Lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dự buổi làm việc có Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh; các Phó Chủ nhiệm: Phan Viết Lượng, Tạ Văn Hạ, Nguyễn Thị Mai Hoa, Đặng Xuân Phương. Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; các Thứ trưởng: Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ.
Khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Năm học cũng diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới và bùng phát trở lại ở nước ta. Nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị ngưng trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, trong một thời gian dài học sinh, sinh viên không thể đến trường.
Đứng trước những yêu cầu, thách thức mới, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của năm học.
Trong giai đoạn 2021-2026, ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GD-ĐT, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức GD-ĐT đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục, đào tạo trọng tâm giai đoạn 2021-2026 cũng được Bộ GD&ĐT đưa ra để thực hiện mục tiêu trên.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Bộ GD&ĐT, đồng thời nhận định: Năm học 2020-2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành GD-ĐT đã bám sát chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, văn bản chỉ đạo, điều hành Chính phủ để chỉ đạo tổ chức thực hiện, hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên trong phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học.
Quản lý nhà nước về GD-ĐT có nhiều đổi mới. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm; hệ thống văn bản quy phạm hướng dẫn, điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo được ban hành, trình ban hành với số lượng lớn, bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; điều chỉnh linh hoạt kế hoạch năm học và tổ chức hoạt động dạy và học phù hợp với thực tiễn; hoàn thành mục tiêu kép của năm học với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Trên cơ sở trách nhiệm quản lý nhà nước về GD-ĐT đã được quy định, Bộ và các địa phương, các cơ quan liên quan đã phối hợp khá chặt chẽ để khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học…
Phương hướng nhiệm vụ năm học 2021-2022, dự kiến kế hoạch công tác 2021-2026 đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 của Chính phủ và của Bộ GD-ĐT.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những kết quả của ngành Giáo dục đã đạt được trong thời gian qua. Ông cho rằng, trong điều kiện đặc biệt khó khăn, ngành Giáo dục đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, bảo đảm hoàn thành năm học an toàn, chất lượng. Việc các giảng viên, giáo viên sinh viên tham gia chống dịch, đặc biệt là khối các trường y dược, công an, quân đội cũng là nỗ lực rất lớn.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã rất chú trọng hoàn thiện thể chế, từng bước nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; số lượng văn bản quy phạm pháp luật Bộ ban hành là rất lớn. “Luật ra đời, Bộ GD&ĐT là một trong những cơ quan thể chế hóa kịp thời nhất” - ông Nguyễn Đắc Vinh nhận định.
Một số kết quả khác cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao, đó là: Tổ chức sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới hợp lý hơn; chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên, thành tích học sinh Việt Nam tham gia Olympic khu vực và quốc tế những năm gần đây rất tốt; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên được quan tâm hơn; đội ngũ giáo viên tiếp tục được chuẩn hóa, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng; cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học được chú ý đầu tư và có bước chuyển rõ rệt; nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế được tăng cường…
Bảo đảm điều kiện, nguồn lực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Giáo dục
Cho rằng, giai đoạn 5 năm (2021-2026), trước mắt là năm học 2021-2022, ngành Giáo dục phải đối mặt với thách thức rất lớn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tinh thần của năm học này là thích ứng với hoàn cảnh và tác động của dịch bệnh Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.
Trong số nhóm nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới, Bộ trưởng cho biết sẽ ưu tiên cho những vấn đề về thể chế; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật mới, thể hiện được tinh thần phân cấp, phân quyền, nâng cao một bước hiệu quả quản lý nhà nước về GD-ĐT, giải phóng các nguồn lực cho cơ sở.
Cùng với đó là tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục triển khai tự chủ đại học đầy đủ, đi vào chiều sâu; và các vấn đề khác như: tăng cường chuyển đổi số, cơ sở vật chất, hạ tầng, đội ngũ nhà giáo, vấn đề phương pháp, các chính sách bảo đảm công bằng trong giáo dục…
Đưa ra một số nội dung mong muốn được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp, hỗ trợ, Bộ trưởng đồng thời đề cập đến việc rà soát lại bổ sung, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa hai bên cho chặng đường đồng hành mới.
Về kiến nghị, Bộ GD&ĐT đã nêu rõ trong báo cáo gửi Ủy ban. Theo đó, để bảo đảm các điều kiện và nguồn lực thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của ngành Giáo dục trong năm 2022 và giai đoạn (2021-2026), Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ủng hộ Chính phủ trong việc đề xuất đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giá vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; trong đó có bổ sung quy định sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá.
Đề nghịbổ sung tiêu chí để làm rõ và công khai nguyên tắc, tiêu chí phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho lĩnh vực GD-ĐT, công khai việc phân bổ ngân sách nhà nước, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Đồng thời Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư tách riêng ngành GD-ĐT và bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi.
Về lộ trình giảm chi thường xuyên theo Nghị quyết 19-NQ/TW, Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục quan tâm đến đặc thù của ngành Giáo dục, không ấn định giảm chi thường xuyên hằng năm và tỷ lệ trích 40% nguồn thu được để lại để thực hiện cải cách tiền lương như các lĩnh vực khác; đồng thời bố trí đủ kinh phí phí để thực hiện các đề án, dự án, chương trình được Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ giao.
Tiếp thu và ghi nhận các kiến nghị của Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Đắc Vinh đồng thời lưu ý một số nội dung liên quan đến tổ chức dạy học trực tuyến; ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên; vấn đề liên quan đến các cấp học; sách giáo khoa tiếng dân tộc; những lưu ý liên quan đến kế hoạch giai đoạn 2021-2026 của ngành Giáo dục...
Riêng về dự kiến kế hoạch công tác 5 năm 2021-2026, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận định báo cáo của Bộ GD&ĐT đã nêu được các mục tiêu và một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Để xác định đúng mục tiêu ưu tiên, giải pháp đột phá cho phát triển GD-ĐT trong 5 năm tới, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, phương hướng nhiệm vụ cần phát huy những bài học kinh nghiệm giai đoạn trước và có tính tới bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế giai đoạn tới. Mục tiêu tổng quát của giai đoạn cần bám sát Nghị quyết 29, Kết luật 51 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu bảo đảm tính khả thi của các giải pháp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp…