Bác sĩ chia sẻ điều quan trọng nhất giúp F0 điều trị tại nhà dễ dàng chiến thắng Covid-19

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều bệnh nhân F0 ở TP Hồ Chí Minh được điều trị tại nhà có sự hướng dẫn của bác sĩ. Vậy bệnh nhân F0 và người nhà cần nắm rõ những gì để sớm hồi phục, hạn chế lây nhiễm?

Bệnh nhân điều trị tại nhà sẽ có sự hỗ trợ của bác sĩ. Ảnh tư liệu.
Bệnh nhân điều trị tại nhà sẽ có sự hỗ trợ của bác sĩ. Ảnh tư liệu.

80% bệnh nhân mắ Covid-19 có thể tự khỏi

Dường như khi phát hiện bản thân mắc Covid-19 hoặc người thân trong gia đình mắc Covid-19 nhiều người có tâm lý hoang mang, lo lắng thậm chí hoảng loạn. Tuy nhiên ít ai để ý rằng, 80% người mắc Covid-19 có thể tự khỏi.

Dưới đây là những chia sẻ mà bác sĩ Trần Thị Tâm – nguyên bác sĩ Đa khoa bệnh viện Nhà Bè, hiện nay là tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà ở  TP Hồ Chí Minh với Báo Giáo dục và Thời đại:

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, 80% người mắc Covid-19 có thể tự khỏi. Bởi vậy người nhà của bạn có thể nằm trong 80% đó, nếu bạn càng bình tĩnh thì người nhà của mình sẽ được chăm sóc, hỗ trợ tốt, rút ngắn được thời gian điều trị và bình phục.

Yếu tố đầu tiên điều quyết định lớn nhất đối với những người mắc Covid-19 cũng như những gia đình có người mắc Covid-19 đó là tinh thần. Trước hết cần bình tĩnh, không nên hoảng loạn, bạn mới có thể xử lý những tình huống xảy ra.

Đồng thời bạn cũng lưu ý, khi có người nhà mắc Covid-19, bạn cũng cần làm ngay các việc như: Cách ly ngay bệnh nhân.

Tại phòng cách ly bệnh nhân luôn luôn phải sạch sẽ, thoáng mát, có nhà vệ sinh khép kín.

Tiếp đến, người nhà bắt đầu thực hiện việc khử khuẩn nơi mình sống theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo dõi sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đề phòng có người tiếp theo dương tính với Covid-19 để có phương án xử lý.

Đồng thời, lúc này người nhà cũng cần chuẩn bị các kỹ năng để hỗ trợ bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại nhà. Đối với những F0, nếu trường hợp bệnh nhân khó thở, cần giúp đỡ, hỗ trợ bệnh nhân tập thở để kéo dài thời gian trong lúc chờ y bác sĩ đến cấp cứu.

Lúc này, người nhà cũng chính là người tư vấn, chỗ dựa tin thần, động viên và tạo động lực cho bệnh nhân F0 chiến thắng. Chia sẻ những thông tin thực tế, thông cảm thấu hiểu những lo lắng của bệnh nhân để bệnh nhân không bị bi quan.

Nên cử một người chăm sóc F0

Gia đình cần thống nhất với nhau, cử ra một người phù hợp để chăm sóc bệnh nhân.

Người phục vụ khi chăm sóc cần thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, đeo khẩu trang, găng tay, mặc đồ bảo hộ, đeo kính chống giọt bắn.

Cần chuẩn bị khẩu trang, găng tay y tế đủ dùng cho 2 đến 3 tuần, nhiệt kế, thùng rác có nắp đậy. Lưu ý, cần chuẩn bị sẵn nhiều túi đựng rác, nếu phòng dùng quạt phải đứng trên hướng gió.

Sau khi chăm sóc người bệnh xong, người chăm sóc cần sát khuẩn tay, thay khẩu trang, thay quần áo, sát khuẩn kính chống bắn cần để đảm bảo an toàn cho bản thân và những thành viên khác trong gia đình.

Lưu ý, tuyệt đối không được chạm vào mặt trước của khẩu trang, sau khi tháo phải bỏ ngay vào thùng rác có nắp đậy.

Người chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân lúc này đóng vai trò như một y tá, hằng ngày phải thực hiện đúng các y lệnh của bác sĩ hướng dẫn, bên cạnh đó phải có một tình yêu thương với bệnh nhân, luôn lắng nghe, thấu hiểu.

Đồng thời, cần nhắc nhở các thành viên khác trong gia đình có tâm lý thoải mái, tuân thủ các quy định của Bộ Y tế. Ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng, thể dục thường xuyên tránh dùng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê, sống lành mạnh, nghỉ ngơi điều độ.

Đối với việc xử lý rác thải

Nên căn thời gian thu gom rác trong gia đình với thu gom rác trong phòng bệnh nhân.  

Đối với việc thu gom rác trong phòng bệnh nhân, cần buộc miệng túi thật kỹ, xịt khuẩn xịt lên miệng túi.

Lưu ý, người thu gom rác cần đeo găng tay, khẩu trang và dùng thêm một túi sạch khác bỏ túi rác vừa được xịt khuẩn vào buộc lại và tiếp tục dùng xịt khuẩn xịt lên túi mới cầm ra ngoài để mang đi xử lý. Như vậy sẽ bảo vệ được người nhà và người thu gom rác, không phát tán mầm bệnh ra ngoài.

Bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được phát thuốc. Ảnh LDO.

Bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được phát thuốc. Ảnh LDO.

Xử lý quần áo

Đối với những bệnh nhân nhẹ, hằng ngày sau khi thay quần áo thì cố gắng ngâm vào dung dịch nước Javen 5% ngâm 15 phút, sau đó mới giặt.

Khi giặt xong, dùng bình xịt khử khuẩn xịt lên quần áo rồi mới đưa cho người nhà đi phơi dưới ánh nắng mặt trời.

Lưu ý, khi đưa quần áo bệnh nhận đi phơi thì phải đeo khẩu trang, găng tay cẩn thận.

Bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại nhà cần lưu ý

Những người mắc Covid-19 cũng cần phải hết sức bình tĩnh, tự trấn an bản thân, có suy nghĩ lạc quan, kiên cường, tự tin để tạo động lực cho người nhà tin tưởng vào khả năng điều trị tại nhà.

Luôn luôn tăng cường sức khỏe thể chất, ăn uống đầy đủ chất, rèn luyện thể dục, không sử dụng các chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá, cà phê.

Hằng ngày phải súc miệng bằng nước muối sinh lý từ 4-5 lần (Lưu ý, sau khi súc miệng, phải vệ sinh bồn cầu bằng cách xả nước nhiều lần, sau đó dùng bình xịt khuẩn để không cho virut bám lại bồn cầu).

Kiểm tra thân nhiệt thường xuyên. Lưu ý, có diễn biến gì bất thường cần gọi cho bác sĩ, hoặc nói với người nhà để có phương án. Đặc biệt, cần lưu lại số điện thoại, đơn thuốc của bác sĩ khi cần có thể gọi trợ giúp.

Tuân thủ các phác độ điều trị của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ, không suy nghĩ tiêu cực, bỏ ăn, chán nản ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.