Bao giờ người đi đường hết nỗi lo rơi vật liệu đường sắt trên cao?

Các vụ rơi vật liệu từ đường sắt trên cao xuống đường gây nguy hiểm. Ban QLDA cho rằng, để chấm dứt điều này, chỉ có cách khóa đường.

Bao giờ người đi đường hết nỗi lo rơi vật liệu đường sắt trên cao?

Mới đây, Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) đã có văn bản gửi yêu cầu TVGS Trung Quốc và Viện Khoa học & Công nghệ GTVT có hình thức kỷ luật, điều chuyển, thay thế đối với TVGS phụ trách nhà ga này và các cá nhân có liên quan. Cũng tại văn bản này, Ban QLDA Đường sắt yêu cầu Tổng thầu EPC, TVGS nghiêm túc thực hiện và có báo cáo gửi về Ban QLDA Đường sắt trước 17 giờ ngày 28/8/2015.

Trước đó, một thanh sắt chữ I dài khoảng 2m, nặng cả chục kg rơi trúng nắp capo một chiếc ô tô 4 chỗ màu đen đang lưu thông. Nguyên nhân xuất phát từ việc trong quá trình tháo dỡ, do sơ ý nên các công nhân làm rơi thanh thép thừa xuống.

Bao giờ người đi đường hết nỗi lo rơi vật liệu đường sắt trên cao? - Ảnh 1 Phóng to

Hiện trường xảy ra sự cố thanh sắt rơi.

Sự việc này xảy ra ngay sau thời điểm đã phản ánh về sự mất an toàn của công trình này qua bài viết “Sau nhiều tai nạn, thi công đường sắt trên cao vẫn không lưới bảo hiểm”.

Trả lời Báo Đời Sống và Pháp Luật ông Lê Kim Thành - Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, sau những sự cố đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua, ban QLDA Đường sắt đã liên tục có những văn bản “cảnh cáo” gửi Công ty HH tập đoàn cục 6 Trung Quốc (Tổng thầu EPC), Công ty TNHH GSXD Viên nghiên cứu Thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh (Tư vấn giám sát Trung Quốc), Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (Tư vấn giám sát Việt Nam) và các đơn vị thầu phụ thi công Dự án Cát Linh – Hà Đông.
Riêng trong tháng 8 đã gửi 7 công văn với nội dung chủ yếu để nhắc nhở Tổng thầu EPC phải khẩn trương rà soát và khắc phục những tồn tại về ATGT, ATLĐ, VSMT và PCCC. Theo đó trong mọi trường hợp, yêu cầu Tổng thầu EPC phải nghiêm túc thực hiện để đảm bảo các an toàn trong thi công.

“Việc công nhân cởi trần không mặc bảo hộ và để ngổn ngang vật liệu trên các trụ cầu là điều không chấp nhận được. Sau khi Báo Đời sống & Pháp luật đăng tải, Ban QLDA đã có văn bản yêu cầu đơn vị thi công chấn chỉnh ngay lập tức”. Ông Thành cho biết thêm.

Ông Thành giải thích lý do sự cố vẫn xảy ra mặc dù đã có những văn bản nhắc nhở đến sự mất an toàn khi thi công: Trục tuyến Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông quá dài nên quá khó để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Có những vị trí đường quá hẹp không thể che chắn cho công trình. Muốn an toàn chỉ có cách là không cho phương tiện đi lại phía dưới công trường nữa.

Để xảy ra những sự cố đáng tiếc vừa qua ông Thành đánh giá chủ yếu là xuất phát từ ý thức và trách nhệm của công nhân và đơn vị thi công, mặc dù Ban QLDA vẫn cử người giám sát liên tục.

Ông Thành cũng nhấn mạnh, Ban QLDA cắt cử người giám sát trên tuyến đường 24/24. Bản thân ông và các Phó trưởng ban cũng hằng đêm qua đây kiểm tra. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể giải quyết triệt để một khi công trình còn thi công trên đầu người dân. Ông GĐ Ban QLDA cho rằng, biện pháp tối ưu hiện nay vẫn chỉ có tăng cường lực lượng đứng cảnh báo trên đường.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được giao cho Cục Đường sắt VN làm chủ đầu tư và do nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Dự án được khởi công từ ngày 10/10/2011 và dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2014 để đưa vào khai thác sử dụng từ quý II/2015.

Theo doisongphapluat

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ