Bắc Ninh: Triển khai hiệu quả mô hình lớp học “2 trong 1”

GD&TĐ - Ngày 16/12, Đoàn công tác Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021- 2022 và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 tại Bắc Ninh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi kiểm tra.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi kiểm tra.

Cùng tham gia với Đoàn có lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).

Về phía Bắc Ninh có ông Nguyễn Hạnh Chung – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Thế Sơn – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương và Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố...

Linh hoạt dạy và học

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Thế Sơn – Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở GD&ĐT đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành là: “Đảm bảo an toàn trường học; tiếp tục đổi mới, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục”. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngành Giáo dục Bắc Ninh cũng chủ động xây dựng kế hoạch, các kịch bản, giải pháp phù hợp ứng phó với các tình huống dịch; xây dựng và duy trì tổ an toàn Covid  trường học; phối hợp với cơ quan y tế ở địa phương thực hiện truy vết, cách ly các ca mắc, ca tiếp xúc,... đảm bảo an toàn trường học, linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương.

Ngành Giáo dục cũng phối hợp với cơ quan Y tế tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Với phương châm “Dừng đến trường nhưng không ngừng học”, Sở GD&ĐT đã xác định rõ khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội để đội ngũ CBQL, giáo viên tiếp cận và tăng cường sử dụng CNTT trong công tác quản lý và dạy học.

Năm học 2021-2022, Bắc Ninh có 503 trường học từ cấp mầm non đến THPT; 8 trung tâm GDTX, GDNN-GDTX; 1 Trường Cao đẳng
Sư phạm với tổng số 356.371 trẻ, học sinh, học viên và sinh viên các cấp học.

Căn cứ hướng dẫn về công tác phòng chống, dịch của các cấp, Sở GDĐT đã chủ động, thích ứng linh hoạt với từng cấp độ dịch để chỉ đạo tổ chức các hình thức dạy học và hoạt động giáo dục phù hợp cho từng đối tượng, từng địa phương, đơn vị.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo nhà trường rà soát, nâng cấp hạ tầng kĩ thuật, đường truyền internet, các điều kiện học tập của học sinh; mua sắm các thiết bị cần thiết để tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả.

Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn phát biểu.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn phát biểu.

Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh cũng cho biết, các trường học cũng linh hoạt trong dạy và học. Đơn cử, vừa trực tiếp cho học sinh trên lớp vừa trực tuyến cho học sinh đang phải cách ly, liên quan đến dịch Covid-19.

Về chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT chỉ đạo đến các nhà trường tích cực tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên về triển khai Chương trình GDPT 2018 và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, phương pháp, kĩ thuật dạy học trực tuyến.

Cùng với đó, chỉ đạo sinh hoạt chuyên môn, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; duy trì hiệu quả tổ giáo viên cốt cán hỗ trợ giáo viên.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được triển khai, tạo sự lan tỏa, đồng hành của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhằm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn các thiết bị học tập trực tuyến như: máy tính bảng, máy tính bàn, thiết bị, mạng internet,...

Bắc Ninh cũng chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên triển khai thực hiện CT GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, thành lập và duy trì tốt tổ giáo viên cốt cán các cấp để tư vấn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.

Triển khai chương trình GDPT 2018

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, ông Trần Quốc Hoàn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lương Tài cho biết, triển khai thực hiện CT GDPT 2018, Phòng đã chỉ đạo các trường TH, THCS, rà soát, lựa chọn đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo chuẩn, có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. 

Qua đó, đáp ứng được CT GDPT 2018 để bố trí dạy học lớp 1, lớp 2, lớp 6 và chuẩn bị cho thay sách giáo khoa lớp 3 và lớp 7 năm học 2022 -2023.

Vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa phòng chống dịch Covid-19, thầy Phùng Đức Ngọc -  Hiệu trưởng Trường THCS Bình Định cho biết, triển khai CT GDPT 2018, đội ngũ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh đón nhận với tâm thế háo hức có lo lăng.

Học tập nhóm tại giờ học môn Khoa học tự nhiên của lớp 6 trường THCS Thị trấn Thứa (huyện Lương Tài).
Học tập nhóm tại giờ học môn Khoa học tự nhiên của lớp 6 trường THCS Thị trấn Thứa (huyện Lương Tài).

“Háo hức vì chương trình mới được ấp ủ rất lâu và cần thiết  trong thời kỳ đổi mới. Lo lắng là thực hiện thế nào để đảm bảo được yêu cầu, mục tiêu của chương trình. Tuy nhiên, bắt tay vào triển khai mọi lo lắng dần được giải tỏa…”, thầy Ngọc chia sẻ.

Để thực hiện, đội ngũ nhà giáo cần chuẩn bị tốt về tư tưởng, ý chí và sự quyết tâm đón nhận Chương trình một tâm thế tốt nhất. Thực hiện tốt việc tập huấn các Modul theo chương trình bồi dưỡng ETEP cùng các hệ thống văn bản chỉ đạo được trang bị đầy đủ, cụ thể, chi tiết.

Bên cạnh đó là sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ từ chính quyền địa phương và ngành Giáo dục.

“Chương trình chú trọng đến mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất (5 phẩm chất, 10 năng lực). Chương trình, hướng dạy chữ song song dạy người. Dạy con người mới năng động, con người mới của thời đại khoa học 4, nhưng con người mới ấy có phẩm chất cốt lõi truyền thống và bản sắc.

Qua mỗi trang sách trò học và thẩy cô dạy, đội ngũ quản lý của chúng tôi đã cảm nhận được một cách sâu sắc mục tiêu của chương trình mới đang thực hiện…”, thầy Ngọc nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (bên trái) và Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh Trịnh Khôi dự giờ tại Trường THCS Thị trấn Thứa.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (bên trái) và Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh Trịnh Khôi dự giờ tại Trường THCS Thị trấn Thứa.

Cô Nguyễn Thị Hương – Hiệu trưởng trường THCS Hàn Thuyên (Lương Tài) cho biết, Chương trình GDPT mới có sự đổi mới nhiều nội dung, học sinh được ứng dụng thực tế nhiều hơn.

“Các kiến thức được đưa vào gắn với thực tiễn đời sống. Nội dung các bài học ứng với việc thực hành và rèn kĩ năng tư duy cho học sinh. Học sinh có thể hoạt động đa dạng không còn sự thụ động trong quá trình tiếp thu bài giảng như trước đây nữa…”, cô Hương chia sẻ.

Theo cô Hương triển khai Chương trình GDPT, cùng với vai trò của người đứng đầu thì các giáo viên cốt cán phải được tập huấn đầy đủ về chương trình, sách giáo khoa mới để từ đó triển khai tốt chương trình.

Chủ động trong triển khai CT GDPT mới

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận sự linh hoạt, chủ động của ngành Giáo dục tỉnh Bắc Ninh khi thực hiện nhiệm vụ kép và triển khai CT GDPT 2018.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kết luận buổi kiểm tra.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kết luận buổi kiểm tra.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao việc tổ chức các phương án dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đặc biệt mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến lớp học “2 trong 1”.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị ngành Giáo dục Bắc Ninh tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, kết hợp đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của CBQL, đội ngũ giáo viên về CT GDPT 2018.

Theo đó, mỗi thầy cô cần nắm chắc những khác biệt giữa Chương trình hiện hành và Chương trình GDPT 2018, giảng dạy gắn với thực tiễn để nâng cao năng lực phẩm chất cho học sinh.

Nhà trường cần chuyển từ đào tạo số lượng sang chú trọng chất lượng. Trong đó, mục tiêu chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, kết hợp với hai mục tiêu quan trọng khác là an toàn về phòng dịch và hoàn thành mục tiêu chương trình.

Để chuẩn bị tốt cho CT GDPT 2018 trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị cán bộ quản lý, giáo viên tăng cường rà soát, đề xuất lên Phòng, Sở tuyển chọn, bố trí giáo viên.

Tiếp tục bổ trợ học sinh lớp 5 lên lớp 6, lớp 9 lên lớp 10 và chuyển giao sách giáo khoa lớp 6 về các cơ sở giáo dục tiểu học để thầy cô nắm bắt. Bắc Ninh tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ GV đáp ứng chuẩn yêu cầu đào tạo.

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố cần thành lập một tổ công tác hỗ trợ các trưởng trong triển khai CT GDPT 2018. Chủ động dự báo, xây dựng mạng lưới trường học đảm bảo điều kiện nhu cầu họp tập. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị tỉnh Bắc Ninh có thể chọn 1 năm là năm giáo dục để tạo sự đột phá, phát triển hơn nữa trong GD&ĐT.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ mong muốn ngành Giáo dục tiếp tục tạo động lực tốt nhất, tạo văn hóa học đường, môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo để giáo viên hoàn thành công việc. Đổi mới công tác quản trị trường học, phân biệt quản lý nhà nước và quản trị nhà trường.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, ngành Giáo dục Bắc Ninh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT để ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022 và thuận lợi triển khai CT GDPT 2018.

Sáng cùng ngày (16/12) Đoàn công tác Bộ GD&ĐT đã dự giờ tiết dạy môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Thị trấn Thứa và thăm Trường THCS Hàn Thuyên (huyện Lương Tài). Đồng thời, làm việc với huyện Lương Tài và Phòng GD&ĐT huyện Lương Tài về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021- 2022 và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.