Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu người bị co giật, động kinh chính xác nhất

Việc bế cháu bé chạy và cho tay vào miệng cháu bé là hoàn toàn sai khi cấp cứu nạn nhân bị co giật, động kinh.

Các chiến sĩ cảnh sát cơ động trên sân Thiên Trường giúp một cháu bé bị co giật đi cấp cứu.
Các chiến sĩ cảnh sát cơ động trên sân Thiên Trường giúp một cháu bé bị co giật đi cấp cứu.

Tối qua 4/8, sau trận đấu giữa CLB Dược Nam Hà Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai kết thúc, hình ảnh chiến sĩ cảnh sát cơ động trên sân Thiên Trường giúp một cháu bé bị co giật đi cấp cứu được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Theo đó, một chiến sĩ cảnh sát cơ động trên tay bế cháu nhỏ chạy nhanh ra khỏi đám đông để đưa đến nơi cấp cứu, bên cạnh đó là một chiến sĩ cảnh sát cơ động khác chấp nhận chịu đau đưa tay vào cho cháu bé cắn, theo nhận định của nhiều người việc làm này để tránh cháu bé cắn phải lưỡi.

Ngay sau khi xuất hiện, mọi người đều nhận xét đây là hình ảnh vô cùng đẹp về người chiến sĩ cảnh sát nhân dân.

Tuy nhiên, đứng về phương diện y học, các bác sĩ đều cho rằng việc làm trên là cấp cứu sai cách, đặc biệt là việc cho tay vào miệng cháu bé và bế cháu bé chạy đi cấp cứu.

Chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân, bác sĩ Ngô Hùng (khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: “Đây là một hình ảnh đẹp, đem lại hiệu quả về mặt truyền thông rất tốt về các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Nhưng, nó cũng cho thấy rằng kiến thức sơ cấp cứu của những người làm việc tại nơi công cộng đang bị hổng rất nhiều”.

Theo bác sĩ Ngô Hùng, trong tình trạng động kinh, nguy cơ cắn phải lưỡi rất ít, vì khi co giật cơ sẽ co cứng lại và tăng trương lực. Như vậy lưỡi sẽ tụt xuống chứ không lè ra để có thể cắn phải. Điều đáng sợ nhất là tụt lưỡi gây ngạt và sặc đờm dãi vào phổi gây viêm phổi do nuốt. 

Bác sĩ Hùng cũng cảnh báo, khi cho bất kể dị vật nào vào miệng người bị động kinh, co giật sẽ rất dễ xảy ra nguy cơ đẩy dị vật vào sâu hơn và gây ngạt.

Còn trong trường hợp co giật mạnh sẽ làm gây răng nạn nhân. Đó là chưa kể nếu trực tiếp cho tay vào miệng nạn nhân bị co giật, động kinh khi bị cắn dễ gây chấn thương và dễ bị nhiễm trùng.

Cùng quan điểm trên, bác sĩ Vũ Tưởng Lân, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, trong trường hợp trên tuyệt đối không dùng tay, ngón tay đưa vào trong miệng người đang lên cơn co giật để cố định lưỡi.

Vị bác sĩ này chia sẻ, lực cắn của con người khoảng từ 150 đến 200 PSI (pound per square inch - chỉ số đo áp suất), gần bằng 105.000-140.000 kg (lực)/m2. Do đó, dùng tay để cạy miệng nạn nhân trong khi họ đang co giật có thể khiến người cho tay vào bị cắn, thậm chí bị nghiến đứt gân ngón tay nguy hiểm cho cả người bệnh lẫn người sơ cứu.

Việc nên khi gặp trường hợp co giật, động kinh:

1. Giữ tâm trạng bình tĩnh và yêu cầu người xung quanh bình tĩnh, lùi ra phía sau.

2. Nhẹ nhàng đỡ lưng người đang bị co giật nằm xuống một mặt phẳng an toàn như sàn nhà hoặc miếng nệm. Không nên để nằm trên giường vì có thể bị té.

3. Xoay lưng người đang co giật, để họ nằm nghiêng một bên, hành động này giúp họ dễ thở hơn, tránh bị sặc các chất nôn.

4. Kê một cái gối mềm dưới đầu, hoặc có gì dùng đó, như gấp mền nhỏ, áo khoác... đều được.

5. Nhanh chóng thu dọn vật cứng, sắc nhọn, dễ cháy... để tránh chấn thương cho người sơ cứu và người co giật.

6. Xem trên người của người đang bị co giật có gì nguy hiểm không, ví dụ như mắt kính, nới lỏng cà ra vát, khuy áo sơ mi... Nếu có dây nhợ gì trên cổ, trên người nên tháo ra đề phòng thắt, ngạt.

7. Theo dõi và ghi nhận những gì đang xảy ra (co giật một bên hay hai bên, tay hay chân hay cả hai, có trợn mắt, gồng người hay không, có bị tiểu ướt quần hay không...) để bạn có thể kể lại với bác sĩ hoặc với người co giật sau này.

8. Xem đồng hồ, tính thời gian cơn co giật (điều này rất quan trọng), nếu cơn co giật quá 5 phút phải gọi cấp cứu.

Việc không nên làm khi gặp người co giật, động kinh:

1. Không cố gắng đè lên người co giật hoặc cố gắng làm bất kỳ điều gì để dừng cơn co giật, điều này là vô ích.

2. Không cho bất kỳ vật gì, chất gì vào miệng người co giật, kể cả tay của bạn.

3. Không hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân vì người đang co giật vẫn tự thở được.

4. Không cho người co giật vào bồn tắm vì có thể gây ngạt, sặc nước thêm.

Theo Khám phá

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.