Điện tử Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ