Bác sĩ Y tế dự phòng: Thiếu trầm trọng nhưng chưa được quan tâm

Bác sĩ Y tế dự phòng: Thiếu trầm trọng nhưng chưa được quan tâm

(GD&TĐ) - Mô hình bệnh tật ở Việt Nam đang có sự thay đổi từ bệnh truyền nhiễm sang bệnh mãn tính. Một số bệnh rơi vào quên lãng nay  tái xuất hiện đòi hỏi ngành y tế không chỉ đầu tư cho bệnh viện, bác sĩ điều trị mà rất cần đội ngũ làm công tác dự phòng, nâng cao kiến thức người dân.  Cục trưởng Cục Khoa học- Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Công Khẩn nhận định: Chưa bao giờ vai trò của người làm công tác dự  phòng lại quan trọng như hiện nay. Đây là những chiến sĩ đi đầu trong việc phát hiện, bao vây và xử lý ổ dịch.

Người ít - việc nhiều

Tay chân miệng, cúm A/H5N1, H1N1, rubela, tiêu chảy… là những dịch bệnh liên tục “làm mưa làm gió” trong những năm gần đây với số người mắc và tử vong tương đối cao. Theo TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hệ thống y tế dự phòng trên cả nước đã thống kê được 10 loại bệnh có số mắc cao nhất, 10 loại bệnh có nhiều người tử vong nhất, cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đây thực sự là thách thức lớn với công tác y tế dự phòng bởi một số chủng virus nguy hiểm như cúm A H5N1, Corona… luôn tiềm ẩn sự biến đổi bùng phát dịch; ký sinh trùng sốt rét tăng tính kháng thuốc và có xu hướng lan rộng. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tả, viêm màng não mô cầu, viêm não virus, sởi, rubella luôn có nguy cơ bùng phát; Các bệnh lây truyền từ động vật sang người có hướng tăng; Một số dịch bệnh chưa có vacxin phòng…

Bác sĩ Y tế dự phòng: Thiếu trầm trọng nhưng chưa được quan tâm ảnh 1
Cán bộ y tế dự phòng luôn là người đầu tiên phát hiện và xử lý ổ dịch Ảnh: H.Thu

Dịch bệnh gia tăng đồng nghĩa với việc cần một lực lượng y tế dự phòng mạnh. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, nhân lực y tế dự phòng tuyến trung ương chỉ đáp ứng được 76% nhu cầu. Tuyến tỉnh và huyện nhân lực còn thiếu nhiều hơn (55% nhu cầu tuyến tỉnh, 43% nhu cầu tuyến huyện). Theo GS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp về y tế dự phòng, tại tuyến T.Ư như Khoa Dịch tễ (Viện Vệ sinh dịch tế Tây Nguyên), Viện Y học lao động - Vệ sinh Môi trường hay Viện Paster TP HCM nhiều năm liền không tuyển được bác sĩ. Tại các tỉnh như Yên Bái, Lai Châu, mỗi Trung tâm Y tế dự phòng cũng chỉ  có 4 - 6 bác sĩ khiến việc hoạt động chỉ đạo chuyên môn vô cùng khó khăn, thậm chí chỉ nghiên cứu văn bản chỉ đạo đã hết thời gian.

Làm gì để lấp đầy khoảng trống?

BS Nguyễn Nhật Cảm, GĐ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Cử nhân y tế công cộng hiện nay vừa thiếu, vừa yếu. Với 25 bác sĩ dịch tễ nhưng mỗi khi có dịch, cả trung tâm  không hết việc. Bên cạnh đó, một số bác sĩ còn thiếu kỹ năng mềm nên khi  tiếp xúc ổ dịch, làm việc với cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao. Còn theo Phó GĐ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Phúc Hà Minh Nguyệt, vẫn còn khoảng cách giữa lý thuyết trong trường học và thực hành tại cộng đồng. “Vì vậy, khi tiếp nhận sinh viên thực tập, chúng tôi đều yêu cầu các em dành 1 tuần để  làm quen với công việc. Nhờ đó, từ tuần thứ 2 trở đi các em chủ động với công việc, thậm chí phong cách làm việc còn chuyên nghiệp hơn cả bác sĩ lâu năm của trung tâm”, bà Nguyệt chia sẻ.

Nghiên cứu hàng năm của Trường đại học Y tế Công cộng cho thấy có 85 - 90% cử nhân y tế công cộng có việc làm sau 9 tháng ra trường, trong đó có 65% sinh viên làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng. Điều này cho thấy nhu cầu về nguồn nhân lực là rất lớn, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y tế công cộng Bùi Thị Thu Hà cho biết. Tuy nhiên, phải thừa nhận là số cử nhân làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, các công ty nước ngoài tương đối nhiều do chính sách lương bổng tốt hơn. Đồng tình, theo GS Huấn, không ít cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế dự phòng đã chuyển sang làm công việc khác có thu nhập cao hơn do các địa phương chỉ tập trung đầu tư cho việc điều trị chứ chưa quan tâm tới y tế dự phòng (cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực). Tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” về chính sách trong cùng một hệ thống y tế là nguyên nhân chính khiến y tế dự phòng chưa thể phát triển theo nhu cầu.         

Minh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.