(GD&TĐ) - Theo một cuộc điều tra xã hội học, các ngành và lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Bên cạnh đó, các ngành ít tham nhũng nhất là bưu điện, báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực. Cuộc điều tra cũng đánh giá tầm quan trọng của báo chí trong việc phòng, chống tham nhũng.
Báo chí có vai trò quan trọng trong việc chống tham nhũng |
Cuộc điều tra, khảo sát thực địa được tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước do phía Việt Nam chủ trì, với sự chỉ đạo trực tiếp của Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Số người được hỏi là 5.460, trong đó có 1.801 cán bộ công chức, 1.058 người làm việc ở doanh nghiệp và 2.601 người dân.
Kết quả cho biết, 45% cán bộ, công chức từng chứng kiến hành vi tham nhũng, 44% doanh nghiệp và 28% người dân từng phải trả chi phí không chính thức.
Một số lĩnh vực được coi là có tham nhũng nhiều nhất như quản lý, cảnh sát giao thông, đất đai, xây dựng, giao dịch mà doanh nghiệp phải chi "lót tay" cao nhất là khi giao dịch với cơ quan thuế, còn với người dân là xin học, xin việc trong cơ quan nhà nước và với cảnh sát giao thông.
Báo cáo cũng cho thấy, dịch vụ y tế tác động đến nhiều người nhất và cũng là lĩnh vực có nhiều hành vi hối lộ nhất.
Có tới 63% doanh nghiệp cho rằng cán bộ công chức cố tình dây dưa, 22% số cán bộ công chức đã chứng kiến cán bộ công chức khác cố tình trì hoãn công việc để đòi nhận hối lộ và 29% số người dân đưa hối lộ vì công việc bị cố tình dây dưa.
Bên cạnh đó, 59% số doanh nghiệp nói đôi khi họ xử lý khó khăn bằng cách đưa tiền hoặc quà biếu, 37% số người dân khi gặp khó khăn là đưa tiền ngay để giải quyết công việc.
Có 63% số doanh nghiệp nói các khoản chi không chính thức tạo ra cơ chế “bất thành văn” để giải quyết công việc và 58% số người không chính thức nói sau đó công việc được quyết trọn vẹn.
Báo chí có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng. Có tới 80% doanh nghiệp và cán bộ công chức cho rằng, báo chí phát hiện tham nhũng trước khi cơ quan chức năng phát hiện, và hơn 8% cho rằng, áp lực từ báo chí giúp các vụ tham nhũng khỏi bị “chìm xuồng”.
Bởi thế, theo nhóm điều tra, cần phải xây dựng minh bạch thật sự, trao quyền cho báo chí để giúp lĩnh vực này áp dụng kỹ năng điều tra, phát hiện trường hợp tham nhũng.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng, kết quả trong báo cáo khảo sát không đại diện cho ý kiến của tổng thể nhân dân, doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ công chức của Việt Nam và cũng không phải là ý kiến đánh giá của cơ quan nhà nước. Kết quả này có ý nghĩa để các cơ quan, tổ chức, cá nhân, những người làm công tác hoạch định chính sách về phòng, chống tham nhũng tham khảo, phục vụ nghiên cứu nhằm mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng ở Việt Nam.
Tuệ Văn