Câu chuyện trao nhầm con suốt 42 năm của gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi, trú quận Ba Đình, TP. Hà Nội) đã nhận được sự quan tâm lớn trong dư luận. Trên nhiều diễn đàn, một số bà mẹ đã khá băn khoăn. Để giải tỏa lo lắng này, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã trực tiếp đến gặp bác sĩ Nguyễn Duy Ánh – GĐ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được nghe về quy trình quản lý sau sinh cực kỳ nghiêm ngặt tại bệnh viện.

Sản phụ và trẻ em được đeo thẻ trùng nhau đến khi ra viện.
Các mẹ mách nhau phương pháp để “đánh dấu” con
Sau sự việc của gia đình bà Hạnh, nhiều giả thiết đã được đặt ra. Trên một số diễn đàn, những người quan tâm cho rằng có thể do các nhân viên thời đó tắm mặc nhầm đồ bé này sang bé khác, đeo nhầm số, mực viết trên tay, chân bị mờ hoặc người nhà sản phụ bế nhầm con người khác nhưng không nhớ...
Chia sẻ kinh nghiệm để tránh rơi vào tình huống nói trên, một số mẹ đã gợi ý cách đánh dấu em bé mới sinh. Chẳng hạn, chị Nguyễn Thùy Oanh (quê Hà Tĩnh) cho biết: “Mình mang bút lông đánh dấu vào lòng bàn chân, đặt in con dấu khắc tên bé và chấm vào đùi. Ông xã mình thì cẩn thận đeo sẵn vòng tự thiết kế riêng cho con”. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Lan (29 tuổi, trú Q. Thủ Đức, TP. HCM) thì nói: “Mình không lo ngại lắm, vì các bệnh viện đều có quy trình trao con nghiêm ngặt, xác suất xảy ra nhầm lẫn gần như không thể. Nhưng để chắc ăn, sắp tới khi sinh con, mình vẫn chuẩn bị trước một cái vòng đặc trưng để đánh dấu. Hơn thế, mình cũng sẽ trực tiếp đến bệnh viện Phụ sản để nhờ bác sĩ tư vấn”.
Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trả lời câu hỏi của PV báo GĐ&XH Cuối tuần, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện cũng tiết lộ quy trình quản lí sau khi sinh hiện đại và rất khó có chuyện nhầm lẫn trẻ sơ sinh. Ông Ánh cho biết: “Ngày nay, với những tiến bộ trong quản lý bệnh viện, với những quy định về an toàn trẻ sơ sinh tại bệnh viện được siết chặt, tôi cho rằng việc trao nhầm con trong bệnh viện là khó có thể xảy ra”.
Cũng theo như ông Ánh cho biết thì tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã ban hành quy định an toàn trẻ sơ sinh tại bệnh viện năm 2016. Quy định này bao gồm 12 điểm quy định chung, rất chặt chẽ, cụ thể ở từng khâu. Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải thực hiện đúng quy trình giao nhận trẻ và công tác quản lý nhằm phát hiện sớm nhất các sự cố liên quan đến trẻ như nhầm giới tính, nhầm số con, trả nhầm con, cho xem nhầm con, ghi sai chứng minh tên mẹ, tên con…
Cũng theo như bác sĩ Ánh thì ngay khi có dấu hiệu chuyển dạ, thai phụ và người nhà sẽ đến viện làm thủ tục tại phòng khám. Nhân viên bệnh viện sẽ nhập tất cả thông tin của sản phụ vào máy tính, mỗi người sẽ có một mã số, bệnh án khác nhau. Từ đó, sản phụ được chuyển đến phòng đẻ thường hoặc đẻ mổ tùy theo sức khỏe của mỗi người. Trong trường hợp bắt buộc phải mổ để lấy con thì sản phụ sẽ được gây tê tủy sống nên hoàn toàn tỉnh táo. Sau khi em bé ra đời, mẹ con sẽ thực hiện kỹ thuật da kề da. Y tá sẽ đưa con để mẹ nhận diện giới tính, hình hài. Hai dây số giống hệt nhau đồng thời được các y tá đeo cho mẹ và bé. Đối với trường hợp sinh thường, bé khỏe thì ngay sau khi sinh, sẽ được giao trực tiếp cho mẹ, nằm ngay cạnh mẹ trên giường sinh, đồng thời bộ số giống nhau của mẹ và bé cũng được đeo vào tay sản phụ và trẻ sơ sinh.
Trao đổi với người viết, Điều dưỡng trưởng Trương Thị Mỹ Hà (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết: “Khi một sản phụ sau khi sinh con, cán bộ y tế bệnh viện sẽ công khai và đeo số cho mẹ và con theo từng cặp số ngay tại bàn đỡ đẻ, bàn đón mổ. Việc thực hiện đeo số, kiểm tra để đánh dấu trẻ và ghi vào hồ sơ bệnh án phải do một người thực hiện (tại khu vực đón mổ). Người đỡ đẻ sẽ đọc to giờ sinh, công khai giới tính trẻ cho sản phụ. Người làm hồ sơ bệnh án có trách nhiệm nhìn, kiểm tra lại giới tính, số mẹ con trước khi đánh dấu vào hồ sơ bệnh án. Người thông báo đẻ cho xem con có trách nhiệm kiểm tra lại giới tính, số mẹ con khớp với hồ sơ bệnh án. Bên cạnh đó, để đảm bảo đúng quy trình một lần nữa bệnh viện cũng lập sổ giao nhận trẻ sơ sinh cụ thể giữa cán bộ y tế với sản phụ hoặc gia đình trong trường hợp trẻ đang nằm cùng mẹ nhưng phải chuyển ra khỏi khoa. Nếu người mẹ trong tình trạng cấp cứu nhưng không có người nhà thì sẽ có sản phụ nằm cạnh cùng xác nhận.
Các quy định của bệnh viện cũng chú trọng nhất là bệnh viện chỉ trao trẻ cho bà mẹ tại giường bệnh mà không giao cho bất kỳ ai. Khi giao trẻ cho mẹ, người giao phải có trách nhiệm đối chiếu số mẹ con trùng khớp nhau, kiểm tra thêm giới tính của trẻ… Bên cạnh đó, điều dưỡng Hà còn lưu ý tuyệt đối sản phụ và người nhà không được tự động bế trẻ ra khỏi khoa phòng, ra khỏi bệnh viện mà không thông báo và không có sự kiểm soát của bệnh viện. Bảo vệ bệnh viện sẽ có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các trường hợp ra viện, vào viện của sản phụ hoặc người nhà có kèm theo trẻ sơ sinh. Bà Hà cho rằng, việc người nhà tuân thủ quy định sẽ góp phần tránh được những sự việc không mong muốn.
Theo Điều dưỡng trưởng Trương Thị Mỹ Hà: “Khi đến bệnh viện sinh con, sản phụ người nhà sản phụ phải đọc thông báo về an toàn cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện được niêm yết ở các khoa. Sản phụ phải luôn luôn đeo số cho trẻ trùng với số đeo của mẹ. Trước khi đón con, giao con từ nhân viên y tế phải kiểm tra số mẹ và con, cung cấp thông tin về mẹ cho chính xác. Đặc biệt, phải kiểm tra thẻ viên chức và tên cán bộ y tế có nhiệm vụ đón trẻ. Tuyệt đối không giao trẻ cho những người không phải là cán bộ y tế của bệnh viện và không đeo thẻ viên chức của bệnh viện Khi có nghi ngờ không an toàn về việc giao nhận trẻ phải báo cáo ngay cho bệnh viện”.