Người Romania nào cũng biết, Stoker đã lấy cảm hứng từ “kẻ xiên người” Vlad - bạo chúa khét tiếng khóc ra máu trong lịch sử của họ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, “khóc ra máu” không phải là lối nói để ám chỉ tính cách tàn độc của hôn quân này mà còn là bệnh lý thật.
“Kẻ xiên người” Vlad
Vương công Vlad sinh năm 1428, là con trai thứ 3 của vương tử Vlad Dracul (1395 - 1447). Năm 1436, vương tử Dracul lên ngôi, trở thành vương công cai trị Wallachia (tên vương quốc của Romania thời trung đại).
Thời gian vương công Dracul trị vì, Wallachia là chư hầu của Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Sợ mẫu quốc nghi ngờ, năm 1442, ông phải cho Vlad và vương tử nhỏ tuổi hơn là Radu đến Ottoman ở lấy lòng tin.
Năm 1447, Hungary xâm lược Wallachia. Nhiếp chính vương của Hungary là John Hunyadi phong anh họ của Vlad là Vladislav II lên làm vương công và phát động cuộc chiến tranh chống lại Ottoman. Dưới sự hỗ trợ của mẫu quốc, Vlad dẫn quân trở về chiếm lại Wallachia nhưng thất bại.
Mãi đến năm 1456, khi mối quan hệ giữa Vladislav II và Hungary trở nên xấu đi, Vlad mới lật đổ được người anh họ này và khởi động cuộc thanh trừng lớn. Mỗi lần hạ được đối thủ nào, ông đều bắt giải về Wallachia, dùng cọc xiên thi thể của họ thị chúng nên mới có biệt danh “kẻ xiên người”.
Năm 1460, Vlad lên ngôi, quốc vương Ottoman đương nhiệm là Mehmed II đã cho sứ giả đến yêu cầu ông phải đích thân bày tỏ thái độ phục tùng mẫu quốc. Vương công Vlad nổi giận, tống giam sứ thần của Ottoman và hạ lệnh tấn công các lãnh thổ của Ottoman.
Hay tin, Quốc vương Mehmed II lập tức đích thân dẫn đầu đội quân 90 nghìn binh tiến đánh Wallachia. Đợi đội quân của Mehmed II đến gần, Vlad hạ lệnh đem hơn 23 nghìn tù nhân (những người ông bắt được trong các cuộc tấn công vào các lãnh thổ của Ottoman) ra xiên cọc và cắm dọc theo đường Mehmed II sẽ tiến quân.
Trước cảnh tượng rừng người bị xiên cọc chào đón, không từ cả người già, phụ nữ và trẻ em, Mehmed II chỉ còn cách lui binh để Vlad ngừng hành động tàn ngược này lại.
Theo ước tính của các nhà sử học, trong cuộc chiến tranh chống lại Ottoman, Vlad đã giết hơn 80 nghìn binh lính địch và thường dân vô tội. Hầu hết các nạn nhân đều bị ông dùng cọc đâm xuyên qua người và bêu xác giữa trời.
Bức thư còn lưu lại giọt nước mắt có lẫn máu của bạo chúa Vlad. Ảnh: Ancient-origins.net |
Nước mắt bằng máu
Nếu trong văn chương, khóc ra máu là ước lệ của sự uất hận, bất lực cùng cực thì trong những miêu tả về Vlad, khóc ra máu tượng trưng cho tính cách tàn bạo của ông.
Trong bức thư viết gửi quốc vương của Hungary là Matthias I để kể về chiến công chặn đứng Mehmed II, ông đã dùng ngữ điệu hào hùng: “Chúng tôi đã giết 23.884 tên Thổ Nhĩ Kỳ, ấy là còn chưa tính những kẻ đã bị đốt nhà hoặc chặt đầu tại chỗ”.
Ông cũng tự hào khoe “những kẻ bị xiên cọc có cả nông dân, đàn ông, phụ nữ, trẻ con, người già” và để chứng minh, ông còn gửi kèm nhiều bao tải chứa đầy các bộ phận cơ thể nạn nhân bị cắt rời.
Trên thực tế, không có ai trong số 23.884 người mà Vlad xiên cọc là con dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả họ đều là thường dân Serbia, Bulgaria vô tội đang phải chịu ách thống trị của Ottoman và không có chút thiện cảm nào với kẻ áp bức mình.
Người ta đồn rằng, khi viết thư cho Matthias I, Vlad đã quá phấn khích mà khóc cả ra máu. Không rõ ông có khóc thật không nhưng vào năm 1475, ông đã để lại một bức thư mà khi đem nó đi phân tích, các nhà khoa học bất ngờ phát hiện nước mắt của bạo quân này thật sự là máu.
Kết quả thu hồi và phân tích các peptide (khối xây dựng protein) để lại trên thư do chính tay Vlad viết chỉ ra, ông bị bệnh ciliopathies, một kiểu rối loạn tế bào.
Bệnh này gây trục trặc cho các cơ quan, dẫn đến nhiều triệu chứng suy nhược, khiến Vlad bị nhiễm trùng đường hô hấp, trong các peptide, các nhà khoa học chiết xuất được 3 mẫu từ võng mạc và nước mắt. Có vẻ như, nước mắt của ông đã rơi xuống trong lúc đang viết thư nên mới để lại dấu vết này.
Phân tích 3 mẫu peptide từ võng mạc và nước mắt của Vlad cho thấy ông bị mắc bệnh chảy máu cam cực kỳ hiếm gặp. Nếu bình thường, người bị bệnh chảy máu cam chỉ bị chảy máu ra khỏi mũi thì ở Vlad, một lượng máu lại tràn vào ống dẫn lệ và trộn lẫn với nước mắt. Vì thế, khi ông khóc, nước mắt sẽ có màu từ hồng nhạt đến đỏ sẫm. Y học gọi trường hợp này là bệnh hemolacria.
Mặc dù khiến người bị mắc bệnh khóc ra máu nhưng hemolacria chỉ là bệnh cực kỳ hiếm gặp chứ không nguy hiểm. Trong mắt người đương thời, tình trạng khóc ra máu của Vlad chỉ là biểu hiện của bạo chúa chứ không phải bệnh lý. Người ta kinh sợ ông và những giọt nước mắt máu của ông càng khiến họ khiếp hãi hơn.
Trái với góc nhìn từ bên ngoài, trong mắt dân tộc Romania, Vlad là anh hùng dân tộc và nhà cai trị quan trọng nhất lịch sử. Nhờ có ông, đất nước này mới được độc lập, xã hội công bằng và nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn hiện đại, các vụ giết người hàng loạt mà Vlad nhân danh vì lợi ích Wallachia mà thực hiện có thể cấu thành hành vi diệt chủng và tội ác chiến tranh. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Romania, Ioan Mircea Pașcu (1949) cũng phải thừa nhận, nếu đưa ra xét xử thì Vlad phải bị kết án chống lại loài người.
Về phần đại văn hào Stoker và Vlad vẫn còn nhiều tranh cãi. Có vẻ như, Stoker không biết nhiều về Vlad đến mức lấy ông làm nguyên mẫu cho bá tước Dracula. Thay vào đó, ông lấy cảm hứng từ các câu chuyện dân gian Romania về ma cà rồng.
Vì Stoker đã mất trước khi đưa ra bất cứ lời giải thích nào, nên tất cả chỉ là suy đoán. Có điều, độc giả vẫn cứ liên kết bản chất tàn bạo và bệnh trạng khóc ra máu của Vlad với ma cà rồng, sau đó nhớ tới Dracula và ngược lại. Nhờ có Dracula của Stoker mà Vlad sống mãi, tiếp tục được văn chương và điện ảnh dựng thành các tác phẩm hấp dẫn.