Bán xăng dầu cầm chừng, người trồng cà phê chao đảo

Bán xăng dầu cầm chừng, người trồng cà phê chao đảo

(GD&TĐ) - Có thể nói giá cà phê trong những ngày qua đã trở thành chủ đề "nóng" ở các tỉnh Tây Nguyên do giá tăng từng ngày với biên độ khá lớn. Đây là tác động trực tiếp từ giao dịch trên thế giới tăng mạnh.

đợt tưới thứ 2 là quan trong nhất
Đợt tưới cà phê thứ 2 là quan trong nhất trong năm (ảnh MH)

Nguyên nhân khiến giá tăng liên tục tăng mạnh là do xu hướng của thị trường New York khi giá cà phê arabica đã tăng 7,1% trong tuần trước và ở mức cao nhất kể từ tháng 5/1997 bởi cung khan hiếm. Giá cà phê arabica cao đã khuyến khích các nhà rang xay đẩy mạnh mua vào loại robusta vốn có giá rẻ hơn để pha trộn. Trong khi đó, giá cà phê robusta tăng còn do tình hình thị trường hiện đang đi ngược dự báo. Trước đây, các ý kiến đều cho rằng thế giới sẽ bước vào năm thứ 3 liên tiếp dư thừa cà phê robusta, nhưng hiện tại sản lượng của Việt Nam không cao như dự đoán, của Indonesia cũng không lạc quan, trong khi nhu cầu lại tăng dẫn đến khả năng thiếu hụt loại cà phê này.

Điều đáng nói là giá cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên hiện đang trong tình trạng lộn xộn. Giá cà phê được các đại lý thu mua ở mỗi tỉnh mỗi khác, có lúc chênh nhau gần 1.000 đồng/kg. Theo giá niêm yết của Trung tâm xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch Đắk Lắk thì giá cà phê loại nhân xô ở Đắk Lắk ngày 22/2 là 44.800 đồng/kg, loại R2B là 45.100 đồng/kg, loại R1C 45.500 đồng/kg và loại R1A có mức giá cao nhất 45.700 đồng/kg. Trong khi đó giá cà phê tại Đắk Nông thấp hơn Đắk Lắk khoảng 500 đồng/kg và đứng khoảng 44.300 đồng/kg; Đặc biệt, giá cà phê tại Lâm Đồng và Gia Lai, Kon Tum thấp hơn Đắk Lắk tới 1.000 đồng/kg, hiện đang được mua ở mức 43.800 đồng/kg.

Giải thích nguyên nhân vì sao giá cà phê trong nước đang lộn xộn, với biên độ chênh lệch khá lớn như thế thì một chủ doanh nghiệp cho biết, mức giá thế giới là chung nhưng ở mỗi tỉnh, thậm chí mỗi doanh nghiệp đều có cách tính toán và chiến lược kinh doanh khác nhau nên họ có thể thu mua theo từng mức giá khác nhau do doanh nghiệp quy định.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp do thời hạn giao hợp đồng tháng 3/2011 đã tới mà thiếu hàng nên phải đẩy giá thu mua cho đủ, trong khi đó, một số doanh nghiệp khác thì tăng giá thu mua để dự trữ hàng...

Cho dù các doanh nghiệp đưa ra nhiều chiến lược khác nhau trong thu mua cà phê chăng nữa, nhưng với mức giá tăng mạnh mỗi ngày như hiện nay thì hầu như nông dân không bán mà tiếp tục chờ đợi, nếu có giao dịch thì cũng chỉ diễn ra việc giao dịch lẫn nhau giữa các doanh nghiệp nhằm đáp ứng đủ số lượng hàng phải giao.

Hiện tại, nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đang hưởng lợi từ giá cà phê nhưng họ lại gặp khó khăn trong việc tái đầu tư cho cây cà phê cho vụ sau, đó là việc các cây xăng dầu hạn chế cung cấp dầu cho nông dân là cho hoạt động tưới cà phê đợt 2 gặp nhiều khó khăn.

Theo một số nông dân cho biết, đợt tưới thứ 2 là quan trong nhất, nó quyết định năng suất cà phê có đạt hay khôg vào vụ sau. Thời gian tưới giữa 2 đợt  1 và đợt 2 chỉ cách nhau khoảng 20 ngày thì cây cà phê mới cho năng suất cao. Tuy nhiên, đa số nông dân đã tưới cà phê trước Tết, nay là thời gian tưới đợt 2 thì không có dầu để tưới.

Tại Đắk Lắk tỉnh có nhiều diện tích cà phê nhất nước, Sở Công Thương Đắk Lắk vừa tiến hành kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại các địa bàn trọng điểm là huyện Ea H’leo, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ, bước đầu, đã  phát hiện 49 đại lý bán lẻ xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, hoạt động cầm chừng, giảm số lượng bán ra.

Trong đó, có 21 đại lý của Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, 28 đại lý của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 3. Nhiều chủ đại lý cho biết, sở dĩ phải giảm lượng hàng bán ra là do doanh nghiệp đầu mối giảm nguồn cung ứng xăng dầu xuống chỉ còn 50% so với nhu cầu thực tế đã được đại lý ký hợp đồng. Được biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 7 doanh nghiệp đầu mối tham gia cung ứng xăng dầu với hơn 400 đại lý bán lẻ, trong đó Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên chiếm thị phần lớn nhất với hơn 100 đại lý.

Hồng Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ