Báo động tình trạng trẻ em tử vong do suy dinh dưỡng

GD&TĐ - “Vào thời điểm bạn đọc xong câu chuyện này, 24 đứa trẻ đã tử vong vì những nguyên nhân liên quan đến nạn đói”, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) cho biết.

Những người tị nạn ở Tazania ăn ugali - một loại lương thực làm từ bột ngô do Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc sản xuất.
Những người tị nạn ở Tazania ăn ugali - một loại lương thực làm từ bột ngô do Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc sản xuất.

Đó là bởi, trên toàn cầu, cứ khoảng 10 giây lại có một trẻ em chết vì suy dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), suy dinh dưỡng “là hậu quả để lại do thiếu hụt lượng dinh dưỡng cần được cung cấp, hoặc do yếu tố bệnh tật tác động đến quá trình tiêu hóa của cơ thể”.

Hiểu một cách đơn giản hơn, suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến hoạt động tăng trưởng bình thường của cơ thể.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng thường thiếu calo, vitamin và khoáng chất quan trọng, khiến não và cơ thể của chúng không phát triển bình thường. Hậu quả của suy dinh dưỡng có nguy cơ sẽ theo trẻ đến hết cuộc đời. Ở mức độ tồi tệ nhất, suy dinh dưỡng có thể đe dọa đến tính mạng.

Có bao nhiêu trẻ em bị suy dinh dưỡng?

Suy dinh dưỡng nghiêm trọng ảnh hưởng đến 45 triệu trẻ em trên toàn cầu mỗi năm. Con số này tương ứng với gần 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi (tức là toàn bộ dân số của California cùng Chicago và Houston của Mỹ cộng lại). Trên thực tế, mỗi năm, suy dinh dưỡng khiến nhiều trẻ em tử vong hơn so với AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại.

Trên thế giới, hiện nay, gần một nửa tổng số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong có thể bắt nguồn từ suy dinh dưỡng. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc ước tính, có thêm 7 triệu trẻ em bị đẩy vào tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng vì hậu quả từ đại dịch Covid-19.

Suy dinh dưỡng bắt đầu khi nào?

Kể từ thời điểm một đứa trẻ được thụ thai, đồng hồ bắt đầu điểm tiếng “tích tắc”. Các chuyên gia dinh dưỡng mô tả, mỗi giây trong bụng mẹ cho đến khi trẻ sinh nhật lần thứ hai là “thời điểm vàng”.

Giai đoạn này kéo dài khoảng 1.000 ngày. Sự nuôi dưỡng mà một đứa trẻ nhận được trong “thời điểm vàng” này sẽ giúp định hình tiềm năng của chúng trong suốt phần đời còn lại.

Đối với những đứa trẻ phải chạy trốn khỏi nhà, sống trong xung đột hoặc đang hồi phục sau thảm họa thiên nhiên, “thời điểm vàng” này có thể đặc biệt bấp bênh. Mỗi ngày không có thức ăn đầy đủ có nguy cơ mang lại một tương lai tồi tệ hơn ở trẻ.

Điều gì xảy ra với trẻ suy dinh dưỡng?

Các tác động tức thời của suy dinh dưỡng là sụt cân (gầy), còi cọc, chậm lớn (thấp còi), suy giảm tư duy và hệ miễn dịch. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, cơ thể tự co rút các cơ và cơ quan để tồn tại. Khi trẻ không được ăn uống đầy đủ, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể.

Khi đó, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh thông thường và thậm chí là tử vong. Hầu hết trẻ em suy dinh dưỡng sẽ giảm khả năng học tập trong suốt phần đời còn lại. Nhiều tác động đến sức khỏe do suy dinh dưỡng nghiêm trọng có thể được ngăn ngừa. Tuy nhiên, những tác động này là không thể được đảo ngược.

Hậu quả lâu dài ở trẻ em

Djoboya (3 tuổi) chỉ nặng hơn 16 pound (7,2kg). Gia đình em chạy trốn khỏi bạo lực ở Congo và sống trong một khu rừng gần một năm.

Djoboya (3 tuổi) chỉ nặng hơn 16 pound (7,2kg). Gia đình em chạy trốn khỏi bạo lực ở Congo và sống trong một khu rừng gần một năm.

Suy dinh dưỡng gây nguy hiểm và đe dọa sự thành công khi trẻ trưởng thành. Cụ thể, suy dinh dưỡng làm giảm năng suất lao động và tăng nguy cơ tử vong sớm.

Đổi lại, sự kém phát triển do suy dinh dưỡng gây ra những hậu quả cho gia đình bệnh nhân, cộng đồng cũng như toàn bộ quốc gia. Điều này có nghĩa là các thế hệ đang ngày càng có nguy cơ phải đối mặt với những thiệt hại do nạn đói gây ra.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng không thể xây dựng nền kinh tế thịnh vượng hay xã hội hòa bình. Suy dinh dưỡng đồng thời làm thiệt hại nền kinh tế toàn cầu hơn 3,5 nghìn tỷ USD mỗi năm do gây mất năng suất, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khẩn cấp.

Cách tốt nhất giúp trẻ em suy dinh dưỡng

WFP làm việc với chính quyền địa phương và các đối tác quan trọng trong những lĩnh vực y tế, nông nghiệp và giáo dục. Qua đó, giải quyết các nguyên nhân cơ bản của suy dinh dưỡng và xây dựng những giải pháp lâu dài, bền vững. WFP thực hiện tất cả những điều này ngay giữa thời kỳ khủng hoảng đói tồi tệ nhất trên thế giới, nơi trẻ em thường là nạn nhân đầu tiên.

“Để chống lại tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, chúng ta vừa phải chăm sóc những đứa trẻ không đủ ăn, vừa phải trao quyền cho gia đình chúng để chống chọi với những nguyên nhân gây mất an ninh lương thực trong tương lai. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc giải quyết vấn đề từ cả hai góc độ”, tổ chức này cho biết.

Cụ thể, chương trình này cung cấp thực phẩm có công thức đặc biệt cho phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú và trẻ em trong “thời điểm vàng” 1.000 ngày đầu đời. Những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng này có hàm lượng calo cao. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của các cá nhân.

Tổ chức này cũng chủ trì các hội thảo cộng đồng để giáo dục dinh dưỡng, giữ vệ sinh, chăm sóc sức khỏe cơ bản và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới sáu tháng tuổi.

WFP vận hành chương trình Bữa ăn học đường lớn nhất trên thế giới - một mạng lưới an toàn thiết yếu cung cấp cho hơn 15 triệu trẻ em các chế độ dinh dưỡng, sức khỏe và giáo dục quan trọng.

Đồng thời, tổ chức này hỗ trợ nông dân (hơn một nửa trong số đó là phụ nữ) cải thiện sản xuất lương thực. Nhờ đó, những người này có thể cung cấp chế độ ăn giàu dinh dưỡng hơn cho con của họ.

Ví dụ, các thùng chứa kín khí của WFP cho phép nông dân lưu trữ những loại cây khô trong nhiều tháng. Điều này giúp giảm lượng thức ăn thất thoát của họ đến 98%. Nhờ đó, giúp nông dân đủ khả năng trang trải việc mua thực phẩm cho con họ.

Theo WFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.