Đoạn video bắt đầu bằng những hình ảnh dường như của một dải san hô ngầm không sự sống. Tuy nhiên, khi thợ lặn Jonathan Gordon tiến lại gần, con bạch tuộc đột ngột xuất hiện bằng cách vô hiệu hóa cơ chế ngụy trang của nó.
Bạch tuộc là một trong số ít sinh vật biển có thể ngụy trang bản thân dưới nước, ngoài mực nang và mực ống. Loài động vật chân đầu (động vật thên mềm với các cánh tay gắn vào đầu) này không chỉ biến đổi được sắc độ da phù hợp với môi trường xung quanh, mà còn cả kết cấu của chúng để hòa trộn vào đó.
Điều đáng kinh ngạc là, bạch tuộc có thể làm được tất cả những việc trên dù bị mù màu. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa rõ tại sao bạch tuộc lại biết được màu sắc của vật thể chúng đang ẩn náu. Tuy nhiên, họ nhận định, các protein trong da và mắt của bạch tuộc có thể đã giúp chúng lọc và phát hiện được những tương phản nhỏ về màu sắc.
Đây có lẽ vẫn là một trường hợp của chọn lọc tự nhiên, trong đó bạch tuộc đã tiến hóa để có khả năng tương thích màu sắc và sống sót trong môi trường hoang dã.
Để thay đổi màu sắc da, một con bạch tuộc đã sử dụng hàng ngàn tế bào sắc tố dưới bề mặt da của nó. Những tế bào này chứa một túi co giãn, đựng đầy chất nhuộm màu, có thể thay đổi được. Các túi sắc tố này cũng có thể giãn rộng hoặc co rút lại nhờ một dãy dây thần kinh, và khi chúng giãn ra, màu sắc sẽ trở nên rõ thấy hơn.
Bằng cách kiểm soát kích cỡ các gai thịt trên da, một con bạch tuộc có thể thay đổi kết cấu da từ các u bướu tới gai dài. Chúng sẽ bám mình vào các vật thể rắn, đặc để nguy trang và nếu bị phát hiện sẽ phình to kích cỡ cơ thể để khiến bản thân trông đáng sợ hơn.
Một trong những lí do bạch tuộc ngụy trang là để trốn những kẻ săn mồi. Nếu bị đe dọa, chúng cũng có thể phun mực vào mặt kẻ thù tấn công trước khi cao chạy xa bay.