Bắc Ninh nêu tiêu chí chọn sách giáo khoa cho năm học 2024 - 2025

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sách giáo khoa năm học 2024 - 2025 tuân thủ theo Thông tư của Bộ GD&ĐT, đồng thời phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội, dạy và học ở Bắc Ninh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ký Quyết định số 53 ban hành tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2024 - 2025.

Theo Quyết định, việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từ năm học 2024 - 2025 phải tuân thủ nguyên tắc và quy định tại Thông tư số 27 (ngày 28/12/2023) của Bộ GD&ĐT.

Đồng thời đảm bảo các tiêu chí gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông; các yếu tố đi kèm với SGK đảm bảo chất lượng dạy và học.

Trong đó, đối với tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, nội dung sách giáo khoa SGK phải đảm bảo tính phát triển, ngôn ngữ và cách thức thể hiện gần gũi với học sinh, phù hợp với văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý của tỉnh Bắc Ninh.

Nội dung và cấu trúc SGK đảm bảo tính mở, linh hoạt, có thể điều chỉnh để phù hợp với khả năng nhận thức và năng lực học tập của học sinh tại địa phương; đồng thời, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Về tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông, SGK được trình bày cân đối, hấp dẫn, gây hứng thú cho học sinh. Kênh chữ và kênh hình có chọn lọc, đảm bảo tính chính xác, khoa học và giáo dục. Nội dung các bài học thiết thực, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực, phù hợp với khả năng nhận thức và tâm lí học sinh.

Ngoài ra, thiết kế bài học/chủ đề trong SGK giúp giáo viên linh hoạt lựa chọn phương án, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương. Các nội dung, chủ đề trong SGK có kiến thức phong phú, giúp giáo viên gắn kết nội dung bài học với thực tiễn, đảm bảo mục tiêu dạy học; áp dụng nhiều hình thức và phương pháp đánh giá học sinh.

Công tác tập huấn, hỗ trợ đội ngũ giáo viên sử dụng SGK đảm bảo thời gian, chất lượng và hiệu quả. Nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung cho SGK tương thích, chính xác, đa dạng và hữu ích, công tác phát hành SGK thuận lợi, đầy đủ và kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ