Băn khoăn đồng phục học sinh

Băn khoăn đồng phục học sinh

(GD&TĐ) - Công tác tuyển sinh đầu cấp (đúng tuyến) của các trường tiểu học, THCS ở Hà Nội bắt đầu từ ngày 1/7. Thường thì nhiều trường yêu cầu phụ huynh đăng ký mua đồng phục luôn cho các em. Xung quanh vấn đề đồng phục, những chuyện như giá cả, chất lượng... là mối quan tâm lớn của phụ huynh.

Muôn màu đồng phục

Đồng phục học sinh, mỗi trường một kiểu, mỗi vùng một khác  nhưng phổ biến nhất vẫn là áo trắng, quần xanh. Về kiểu dáng, ở thành thị, đồng phục học sinh nữ thường có thêm chân váy, nam có quần lửng để mặc mùa hè. Trang phục mùa thu, đông đều giống nhau là quần- áo dài.

Tuy đều là quần xanh- áo trắng nhưng mỗi trường lại có điểm nhấn riêng. Tùy vào điều kiện kinh tế cụ thể của mỗi địa phương, có trường chỉ yêu cầu học sinh mặc quần xanh - áo trắng đến trường nhưng cũng có trường in thêm logo hoặc tạo thêm họa tiết trên áo. Việc trang bị quần áo đồng phục, có trường liên kết với Công ty may sẵn bán cho học sinh. Trường cầu kỳ hơn thì mời thợ đến đo số đo của từng học sinh rồi may theo chất liệu, mẫu mã có sẵn hay cũng có trường thì cấp mẫu, logo cho phụ huynh tự đi may.

Quy định mặc đồng phục cũng mỗi nơi một kiểu. Có trường chỉ yêu cầu học sinh mặc đồng phục vào thứ 2-6 hàng tuần. Có trường quy định mặc đồng phục cả tuần hoặc các ngày chẵn- lẻ. Ngoài trang phục đi học, các trường cũng may riêng cho học sinh trường mình trang phục thể thao…

b
Đồng phục giúp học sinh thân thiện, hòa đồng hơn.             Ảnh: V. Văn

Nỗi lo giá cả, chất lượng

Khảo sát tại một số trường trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy giá “trên trời dưới biển”. Cụ thể với trường ở ngoại thành, nhà trường chỉ yêu cầu học sinh học quần xanh/sẫm màu với áo trắng thì đồng phục học sinh sẽ không còn là vấn đề “nóng. Nhưng do đa phần các trường yêu cầu trẻ mặc đồng phục các ngày trong tuần. Bên cạnh đó là đồng phục thể thao, đồng phục theo mùa nên tính ra tiền đồng phục cũng ngót triệu bạc.

Chị Lê Thị Huyền có 2 con theo học tại trường tiểu học và THCS Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cho biết: Đứa bé xin vào trường tiểu thì chưa thấy thông báo gì về đóng tiền mua đồng phục hay gia đình tự may. Nhưng đứa lớn học cấp 2 khi nộp hồ sơn xin học đã đóng 1,5 triệu bao gồm tiền học hè và gần 1 triệu tiền đồng phục. “Tôi giật mình vì số tiền đồng phục phải đóng nhưng hỏi ra thì được biết nhà trường yêu cầu học sinh mặc đồng phục hè, thu, đông và bộ đồ thể thao”, chị Huyền chia sẻ. Còn chị Nguyên, có 2 con theo học trường THCS quận Cầu Giấy cũng giật mình khi nhận được thông báo đóng tiền đồng phục cho con. “Tính ra 2 đứa mất gần 2 triệu. Tôi định không mua nhưng giáo viên cho biết nhà trường thay mẫu mã đồng phục nên đành chi tiền chứ không lẽ để con mặc đồng phục cũ đi học, mà mặc chắc gì nhà trường đã chấp nhận”, chị Nguyên than thở.

Không quá lo lắng về chuyện tiền bạc nhưng chị Nhung (quận Hai Bà Trưng) lại băn khoăn về chất lượng các bộ đồng phục. Theo chị Nhung việc nhà trường yêu cầu học sinh mặc quá nhiều loại đồng phục nên đã lơ là chất lượng. Trừ áo trắng còn quần, đồng phục thể thao toàn chất liệu kém. Như vậy khi trẻ hoạt động, đặc biệt là tập luyện sẽ không thấm mồ hôi, thậm chí phai màu… khiến học sinh sau mỗi ngày học, giờ tập thể dục trông nhem nhuốc. “Đến mình nhìn con còn mất cảm tình, thấy ngột ngạt thì làm sao các cháu có thể tập trung vào việc học được”, chị Nhung trao đổi.

Thiết nghĩ, việc nhà trường quy định học sinh mặc đồng phục cũng là để tăng sự thân thiết giữa các em, tăng sự thân thiện trong môi trường sư phạm. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của trẻ là đến trường để học, tiếp thu kiến thức nên đồng phục hay không đồng phục, đồng phục như thế nào đều phải tính đến sự thuận tiện trong sử dụng, phù hợp với điều kiện thời tiết từng vùng.

La Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ