Bài tham gia góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng

Bài tham gia góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng

(GD&TĐ) - Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng đưa ra mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2010-2020 là: "Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau."

Trong đó mục tiêu chủ yếu về kinh tế đặt ra: "Phấn đấu đạt tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7- 8% năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3000-3.200 USD..."

Theo chúng tôi chỉ tiêu đặt ra như vậy là hợp lý, song để mục tiêu sớm trở thành hiện thực, chúng tôi cho rằng, cùng với các giải pháp khác, một trong những khâu đột phá là phải quan tâm nhiều hơn cho công tác giáo dục nghề nghiệp.

Thực tế cho thấy, cơ cấu dân số nước ta đang trong độ tuổi "vàng" để đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng. Hiện tại lực lượng lao động ở nước ta ước khoảng 48,5 triệu người. Đây có thể xem là một lợi thế lớn so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, nguồn lao động nước ta vẫn chưa đáp ứng thị trường. Mặc dù hơn 10 năm qua, công tác đào tạo nghề ở nước ta có nhiều chuyển biến, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hệ thống trường nghề, cơ sở dạy nghề ở các cấp các ngành, các doanh nghiệp không ngừng gia tăng. Đến nay, cả nước có hơn 70 trường cao đẳng nghề, 235 trường trung cấp nghề và hàng ngàn trung tâm, cơ sở dạy nghề đã xóa bỏ tình trạng trắng trường dạy nghề ở các tỉnh, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu và năng lực đào tạo, phân bổ các trường nghề giữa các vùng, miền, các ngành.

Nhưng kể từ khi nước ta là thành viên chính thức của WTO, làn sóng đầu tư vào trong nước tăng lên nhanh chóng. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng từ công nghiệp, dịch vụ đã tác động mạnh đến cơ cấu lao động, nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp đang ngày một gia tăng. Trong khi đó cùng với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nghề nghiệp còn bất cập, cơ sở vật chất các trường dạy nghề còn thiếu thốn, khó có điều kiện mở rộng quy mô. Bên cạnh đó là sự chống chéo trong quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cũng là một nguyên nhân chính làm cho việc xây dựng chính sách giáo dục nghề nghiệp thiếu tính khả thi, đào tạo nguồn lực thiếu hiệu quả, nhất là tính liên thông trong hệ thống giáo dục giữa dạy nghề với giáo dục đại học còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến tâm lý lo ngại không được học lên cao khi theo con đường giáo dục nghề nghiệp...

Để công tác dạy nghề ở nước ta được chuyển đổi nhanh từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường sức lao động và yêu cầu đa dạng của xã hội, gắn dạy nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương và gắn với tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và đạt được mục tiêu về kinh tế đặt ra: "Phấn đấu đạt tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7- 8% năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3000-3.200 USD..."

Có những chính sách hướng nghiệp ngay từ cấp học phổ thông giúp cho học sinh, thanh niên định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề, học nghề
Cần có những chính sách hướng nghiệp ngay từ cấp học phổ thông giúp cho học sinh, thanh niên định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề, học nghề

Chúng tôi cho rằng Đảng, Nhà nước cần quan tâm có những định hướng cho giáo dục nghề nghiệp như:

Có những chính sách hướng nghiệp ngay từ cấp học phổ thông giúp cho học sinh, thanh niên định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề, học nghề; có chương trình phổ cập nghề cho thanh niên, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cho dạy nghề; không ngừng cập nhật nâng cao tay nghề cho người lao động trong doanh nghiệp; có chính sách ưu đãi đối với các cơ sở dạy nghề thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm đổi mới trang thiết bị, máy móc, phương tiện, vật tư phục vụ cho dạy và học nghề; nhà nước đáp ứng nhu cầu vay vốn để học nghề cho học sinh, sinh viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân tự học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ để ổn định việc làm và hướng tới thu nhập cao hơn; ưu đãi cho doanh nghiệp trong hoạt động liên kết đào tạo nghề, giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề, thực hành, thực tập sản xuất; tôn vinh kịp thời những giáo viên, cán bộ quản lý, các nghệ nhân có thành tích xuất sắc trong đào tạo, truyền nghề; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, các nghệ nhân giỏi tham gia dạy nghề. 

Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dạy nghề, thực hiện tốt cơ chế kiểm định đánh giá chất lượng dạy nghề. Làm tốt công tác dự báo nhu cầu lao động theo ngành nghề, cấp trình độ ở từng vùng, khu vực cũng như trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó cần hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển dạy nghề một cách đồng bộ, nhanh chóng chuyển đổi hệ thống dạy nghề từ hướng cung sang hướng cầu theo 3 cấp độ: dạy nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế, bảo đảm sự cân đối giữa đào tạo và sử dụng, đáp ứng có hiệu quả nguồn nhân lực có chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền kinh tế; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là dạy nghề trình độ cao, đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực và thế giới, xúc tiến việc công nhận văn bằng, chứng chỉ đào tạo nghề, chứng chỉ kỹ năng nghề với các nước trong khu vực và thế giới.

Có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các trường dạy nghề của nước ta đẩy mạnh liên doanh, liên kết đào tạo nghề với các trường nghề tiên tiến trong khu vực và một số nước trên thế giới nhằm tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề nước ta. Những trường nằm trong chương trình mục tiêu, chương trình trọng điểm lựa chọn một số nghề đào tạo theo chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước phát triển, tổ chức dạy bằng tiếng Anh cho những nghề mà thị trường lao động quốc tế đang có nhu cầu.

Đây là những nhân tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực để nâng tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hiệu quả nền kinh tế, thành bại trong cạnh tranh và hội nhập sâu, rộng hơn vào kinh tế thế giới.

Minh Tư

(Trường ĐHSP TDTT Hà Nội)

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.