ThS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi vẫn chưa rõ ràng nhưng người ta tìm thấy những mối liên quan giữa bệnh lý ác tính này với tác nhân thuốc lá.
Hút thuốc lá, kể cả hút trực tiếp và hút thụ động, là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi.
Tỷ lệ ung thư phổi ở người nghiện thuốc lá cao hơn rất nhiều và tỷ lệ ung thư phổi gia tăng theo số năm hút thuốc và số lượng thuốc hút mỗi ngày.
Nguy cơ mắc ung thư phổi ngày càng tăng ở nam giới hút thuốc và tăng nhanh đột ngột ở phụ nữ hút thuốc. Với phụ nữ mang thai, việc hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gây hại đến thai nhi.
Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người hút trực tiếp mà người hút thụ động cũng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.
Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất, trong đó có các chất gây ung thư hay chất độc hại. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em.
Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non ở phụ nữ có thai.
Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
Đặc biệt, đối với một số người có gen dị ứng với khói thuốc và khi gặp tác nhân khói thuốc lá, họ có thể bị đột biến gen và hình thành các tế bào ác tính, phát triển dần thành khối u.
Trong khi đó, ung thư phổi vẫn là một căn bệnh tiên lượng còn rất dè dặt. Bệnh nhân lại phát hiện chủ yếu ở giai đoạn muộn nên thường chỉ sống kéo dài được vài năm.
Ngoài khói thuốc lá thì vài yếu tố khác như: nhiễm tia xạ, hóa chất độc hại, vi khuẩn, vi rút, gen di truyền… cũng được cho là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi.
Để phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm ung thư phổi, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng khuyến cáo, mọi người cần hình thành thói quen đi thăm khám sức khỏe định kỳ. Không chỉ ung thư, bất kỳ bệnh nào nếu phát hiện sớm thì cơ hội điều trị sẽ thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, cần để ý đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống để giảm thiểu tình trạng mắc bệnh hiểm nghèo. Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế những thực phẩm gây độc hại cho cơ thể, các sản phẩm hóa học, mỹ phẩm, dược phẩm…
Tránh tình trạng cơ thể bị tăng cân, béo phì. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, tập thể dục đều đặn, tránh xa rượu và thuốc lá. Những điều cơ bản và đơn giản này có thể giúp loại bỏ được từ 30% đến 40% nguy cơ gây ung thư.
Đặc biệt, cần tránh xa môi trường khói thuốc. Nếu còn sống chung với khói thuốc lá, khói thuốc lào thì việc phòng tránh bệnh ung thư phổi sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Vậy nên, hãy dừng ngay việc hút thuốc và khuyến khích những người sống xung quanh nên bỏ thuốc lá, thuốc lào.