Vừa qua, nhiều báo quốc tế trích lại lời ông Zhan Qingyuan, Giám đốc phòng ngừa và điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Hữu Nghị Trung Quốc – Nhật Bản, rằng người từng nhiễm Covid-19 dù đã hồi phục tốt vẫn có thể không miễn dịch quá lâu với virus.
Tờ Bussiness Insider trích dẫn: "Kháng thể được tạo ra, tuy nhiên ở một số người, nó không thể tồn tại lâu".
Sau đó, các tờ báo Trung Quốc đăng tin một bệnh nhân ở Vũ Hán sau khi được cho là khỏi bệnh đã có kết quả dương tính trở lại với Covid-19, làm thổi bùng lên lời đồn rằng virus này "tái nhiễm" hoặc "tự dương tính trở lại".
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), khẳng định sự việc này đã bị hiểu sai. Chân tướng của sự việc có thể rơi vào 1 trong 3 tình huống sau, mà ở Việt Nam, với cách điều trị hiện tại, chắc chắn không gặp phải:
1. Bệnh nhân ở Vũ Hán xuất viện quá sớm
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, y tế ở Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán đang rất quá tải do số ca nhiễm quá lớn. Vì vậy, bệnh nhân có thể đã được xuất viện sớm khi hết các triệu chứng hô hấp (ho, sốt, khó thở…).
Hết triệu chứng chưa hẳn hết virus, tuy nhiên thường khi bệnh nhân hồi phục thì lượng virus giảm thấp dần, khả năng lây thấp rồi gần như không thể lây dù còn dương tính, điều này không lạ, ở các bệnh như sởi, thủy đậu… cũng gặp, nên dù bệnh nhân có vẻ khỏe rồi vẫn được yêu cầu cách ly.
Ở Việt Nam, không cần lo nguy cơ này bởi bệnh nhân hết ho, sốt từ lâu, thậm chí có người chỉ ho nhẹ một ngày rồi thôi vẫn phải nằm viện nhiều ngày rồi cho chắc chắn hết hẳn rồi mới được xét nghiệm.
Tiêu chuẩn của chúng ta là xét nghiệm cho kết quả âm tính 2 lần liên tiếp, cách nhau một vài ngày, rồi mới xem xét xuất viện. Vì vậy, tất cả bệnh nhân ở Việt Nam khi xuất viện đều đã chắc chắn sạch virus. Vì xét nghiệm này có sai số cực kỳ hiếm, lại được làm nhiều lần trên mỗi bệnh nhân nên cũng không lo âm tính giả.
2. Chưa có triệu chứng đã vội xét nghiệm
Bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích rằng khi mới nhiễm, virus mới nằm trong máu, chưa lên đến đường hô hấp trên, bệnh nhân chưa ho, sốt mà mới ủ bệnh thì dịch phết họng chưa có virus, lúc đó đã vội đi xét nghiệm thì sẽ âm tính. Sau đó, phát bệnh xét nghiệm lại thấy dương tính.
Ở Việt Nam không có chuyện đó. Tất cả bệnh nhân nghi nhiễm (từ Trung Quốc về, có tiếp xúc với người bệnh) mà chưa phát bệnh đều phải cách ly 14 ngày, khi nào phát bệnh mới xét nghiệm, lúc đó kết quả chắc chắn chính xác.
Ví dụ mẹ cháu bé 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc, cho dù kết quả đến giờ chị vẫn âm tính nhưng đang phải chịu cách ly 14 ngày, chính là để tránh trường hợp xét nghiệm quá sớm cho kết quả chưa chính xác mà Trung Quốc có thể đã gặp phải.
3. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch tiếp tục tiếp xúc nguồn bệnh khác
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chưa hề có bằng chứng cho thấy virus corona mới này tạo ra kháng thể giúp chúng ta suốt đời không bị lại hay không, hay giúp miễn nhiễm được bao lâu. Do đó, khả năng mùa này bị rồi 1-2 năm sau có đợt dịch mới bị lại là có.
Điều này rất bình thường. Có những bệnh bị một lần miễn dịch suốt đời như sởi, thủy đậu. Có những bệnh bị nhiều lần vì kháng thể chỉ đủ bảo vệ một vài mùa như tay chân miệng, cúm, thương hàn…
Kháng thể bảo vệ chúng ta được bao lâu tùy cơ địa. Vì vậy, năm sau có dịch nữa thì người từng nhiễm Covid-19 vẫn phải phòng bệnh kỹ càng, không thể chủ quan là mình có kháng thể.
Có tình huống hiếm gặp đó là bệnh nhân bị nhiễm bệnh trở lại ngay trong mùa. Điều này sẽ gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nặng, thường do các bệnh lý khác, ví dụ HIV. Hệ miễn dịch quá yếu không giúp họ tạo ra đủ kháng thể để bảo vệ họ trong phần còn lại của mùa bệnh.
Tình huống này Việt Nam cũng không lo vì tất cả các bệnh nhân đều đã được kiểm tra kỹ càng sức khỏe tổng thể và các bệnh nền khác trong quá trình điều trị.