Bao bì có thể ăn được

GD&TĐ - Bao bì được làm từ tinh bột sắn cùng các thành phần khác có thể ăn được là nghiên cứu của nhóm sinh viên có tên EdiFilm, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Bao bì có thể ăn được

Màng bọc thực phẩm xanh

Nhóm EdiFilm gồm các thành viên Mạc Thị Vi, Nguyễn Vũ Như Quỳnh, Nguyễn Hoài An, Phạm Nguyễn Cát Tường, Nguyễn Văn Tú, đang theo học chuyên ngành công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.

Mạc Thị Vi, trưởng nhóm cho biết, EdiFilm là từ viết tắt của edible film - màng bọc ăn được với nguyên liệu chủ yếu là tinh bột sắn. Mục đích ban đầu của nhóm là mang đến  màng bọc xanh tới mọi căn bếp. EdiFilm được làm từ những nguyên liệu ăn được nên chúng hoàn toàn không gây tác hại tới người sử dụng.

Ngoài ra, màng ăn được tan trong nước nóng. Điều đó giải quyết được lượng túi nhựa sử dụng cho các bọc đồ ăn liền như gói phở, mì hay các loại bánh, đồ khô bọc nhiều lớp túi nhựa. Sản phẩm vừa đoạt giải Nhất cuộc thi iSpark International Pitching tại Malaysia Trưởng nhóm Mạc Thị Vi chia sẻ, ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay, đặc biệt là các vấn đề về nhựa plastic.

Các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đang ráo riết tìm những loại vật liệu thay thế nhựa sử dụng một lần. Bản thân Vi cũng luôn cảm thấy khó chịu khi mỗi lần đi siêu thị là mang về cả chục cái túi nhựa lớn bé khác nhau và luôn tự hỏi tại sao chỉ một gói phở hay túi bánh mà họ lại phải dùng nhiều túi nhựa đến thế. Vi đã luôn mong muốn được làm điều gì đó để giảm thiểu tình trạng này.

Đầu năm 2021, Trường ĐH Bách khoa TPHCM có tổ chức một cuộc thi là BK Innovation - một cuộc thi sáng tạo khoa học dành cho sinh viên trên toàn địa bàn TPHCM. Với nền tảng là một sinh viên ngành công nghệ thực phẩm, Vi cùng nhóm bạn đã nghĩ đến việc tạo ra thứ gì đó vừa có thể ăn được, vừa giảm thiểu lượng rác thải nhựa đang ngày một ra tăng trên toàn thế giới. Thế là EdiFilm (edible + film) ra đời.

Ngoài tinh bột sắn là thành phần chính, nhóm bổ sung thêm một số thành phần khác để tạo ra cấu trúc tốt, tạo độ dẻo, dai nhưng lại dễ dàng tan trong nước. Điều đặc biệt là quy trình tạo ra màng này cực kỳ đơn giản, có thể làm thủ công tại nhà nếu nhu cầu sử dụng ít. Việc áp dụng thành quy trình kỹ thuật lại càng đơn giản, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Trong suốt quá trình thi BK Innovation, nhóm chỉ tập trung thiết kế và hoàn thiện sản phẩm màng ăn được EdiFilm. Trong quá trình tham gia nhóm đã được trao đổi, nhận được nhiều lời khuyên hữu ích từ ban giám khảo, các thầy cô để sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn, sau đó, nhóm tiến hành tham gia khảo sát nhu cầu thị trường. 

Nhiều tiềm năng thương mại hóa

Loại bao bì ăn được có thể làm giảm tác hại đến môi trường.
Loại bao bì ăn được có thể làm giảm tác hại đến môi trường.

TS Võ Thu Hằng, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận xét, các màng mỏng làm từ tinh bột không phải là một phát minh mới. Trước đây, nhóm nghiên cứu do TS David Edwards – thuộc Trường Đại học Havard (Mỹ) đã sáng tạo loại bao bì thực phẩm ăn được có tên WikiCell. Nó được thiết kế nhằm mô phỏng cách rau quả được “đóng gói” trong tự nhiên với một lớp vỏ bảo vệ bên ngoài có thể ăn được. WikiCell thực chất là một loại chất dẻo có thể ăn được, tinh chế từ tảo và canxi.

Hỗn hợp này sau đó được trộn với các hạt thực phẩm ví dụ như cacao hoặc hoa quả, khiến lớp vỏ nhân tạo có hương vị giống hệt loại thực phẩm bọc bên trong. WikiCell có thể được sử dụng để đóng gói cả thực phẩm đặc và lỏng, bao gồm cả súp, bơ, cocktail, đồ uống có ga và cà phê. Người dùng có thể sử dụng ống hút để chọc xuyên lớp màng bọc và uống chất lỏng đựng bên trong trước khi ăn phần còn lại.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Ấn Độ và Nga đã tạo ra màng thực phẩm ăn được để đóng gói trái cây, rau, thịt gia cầm, thịt và hải sản. Các màng này bao gồm các thành phần tự nhiên và nhóm nghiên cứu cho biết chúng an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.

Các nhà nghiên cứu khẳng định, các màng này có thể hòa tan trong nước và hòa tan gần 90% trong 24 giờ. Họ đã tạo ra ba loại màng thực phẩm dựa trên chất tạo màng sinh học natri alginate tự nhiên nổi tiếng trong rong biển.

Theo TS Hằng, sự sáng tạo rất thông minh của nhóm Edible Film là tìm ra một ứng dụng thực tế, hiệu quả cho màng bọc nguồn gốc tinh bột của mình. Đó là dùng để bọc định hình các gói thực phẩm bên trong bao bì bên ngoài, ví dụ như gói phở ăn liền, gói hủ tiếu ăn liền, gói gia vị, gói cà phê hòa tan, đường, bánh kẹo...

Mặc dù, dịch Covid-19 và thời gian dài giãn cách khiến nhóm không có đủ điều kiện phòng lab để làm thí nghiệm, nhưng nhóm đã tìm ra được công thức để tạo màng tinh bột dai, chắc, bền, tan trong nước, hoàn toàn có thể sẵn sàng tối ưu để trở thành sản phẩm thương mại hóa.

Bên cạnh đó, nhóm cũng đang phát triển công thức mới cải tiến, giúp màng tinh bột này tan chậm trong nước hoặc trong dầu, để dùng thay thế luôn các màng nilon nhựa hiện nay. Đây là một thử thách nhưng cũng là một cơ hội rất lớn cho nhóm Edible Film.

Được sự gợi ý, hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ tận tâm của các thầy cô giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, rất nhiều sản phẩm sáng tạo đã ra đời. Chiến lược của nhà trường là tạo điều kiện tối đa cho sinh viên tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo, gắn liền nghiên cứu học thuật với ứng dụng thực tế, dấn thân hoạt động khoa học kỹ thuật...

Những dự án tham dự cuộc thi BK Innovation đang cho thấy sự trưởng thành của thế hệ sinh viên học sinh Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Trong tương lai gần, những hoạt động như thế này sẽ càng mạnh mẽ hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ