Khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, xác minh ở các địa phương có nghi vấn, Bộ GD&ĐT đồng thời tổ chức chấm thẩm định bài thi tại một số địa phương khác theo quy định của quy chế. Kết quả của quá trình tổ chức thực hiện tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre đã được thông tin rộng rãi.
Tiêu cực thi cử là vấn đề xã hội có lẽ không trừ quốc gia nào, ngay cả những nước có nền giáo dục phát triển. Năm 2011, 178 giáo viên và nhân viên từ 44 trường công tại bang Atlanta, Mỹ thay đổi đáp án của HS trong bài kiểm tra năng lực tham chiếu theo tiêu chuẩn (CRCT). Hàn Quốc từng 2 lần lộ đề thi SAT, một trong số đó là năm 2013 với khoảng 1.500 thí sinh bị hủy bài thi... Vụ tiêu cực chấn động mới đây nhất ở Mỹ, nhiều người đã bỏ ra số tiền hối lộ khổng lồ để con cái được vào học các trường danh tiếng như Georgetown, Yale, Stanford, USC, UCLA…
Vấn đề là cách chúng ta ứng xử với tiêu cực như thế nào và thái độ cầu thị để cải tiến kỳ thi ngày càng tốt hơn ra sao.
Tại Việt Nam, nhìn lại trước năm 2015, việc thi cử còn rất nặng nề: Mỗi năm phải tổ chức nhiều kỳ thi, nhiều đợt thi liên tiếp trong khoảng thời gian hơn một tháng cho khoảng gần 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT; khoảng 1,5 triệu đến 1,8 triệu lượt thí sinh trong 3 đợt thi ĐH, CĐ. Các tiêu cực trong thi cử ở Đồi Ngô, Phú Xuyên một thời cũng gây “bão” dư luận...
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương, Luật GD và Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ, Bộ GD&ĐT xây dựng phương án đổi mới thi THPT và xác định đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT là khâu đột phá góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT. Lựa chọn này xuất phát từ việc thực hiện đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá sẽ có tác động lớn tới việc đổi mới phương pháp dạy và học.
Từ 2015, Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức và rút kinh nghiệm qua từng năm nên ngày càng hoàn thiện. Riêng năm 2018, đánh giá khách quan, kỳ thi đã diễn ra nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; công tác tuyển sinh ĐH đạt hiệu quả cao. Nhưng đây cũng là năm xảy ra tình trạng tiêu cực, gian lận có tổ chức tại một số Hội đồng thi (đặc biệt các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình), gây tâm lý lo ngại trong HS, giáo viên và dư luận xã hội. Những sai phạm này xuất phát từ chủ đích của một số cá nhân cố tình làm sai, vô hiệu hóa quy trình chấm thi đã được quy định rất cụ thể, chi tiết trong quy chế.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh từng nhiều lần gửi đi thông điệp mạnh mẽ: “Tất cả những sai phạm trong thi cử, dù bằng bất kì hình thức nào, có âm mưu tổ chức kĩ càng đến đâu, sử dụng thiết bị hiện đại đến mấy cũng sẽ bị xử lý nghiêm”. Điều này không chỉ đơn thuần chỉ là xử lý vi phạm mà quan trọng hơn là lấy lại niềm tin cho hàng triệu thí sinh, dư luận vào một kỳ thi cấp quốc gia.
Và trên thực tế, với tinh thần làm nghiêm, quyết liệt, “không có vùng cấm”, những cá nhân vi phạm trong kỳ thi bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. “Năm tới có cho cũng đố ai dám tiêu cực” - một hiệu trưởng trường phổ thông tại Bắc Giang đã nói như vậy sau khi các vụ việc tiêu cực bị phanh phui ra ánh sáng; lần lượt những người có hành vi vi phạm bị khởi tố, bắt tạm giam; một thí sinh Hòa Bình từ đỗ thành trượt tốt nghiệp sau kết quả rà soát.
Việc người lớn làm sai phải trả giá là lẽ đương nhiên; nhưng đau xót, người gánh chịu hậu quả nhiều nhất lại là những đứa trẻ đang ở giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời. Cũng chính bởi vậy, đại diện Bộ GD&ĐT từng tha thiết mong mỏi các địa phương, bằng mọi trách nhiệm tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2019 thành công, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm, trước hết vì trách nhiệm với con em mình, với sự phát triển và uy tín, danh dự của chính địa phương mình.