Bàn giải pháp triển khai hiệu quả dịch vụ công tác xã hội trong trường học

GD&TĐ - Ngày 22/12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo Giải pháp triển khai hiệu quả dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT, đại diện tổ chức UNICEF, GNI tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học cùng các thầy cô giáo tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Ở Việt Nam, đi cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, cần sự can thiệp hỗ trợ của công tác xã hội.

Trong đó, công tác xã hội trường học đã được chú trọng để cải thiện môi trường học tập cho học sinh thông qua việc đánh giá vấn đề và nhu cầu của học sinh, cung cấp các hoạt động trợ giúp như tham vấn, hỗ trợ tâm lý-xã hội, giáo dục kỹ năng sống và xây dựng năng lực để giúp học sinh tự giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với bạn bè, gia đình và thầy cô giáo.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc hội thảo.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc hội thảo.

Trong giai đoạn 2015-2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học, trong đó có Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; Thông tư 33/TT-BGDĐT về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Hằng năm, Bộ GDĐT quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GD&ĐT thực hiện các nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường; phối hợp tích cực với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế để triển khai thực hiện các hội thảo, tập huấn, thí điểm mô hình tư vấn học đường, xây dựng các ấn phẩm truyền thông. Đặc biệt, Bộ GDĐT đã triển khai khảo sát tại 13 tỉnh/thành từ tháng 8 đến tháng 11/2022 nhằm mục đích đánh giá công tác chỉ đạo và việc triển khai thực hiện hoạt động công tác xã hội và hoạt động tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục.

Đại diện Sở GD&ĐT Lạng Sơn trình bày tham luận tại hội thảo: “Thực tiễn triển khai công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.

Đại diện Sở GD&ĐT Lạng Sơn trình bày tham luận tại hội thảo: “Thực tiễn triển khai công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.

Chuyên gia Trần Thành Nam trình bày tham luận “Phát triển hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục hiện nay”.

Chuyên gia Trần Thành Nam trình bày tham luận “Phát triển hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục hiện nay”.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện tư vấn tâm lý, công tác xã hội tại các trường phổ thông, còn có những hạn chế nhất định: Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện tại nhiều địa phương chưa được quan tâm; hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức chưa hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ.

Tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng, chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm đúng yêu cầu; chưa có biên chế nhân sự chuyên trách phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục; năng lực của một số cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm còn hạn chế; nguồn lực cho hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh chưa được đầu tư. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giáo dục còn chưa được thường xuyên.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo "Giải pháp triển khai hiệu quả dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục” nhằm mục đích đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân trong việc thực hiện hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường và bàn giải pháp triển khai hiệu quả hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo khảo sát đánh giá kết quả thực hiện hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại 13 tỉnh/thành của Bộ GD&ĐT; trao đổi kinh nghiệm của các địa phương về thực trạng triển khai hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục hiện nay.

Thông qua hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề về công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học cần quan tâm trong thời gian tới; đề xuất giải pháp thiết thực cũng như mục tiêu, chiến lược để Bộ GD&ĐT nghiên cứu triển khai hiệu quả hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường cũng như sửa đổi Thông tư 31 và Thông tư 33 trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.