Lặp lại hành vi với người khác
Chuyên gia tâm lý cho hay, bạo lực thường có mầm mống từ gia đình. Một đứa trẻ phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc theo kiểu “thương cho roi cho vọt” kèm lời giáo huấn hà khắc thường bị định hướng rằng mình có lỗi phải bị đòn. Từ đó, trẻ dễ chấp nhận bị người khác bạo hành với lý do tương tự.
Việc đánh đập vô tình gieo vào đầu con suy nghĩ có thể giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Mâu thuẫn với người nào, nếu lượng đủ sức sẽ có phản xạ đánh người đó. Điều này chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực học đường.
Ngay cả những đứa trẻ chưa từng bị người thân đánh mắng nhưng thường xuyên chứng kiến việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” cũng ngộ nhận rằng chỉ bạo lực mới giải quyết được.
“Môi trường gia đình an toàn nuôi dưỡng sự phát triển tình cảm tích cực và lòng tự trọng tốt sẽ có những tác động lâu dài. Kiểu giáo dục này cho trẻ cơ hội đến tuổi trưởng thành với những khả năng tâm lý đặc biệt. Mặt khác, quá trình nuôi dạy đầy biến động hoặc sang chấn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ”, ThS Dương Thị Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý VIS nhận định.
ThS Dương Thị Thảo nêu ví dụ, khi còn nhỏ, chỉ cần làm sai việc gì là bị người lớn dùng đòn roi phạt. Nhiều lúc chỉ vì thấy con “ngứa mắt” là cũng có thể nổi điên dùng roi đánh. Mải chơi, bị điểm kém hay cô giáo nhắc không tập trung trong giờ học… là về kiểu gì con cũng “ăn” đòn. Có lần chỉ vì ăn chậm mà bị bố tát vào mặt… Đó là loạt ứng xử của không ít cha mẹ với con cái. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh, áp lực cuộc sống tăng cao và thời gian “va chạm” giữa phụ huynh và trẻ lớn khi ở nhà nhiều hơn.
Cùng vì những ảnh hưởng đó mà nhiều đứa trẻ lớn lên thường bạo lực hơn các bạn, không biết kiềm chế cảm xúc. Chỉ cần có người giật đồ là sẵn sàng nhảy vào đánh. Xu hướng sống bạo lực này sẽ càng phát triển hơn khi bước vào tuổi dậy thì.
Bà Thảo cho rằng, không chỉ với con cái, hành vi của cha mẹ với nhau cũng khiến trẻ dễ học theo. Trẻ có xu hướng bạo lực lúc lớn lên khi chúng từng là nạn nhân của bắt nạt hoặc thường xuyên chứng kiến hành vi bạo lực.
“Nhiều đứa trẻ lớn lên trong cảnh cha mẹ thường xuyên cãi vã, hoặc có xu hướng bạo lực với nhau sẽ khiến con bị ám ảnh. Lớn lên, trẻ cũng dễ bị “nhiễm” và lặp lại hành vi đó với người khác”, ThS Dương Thị Thảo cho biết.
Cha mẹ học cách kiềm chế
Cô giáo Nguyễn Thu Huyền, cố vấn Đoàn trường và tư vấn tâm lý học đường, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho biết: Con cái là tấm gương phản ánh của cha mẹ. Nếu bản thân mình luôn cáu giận, bực tức, quát tháo thì trẻ có xu hướng cáu kỉnh, bướng bỉnh, hay nổi giận và không thân thiện với mọi người.
Nếu cha mẹ luôn buồn bã, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống, than vãn thì trẻ cũng có xu hướng sống khép kín, không vui tươi, hồn nhiên như những bạn bè khác. Thái độ, hành vi của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, cuộc sống của trẻ sau này. Bởi vậy, hãy kiềm chế những cảm xúc tiêu cực để mang đến cho trẻ sự tích cực, tinh thần lạc quan, vui vẻ, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn.
Cô Huyền cho rằng, trẻ em không phải là người lớn, không thể có lối suy nghĩ, hành xử giống người lớn. Trẻ em sẽ có những lúc bày bừa, quên mất lời nhắc nhở của cha mẹ. Trẻ có thể không tập trung học bài, kết quả học tập chưa tốt hay có những lời nói, hành động có thể khiến người lớn “phát điên”. Trong nhiều trường hợp, điều này là hoàn toàn bình thường.
Mỗi đứa trẻ đều có một khả năng, “con nhà người ta” giỏi toán, giỏi văn thì “con nhà mình” lại rất khéo tay, vẽ đẹp. Tại sao có những việc chính bản thân cha, mẹ còn chưa làm được mà lại bắt trẻ em phải thực hiện thay ước mơ của cha mẹ? Hãy chấp nhận điều này để cảm thấy thoải mái và thông cảm với mọi hành vi, lỗi lầm của trẻ.
Trên thực tế, có nhiều người ý thức được hành vi của mình là không đúng. Họ tự kiềm chế nhờ “công cụ thứ ba”. Mới đây, một phụ huynh chia sẻ mỗi khi dạy con học thường quát mắng và đánh khi “nói mãi mà không hiểu”. Nhận thức được điều này không tốt nên anh đã tự buộc tay ra đằng sau. Đối với anh, chiếc dây buộc tay phần nào nhắc nhở anh bình tĩnh hơn để giải quyết vấn đề.
Chị Bùi Thu Hương (Công ty Thiết bị Y tế QA) đã đặt chiếc gương lớn trước bàn học của con. Khi hai cùng con ngồi vào đó, chiếc gương sẽ giúp chị nhìn thấy được bộ dạng của mình khi tức giận. Chị cũng thường uống nước thật nhiều trước khi lên cơn “bốc hỏa”. Điều này khiến chị kiềm chế hơn tránh thói quen xấu quát tháo con mỗi ngày.
Nhờ học cùng con, ca sĩ Lê Hoàng (nhóm nhạc The Men) kiềm chế được sự nóng tính vốn có. Anh cho biết ngày trước đó chỉ cần 15 phút “bố bảo con không nghe” là nổi cáu. Dần dần, anh nhận ra dạy con như thế không hiệu quả. Nam ca sĩ cho biết: “Càng la càng không có tác dụng với con. Tôi xem nhiều phóng sự về cách dạy và thấy nếu bố mẹ la mắng trẻ nhiều sẽ gây ra nỗi sợ, khiến bé sống khép kín, tạo khoảng cách...”.
Để chuyện học hành không thành áp lực, Lê Hoàng tìm cách giúp con thư giãn. Nếu giải thích mãi con vẫn chưa hiểu, anh dừng, ra ngoài hít thở một chút, sau khi “hạ hỏa” lại tiếp tục. Nhiều khi con đòi học bài các bé thích, như đố vui thay vì làm toán, anh chuyển sang kết hợp hai môn, khiến con thích thú trở lại.
Chen vào giờ giải lao, anh cùng con chơi ráp mô hình, giúp bé phát triển tư duy tưởng tượng, sáng tạo. Vợ chồng anh tập cho con cách quan sát xung quanh, yêu thể thao, vận động nhiều hơn. Thay vì có lối sống thụ động và phụ thuộc vào thiết bị điện tử. Sau khi học xong, ba bố con ca sĩ lên sân thượng tập thể dục, chăm sóc cây cối....