Bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tế trong xử phạt vi phạm giao thông

Bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tế trong xử phạt vi phạm giao thông

(GD&TĐ) - Theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014, có nhiều quy định mới bám sát và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chỉ tạm giữ phương tiện trong trường hợp gây nguy hiểm

Theo Nghị định mới ban hành, chỉ quy định tạm giữ phương tiện đối với những vi phạm của người điều khiển có tính chất nguy hiểm, nghĩa là nếu để người vi phạm tiếp tục điều khiển phương tiện sẽ gây tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cao như hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ… hoặc những vi phạm về điều kiện an toàn của phương tiện như điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe, điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số), điều khiển xe ôtô không đủ hệ thống hãm hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, điều khiển xe mà không có Giấy phép lái xe…

Đối với quy định về việc tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt, thời gian tạm giữ đã giảm xuống còn 7 ngày (trước đây là 10 ngày) – điều này tạo điều kiện cho người vi phạm sớm có phương tiện đi lại và kinh doanh sau khi đã hoàn tất nộp phạt theo quy định.

Giảm gần 10 lần mức phạt với xe không chính chủ

Đối với quy định về xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe, mức phạt giảm xuống còn 100.000 - 200.000 đồng với xe máy (mức phạt trước đây là 800.000 - 1.200.000 đồng) và 1 - 2 triệu đồng với ôtô (mức phạt trước đây là 6 - 10 triệu đồng). 

Lộ trình xử phạt cũng được đặt ra rõ ràng, theo đó, thời điểm áp dụng quy định xử phạt đối với xe ôtô từ 1/1/2015 và đối với xe máy từ 1/1/2017. Tức là thời điểm xử phạt với ô tô còn hơn 1 năm nữa và xe máy là tận hơn 3 năm nữa.

Đồng thời giới hạn các trường hợp kiểm tra xử phạt theo hướng quy định việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và qua công tác đăng ký xe chứ không kiểm tra phương tiện đang lưu thông trên đường để tránh gây phiền hà cho người tham gia giao thông.

Điểm tên xe đạp điện

Từ đầu năm 2014 sẽ xử phạt nghiêm xe máy điện vi phạm luật giao thông với mức thấp nhất từ 60.000 đồng và cao nhất là 20.000.000 triệu đồng tùy từng hành vi vi phạm. Như vậy loại phương tiện “lách luật” lâu nay này đã có chế tài xử phạt.

Một vấn đề được dư luận thời gian qua đặc biệt quan tâm là chiếc mũ bảo hiểm. Việc mô tả chi tiết người đi xe máy đội các loại mũ bảo hiểm khác (mũ cho người đi xe đạp hoặc mũ bảo hộ lao động) hoặc không đội, đội không đúng quy cách sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng… Với việc cụ thể hóa chi tiết hành vi vi phạm này sẽ giúp cảnh sát giao thông khỏi lúng túng trong xử lí hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

Minh Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.