Bão Jebi tàn phá Nhật Bản

GD&TĐ - Lực lượng cứu hộ Nhật Bản đã phải di tản hàng ngàn người bị mắc kẹt tại một sân bay lớn sau khi cơn bão mạnh chưa từng có trong suốt 25 năm qua đổ vào đất nước này. Chiều thứ Ba vừa qua, bão Jebi đã đổ bộ với sức mạnh chưa từng thấy vào quận Tokushima. “Đây là cơn bão mạnh nhất đã tấn công đất liền của Nhật Bản kể từ năm 1993”, Akihiro Kikuchi, một chuyên gia của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, cho biết.

Bão Jebi với sức gió lên tới 220km/h tàn phá một khu vực rộng lớn ở Nhật Bản
Bão Jebi với sức gió lên tới 220km/h tàn phá một khu vực rộng lớn ở Nhật Bản

Cơn bão hủy diệt

Cơn bão Jebi gây lũ lụt trên diện rộng và tàn phá khủng khiếp với sức gió lên đến hơn 200km/h. Cơ quan Quản lý hỏa hoạn và thiên tai Nhật Bản cho biết, chính phủ nước này đã phải tổ chức sơ tán khoảng 49.000 người và khuyến cáo người dân di chuyển. Ít nhất 11 người chết và 600 người bị thương khi bão Jebi đổ bộ vào miền Tây Nhật Bản hôm thứ Ba, mang theo gió mạnh và mưa lớn.

Bảy trong số những người bị thiệt mạng ở quận Osaka và những người khác ở Mie, Aichi và Shiga. Cảnh sát cho biết, một người đàn ông ở thành phố Higashiomi đã chết sau khi nhà kho nơi ông đang làm việc sụp đổ.

Cơn bão đi qua hòn đảo chính của Nhật Bản

Honshu, trước khi đi lên bờ biển phía Tây của nó, để lại sau lưng một vệt dài tàn phá tan hoang. Nhiều người đã thiệt mạng. Đầu giờ chiều thứ Ba, một con tàu chở dầu dài 89 mét đang thả neo đã bị gió giật khiến nó đâm vào cây cầu duy nhất nối sân bay quốc tế Kansai ở vịnh Osaka với đất liền. Hình ảnh cho thấy các boong trên của tàu bị đập vào cây cầu, làm chệch hướng một phần đường và buộc các nhà chức trách phải dừng giao thông trên cầu. Mười một thành viên thủy thủ đoàn đã lên tàu, nhưng không ai bị thương trong vụ việc, phát ngôn viên của Cảnh sát biển Keita Sakai nói. Lực lượng tuần tra duyên hải đã giải cứu các thành viên thủy thủ đoàn bằng cách sử dụng máy bay trực thăng và tàu tuần tra.

Sáng sớm thứ Tư, ba tàu cao tốc đã bắt đầu đưa một số trong 3.000 người bị mắc kẹt tại sân bay Kansai, nằm trên một hòn đảo nhân tạo. Những người khác đã được vận chuyển bằng xe buýt qua phần phía Bắc của cây cầu sân bay bị hư hỏng đến Izumisano, một thành phố ở tỉnh Osaka. Hàng trăm người khác cũng sẽ được di chuyển trên những chiếc tàu cao tốc được cử đến sân bay Kansai hôm thứ Tư để chở hành khách đến sân bay Kobe, nơi họ có thể di chuyển nhờ các chuyến bay thay thế. Mỗi tàu cao tốc có khả năng chở 110 hành khách, và sẽ đi qua lại cho đến khi tất cả hành khách đã được sơ tán. Một đoạn phim trên buổi phát sóng buổi trưa của Truyền hình Nhật Bản cho thấy hàng người mắc kẹt dài dằng dặc chờ đợi xe buýt tại sân bay.

Khó khăn chồng khó khăn

Cơn bão đã giảm dần thành áp thấp vào hôm thứ Tư, khi nó di chuyển khỏi quần đảo Nhật Bản, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết. Các chuyến tàu hỏa cao tốc trong khu vực đã trở lại phục vụ bình thường sau một ngày ngừng hoạt động. Tuy nhiên, sân bay quốc tế Kansai vẫn đóng cửa, với gần 1.000 chuyến bay bị hủy. Phần lớn các đường băng của sân bay Kansai vẫn chìm ngập trong nước, mặc dù các tòa nhà chính được an toàn, Takayuki Nomori, một viên chức cảnh sát sân bay Kansai cho biết.

Trên một dải rộng lớn của miền Đông và miền Bắc Nhật Bản, các chuyến tàu đường sắt địa phương đã bị hủy hoặc bị hoãn. Mái nhà của nhà ga chính ở Kyoto bị hư hỏng nặng, khiến các mảnh vỡ rơi xuống hành khách, làm bị thương ba người và nhà ga buộc phải đóng cửa nhiều khu vực. Trên các cảnh quay truyền hình, hình ảnh những

container vận chuyển nằm rải rác khắp khu vực Cảng Kobe, một trung tâm vận chuyển hàng hóa.

Vào cuối ngày thứ Ba, khoảng 2,2 triệu ngôi nhà không có điện. Sáng thứ Tư, 570.000 ngôi nhà ở quận Osaka cùng năm quận lân cận và 37.000 ngôi nhà khác ở quận Hokkaido không có điện.

Hãng tin Kyodo cũng thông báo rằng khoảng 160 học sinh tiểu học trong một chuyến đi ngoại khóa ở Kyoto đã bị mắc kẹt từ đầu tuần do những con đường dẫn đến địa điểm nơi các em tập trung đã bị khóa do cây đổ. Hai học sinh bị ốm đã được đưa đến bệnh viện bằng trực thăng.

Cơn bão xảy ra trong một mùa hè vô cùng khắc nghiệt ở Nhật, với hơn 200 người thiệt mạng ở miền Tây Nhật Bản vào tháng Bảy vừa qua, cùng tháng mà sóng nhiệt cũng làm thiệt mạng khoảng 130 người.

Lệnh sơ tán tại Nhật Bản là không bắt buộc, nhưng có lẽ chính việc thiếu sức ép yêu cầu sơ tán trong đợt mưa dữ hồi tháng 7 được cho là yếu tố góp phần gây nên con số thương vong cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ