Liên tiếp lập kỷ lục lượt xem
Vừa ra mắt ngày 27/3, tập 3 series phim Thập tứ cô nương của diễn viên “Kiều nữ làng hài” Nam Thư đã lọt top thịnh hành của Youtube với hơn 10 triệu lượt xem. Đây là một con số đáng mơ ước với sản phẩm phim ảnh chiếu mạng. Phim xoay quanh cuộc đời giang hồ của cô gái làng chơi Thập Tứ (do Nam Thư thủ vai). Trước đó, tập 2 của Thập tứ cô nương cũng lập kỷ lục ấn tượng khi chỉ sau 12 giờ ra mắt đã đạt gần 3 triệu lượt xem. Sau khi tập 2 ra mắt, kênh YouTube của Nam Thư cũng cán mốc 1 triệu người theo dõi, giúp cô sở hữu nút vàng của YouTube.
Thập tứ cô nương là dự án phim chiếu mạng nối tiếp loạt phim giang hồ do đạo diễn Mr. Tô thực hiện. Các seri phim trước đều ăn khách như Giang hồ Chợ Mới, Vi Cá tiền truyện, Thập Tam muội. Trong đó, Thập Tam muội do nghệ sĩ Thu Trang - Tiến Luật đóng chính từng gây chú ý khi có tập từng lọt top 1 trending YouTube sau 47 tiếng và đạt 10 triệu lượt xem sau 24h. Bộ phim ăn khách tới nỗi, hai nghệ sĩ quyết định làm phiên bản điện ảnh cho bộ phim này. Phim là cuộc chiến của những tay giang hồ của hai phe Chợ Mới và Chợ Cũ, với nhiều phân cảnh bạo lực, đâm chém.
Thực tế, không chỉ có những series phim kể trên, hầu hết những phim về giới giang hồ, xã hội đen luôn sở hữu lượt xem cao ngất ngưởng trên YouTube. Từ loạt phim Chạm mặt giang hồ có sự tham gia của diễn viên gạo cội Chu Hùng, phim Ông trùm - dẹp loạn giang hồ của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Người trong giang hồ của ca sĩ Lâm Chấn Khang… đều nhận được sự chú ý trên mạng khi ra mắt. Thậm chí, phần 6 của Người trong giang hồ còn trở thành video Việt Nam đầu tiên vào top 10 video nổi bật thế giới với 61 triệu lượt xem.
Trong bối cảnh phim chiếu mạng được chiếu miễn phí và công sức cũng như kinh phí đầu tư khá cao, có lẽ vì thế, làm phim về đề tài xã hội đen trở thành một cách làm an toàn để nghệ sĩ có thể thu hút người xem. Từ đó, có thể mang về lợi nhuận từ quảng cáo và lượt xem từ YouTube.
Nam Thư trong một cảnh series phim Thập tứ cô nương
Dễ ảnh hưởng tới giới trẻ
Gần đây, câu chuyện Khá Bảnh được nhiều học sinh chào đón và hâm mộ đã làm tốn nhiều giấy mực của báo giới. Không ai hiểu vì sao một nhân vật như Khá Bảnh - thanh niên từng phải vào trại giáo dưỡng vì tội hành hung, cố ý gây thương tích người khác, sau đó nổi lên với những bộ phim ngắn nói về “đạo nghĩa giang hồ”, “tình anh em”… lại được yêu thích đến vậy.
Trong khi điện ảnh muốn ra rạp phải qua khâu kiểm duyệt của Cục Điện ảnh, còn trên YouTube lại không, nên nghệ sĩ khi làm phim ngắn dễ chọn đề tài xã hội đen để chiếu trên kênh YouTube. Dễ thấy sự khác biệt rõ rệt này là trường hợp của Thập Tam muội từng “gây bão” một thời trên YouTube nhưng “khi đưa bộ phim lên bản điện ảnh đã phải hạn chế các phân cảnh bạo lực, cắt bỏ những cảnh hút thuốc để có thể qua khâu kiểm duyệt”, diễn viên kiêm NSX Thu Trang cho hay.
Chính diễn viên Nam Thư cũng cho rằng, giang hồ thì buộc phải có những cảnh hút thuốc. “Bản thân tôi và đạo diễn Mr. Tô đã cố gắng hạn chế hết mức nhưng không có thì không ra chất. Nếu làm bản điện ảnh thì sẽ phải cắt hết những cảnh đó, tôi rất tiếc vì thấy làm như vậy đã hay rồi. Do đó, tôi chấp nhận phát YouTube”, nữ diễn viên chia sẻ. Nam Thư cũng từng thừa nhận, điều thôi thúc cô làm phim xuất phát từ đam mê của bản thân đã ấp ủ từ lâu. Bản thân cô cũng muốn mình được trải nghiệm nhiều kiểu vai diễn khác nhau.
Ai cũng biết, phim ảnh là một sản phẩm văn hóa, giải trí và có những tác động nhất định tới xã hội. Đó là lý do các sản phẩm văn hóa, giải trí luôn cần được định hình tính thẩm mỹ, nội dung nhân văn để hướng người xem tới những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, những sản phẩm giải trí khi tập trung về những đề tài như xã hội đen với những tay giang hồ, màn đấu đá bạo lực, hút thuốc… sẽ mang tới thông điệp gì cho người xem? TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội cho rằng, ở bất cứ xã hội nào, việc các bộ phim giang hồ, các video bạo lực có lượt xem lớn cho thấy đời sống văn hóa nghệ thuật, những hình thức văn hóa diễn xướng hiện nay đang nhạt nhẽo, vô bổ, thiếu hồn. Do đó, các dạng phim trên như một dạng thức bổ sung “món ăn tinh thần”.
Luôn luôn có một bộ phận công chúng thích xem những dạng phim này như một sự cân bằng tâm lý khi có quá nhiều những sản phẩm giải trí nền nã. Theo TS. Trịnh Hòa Bình, xu hướng này là không thể tránh khỏi và những người xem nếu đắm mình quá lâu trong môi trường lệch chuẩn, méo mó thì có thể bị ảnh hưởng tới lối sống, suy nghĩ cá nhân trong xã hội. Do đó, các cơ quan chức năng cần để mắt tới vấn đề này, vì đây cũng là một vấn đề chung trong việc kiểm soát các hình thức diễn xướng từ sân khấu lên tới mạng xã hội.
“Khi cơ quan chức năng chưa kiểm soát được thì các phụ huynh phải biết định hướng cho con em mình không bị chìm đắm trong thế giới như thế. Bởi với giới trẻ, những thứ quái dị, méo mó vẫn thích thú hơn nhưng điều nền nã, đẹp đẽ. Chúng ta cũng cần kêu gọi các nghệ hạn chế những sản phẩm như thế, bởi nghệ sĩ chính là nguồn cung cho nhu cầu xem phim bạo lực. Cung đáp ứng cầu thì sẽ càng phát triển thăng hoa. Khi nguồn cung giảm bớt thì sẽ tác động tới nguồn cầu”, TS. Trịnh Hòa Bình cho biết.