Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Sự cần thiết cho quyền lợi của các em

GD&TĐ - Là đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế nhưng cho đến nay tỷ lệ tham gia vẫn chưa đồng đều đã ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe cho các em cũng như công tác y tế trường học. 

Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Sự cần thiết cho quyền lợi của các em

100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế năm 2017 là mục tiêu phải đạt đòi hỏi các bên liên quan phải nỗ lực hơn nữa trong việc tiếp cận, thực thi trách nhiệm với các em.

Tỷ lệ tham gia tăng

Theo thống kê của liên ngành Bảo hiểm xã hội, Y tế và GD&ĐT, bảo hiểm y tế đã bao phủ tới xấp xỉ 100% học sinh, sinh viên. Nếu như năm học 2010 - 2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% số học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thì sang năm học 2012 - 2013 có khoảng 80%. Năm học 2013 - 2014, tỷ lệ này tăng lên 85%, đến năm học 2014 - 2015 đạt 88,5%, tương ứng gần 14,82 triệu học sinh, sinh viên có thẻ BHYT.

Năm học 2015 - 2016, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đã đạt 90,5%, với khoảng 15,6 triệu em. Trong số trên, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia tại trường là 12,8 triệu, còn lại theo nhóm đối tượng khác (người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình…) là hơn 2,8 triệu.

Điểm sáng trong công tác này phải kể đến Hải Dương, Hà Nội, TPHCM. Đây là những địa phương luôn có tỷ lệ tham gia đạt trên 90% - 100%. Điển hình như Hải Dương, nhiều năm liền duy trì ổn định tỷ lệ học sinh, sinh viên mua BHYT ở mức 100%. Có được kết quả trên, ngay từ năm 2013, tỉnh đã giao chỉ tiêu cho các cấp ngành từ năm học 2013 - 2014 trở đi toàn tỉnh phải đạt 100% số học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Lấy kết quả thực hiện BHYT trong trường học làm tiêu chí thi đua, khen thưởng đối với các trường học.

Từ đó, tháng 7 hàng năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh có báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh việc thực hiện BHYT toàn dân để có kế hoạch đôn đốc, cùng ngành GD&ĐT tháo gỡ khó khăn ở trường khó khăn hoặc đơn vị triển khai chậm. Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Dương, các cán bộ sẵn sàng bám trường, bám lớp để hướng dẫn tổ chức thực hiện. Nhờ vậy, tỷ lệ các em tham gia tăng dần từng năm và tiến tới ổn định.

Bên cạnh những điểm sáng trên, còn nhiều nơi tỷ lệ huy động mới đạt dưới 70%. Nguyên nhân chính là do phần lớn các địa phương chưa tìm được nguồn hỗ trợ thêm phần kinh phí đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ 30% của ngân sách Nhà nước. Phí bảo hiểm thường thu cùng với những khoản phí đầu năm học tạo những khó khăn nhất định cho các hộ gia đình nông thôn, miền núi. Mặt khác, dù là đối tượng thuộc diện bắt buộc nhưng chưa có chế tài xử lý với người cố tình không tham gia. Tình trạng trên gặp nhiều ở các trường ĐH, CĐ, trung cấp, dạy nghề…

Trách nhiệm phải gắn liền với quyền lợi

UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch về triển khai công tác y tế học đường năm học 2016 - 2017 trên địa bàn Hà Nội, với chỉ tiêu là 100% số trường học có phòng y tế riêng, 100% số trường học phấn đấu có cán bộ y tế trình độ từ trung cấp trở lên; 98,5% số học sinh mầm non và phổ thông được khám sức khỏe định kỳ; không để xảy ra dịch bệnh lớn và ngộ độc thực phẩm. Thành phố giao Sở Y tế điều tra yếu tố vệ sinh học đường (nguồn nước, bếp ăn) còn Sở GD&ĐT triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học, đưa y tế học đường vào thành chỉ tiêu thi đua của ngành.

Nhìn vào quy định trên sẽ thấy, tham gia BHYT là trách nhiệm của học sinh, sinh viên. Vậy quyền lợi của các em được thực hiện thế nào là điều học sinh, sinh viên và phụ huynh đều quan tâm.

Theo Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc, một phần kinh phí thu từ BHYT sẽ trích lại để duy trì hoạt động phòng y tế học đường. Tính đến nay, 70% số trường từ MN trở lên đã tổ chức khám bệnh định kỳ cho học sinh, tăng 33% so với năm 2010. Mỗi năm, thông qua khám sức khỏe định kỳ phát hiện khoảng 700.000 em mắc tật khúc xạ, trong đó chủ yếu là cận thị, 2,6 triệu trẻ bị các bệnh về răng miệng, trên 40.000 em bị cong vẹo cột sống. Tỷ lệ trẻ em béo phì cũng là vấn đề nổi cộm và đang có chiều hướng gia tăng. Hàng năm phát hiện khoảng 100.000 học sinh có biểu hiện thừa cân.

Có khoảng 8 triệu học sinh hiện được chăm sóc sức khỏe tại nhà trường. Mỗi năm có gần 150.000 trường hợp sơ cấp cứu, tai nạn thương tích được chuyển viện kịp thời. Ở vùng nguy cơ cao có gần 50.000 học sinh được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Trẻ thừa cân, béo phì được thông báo về gia đình để cùng theo dõi và được tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ngoài ra, ở những nơi y tế học đường phát triển, kiến thức phòng chống bệnh học đường và chăm sóc sức khỏe học sinh và giáo viên, phụ huynh cũng tăng lên đáng kể.

Hàng năm cũng có hàng triệu lượt học sinh, sinh viên được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh khi bị rủi ro thương tích, đau ốm phải điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước. Trong đó, Quỹ BHYT đã chi trả cho nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính, như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo (khoảng 80 triệu đồng/năm); điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng...

Rõ ràng, BHYT đang song hành với các em trong việc chăm sóc sức khỏe hàng ngày, tư vấn và hỗ trợ kinh phí điều trị khi cần. Cái lợi trên chỉ những ai từng trải qua mới biết, còn lại vẫn mù mờ về tác dụng của BHYT. Như vậy, để học sinh, sinh viên và phụ huynh bỏ tiền ra mua BHYT, trước mắt cần cho họ biết quyền lợi là gì, sau đó mới đến trách nhiệm ra sao.

- Năm 2006, BHYT chi cho công tác y tế học đường là khoảng 75 tỷ đồng, thì đến năm học 2013 - 2014 tăng lên 441 tỷ đồng. Năm học 2015 - 2016 đạt khoảng 500 tỷ đồng.

- Các cơ quan liên quan đang đề xuất, tham mưu Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ đóng BHYT của học sinh, sinh viên từ ngân sách Nhà nước lên tối thiểu 50% mức đóng BHYT thay vì 30% như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ