Không chỉ dừng lại là câu chuyện của một cá nhân hay một gia đình, mà là câu chuyện về sự đổi khác trong bức tranh bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Nhiều tác giả xin rút lui
Kể từ ngày 17/1/2018, VCPMC không còn là đại diện quản lý và khai thác quyền tác giả đối với các tác phẩm của cố nhạc sĩ An Thuyên.
Nhạc sĩ An Hiếu - con trai cố nhạc sĩ An Thuyên cho rằng, việc rút toàn bộ tác phẩm của cố nhạc sĩ An Thuyên khỏi VCPMC không phải vì lý do tiền bạc mà gia đình cần được biết các sáng tác của cố nhạc sĩ được khai thác, sử dụng, phổ biến ra sao… nhưng VCPMC lại không đáp ứng được.
Trước đó, năm 2014, nhạc sĩ Phú Quang cũng đã chính thức rút quyền bảo vệ tác phẩm của ông ra khỏi VCPMC. Nhạc sĩ Phú Quang đã tự chịu trách nhiệm về mặt bản quyền đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, truyền hình, thu thanh, băng đĩa nhạc phát hành trên thị trường, các trang mạng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nhiều nhạc sĩ như: Trịnh Công Sơn (đại diện gia đình), Lam Phương... cũng đã rút tên khỏi VCPMC.
Ngoài ra, trong cuộc họp báo mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường cũng cho biết, khi nghe gia đình nhạc sĩ An Thuyên trình bày ý tưởng rút các tác phẩm khỏi VCPMC để tự quảng bá, ông Nguyễn Lân Cường cũng có động thái tương tự. Bước đầu ông sẽ rút ủy quyền bảo vệ tác phẩm thiếu nhi ra khỏi VCPMC. Hiện nay, nhạc sĩ Quốc Bảo và một vài nhạc sĩ khác cũng đã chấm dứt hợp đồng ủy quyền với VCPMC.
Cạnh tranh thời công nghệ số
Chia sẻ với báo GD&TĐ, nhạc sĩ Lê Mây cho rằng, 16 năm qua, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc đã làm khá tốt công việc của mình. VCPMC có lợi thế gần như trả thu nhập thường xuyên theo quý, thậm chí ứng trước tiền cho những trường hợp gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn. Trung tâm đã giúp cho nhiều nhạc sĩ có tiền bản quyền các tác phẩm của mình.
Dù là đơn vị đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực tác quyền âm nhạc, thế nhưng VCPMC không còn giữ vị trí độc quyền ở Việt Nam hiện nay, đó cũng là quy luật của sự phát triển của công nghệ số.
Dường như cuộc cạnh tranh khai thác bản quyền âm nhạc ngày càng trở nên khốc liệt. Sự ra đời của Sky Music - một đơn vị kinh doanh bản quyền nhạc số tạo nên sự cạnh tranh trên thị trường nhạc trực tuyến.
Với ưu thế sử dụng công nghệ, Sky Music có thể giúp các nghệ sĩ trực tiếp theo dõi và giám sát sản phẩm của họ được sử dụng trên những kênh nào, tần suất là bao nhiêu. Nhờ ưu thế này mà Sky Music đang dần có được sự tin tưởng của các nhạc sĩ. Nhiều nghệ sĩ đã chủ động gửi bản ghi đến cho Sky Music như nhạc sĩ Phú Quang, Quốc Bảo, gia đình nhạc sĩ Bắc Sơn...
Dự kiến chỉ trong tương lai gần, sẽ có nhiều công ty tham gia vào thị trường bản quyền âm nhạc. Như vậy, cơ hội lựa chọn cho các nhạc sĩ sẽ nhiều hơn. Khi các nhạc sĩ nhận thấy bản quyền tác phẩm của mình không thỏa đáng, họ có thể rời bỏ để tìm đến những đơn vị khác mà họ thấy minh bạch hơn.
Theo quy định tại Nghị định 22/2018 thì Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải công khai, minh bạch, có bộ cơ sở dữ liệu thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan như: Hợp đồng ủy quyền của hội viên, danh sách tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể được khai thác, sử dụng; biểu mức tiền nhuận bút, thù lao và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về việc thu và phân phối tiền nhuận bút, thù lao theo ủy quyền.