Thời gian qua, dư luận sửng sốt khi chứng kiến hàng loạt trường hợp tại Quảng Nam thừa nhận đã trải qua nhiều năm không hề ngủ. Bắt đầu từ ông Thái Ngọc, với 40 năm thức trắng; đến một bà lão không ngủ suốt 30 năm.
Và giờ đây, PV báo GĐ&XH Cuối tuần lại ghi nhận về một trường hợp cũng trải qua quãng thời gian “thức đếm thời gian” đằng đẵng gần 20 năm. Người phụ này có hoàn cảnh hết sức bi đát và nguyên nhân khiến bà gia nhập “đội quân không ngủ” cũng cực kỳ đặc biệt.
20 năm, ngày cũng như đêm
Y văn ghi nhận nhiều trường hợp thức trắng vài chục năm
Trên các phương tiện thông tin đại chúng từng ghi nhận rất nhiều trường hợp mất ngủ vài chục năm, như trường hợp ông Thái Ngọc ở Quảng Nam 41 năm không ngủ, bà Trần Thị Cảnh (47 tuổi) ở quốc lộ 1A, thị trấn Phú Long, tỉnh Bình Thuận trải qua 30 năm không ngủ, hay trường hợp ông Phạm Phú Ngà (60 tuổi) ở Thái Bình 45 năm không ngủ, bà Đinh Thị Anh (55 tuổi) trú tại thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam 30 năm thức trắng, và rất nhiều trường hợp khác nữa trên khắp cả nước đã được ghi nhận.
Cố gắng chạy chữa nhiều nơi, uống không biết bao nhiêu loại thuốc khác nhau nhưng suốt 20 năm qua, bà Trần Thị Bảy (75 tuổi), ngụ tại thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn không thể nào chợp mắt, dù chỉ là một giấc ngủ ngắn ngủi.
Bao nhiêu năm qua, bà Bảy chỉ có một niềm mơ ước nhỏ nhoi là có thể chợp mắt dù chỉ một vài phút nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Ước mong đó ngày càng trở nên xa vời hơn, khi giờ đây bà đã bước qua cái tuổi xưa này hiếm và sức khỏe càng ngày càng yếu đi. “Chẳng lẽ cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay, tôi vĩnh viễn sẽ không biết được giấc ngủ là gì hay sao?”, bà lão buồn bã nói.
Không quá khó khăn để tìm về ngôi nhà của bà Trần Thị Bảy- người phụ nữ mà tất cả người dân nơi đây đều gọi với cái tên “dị nhân” của làng. Mới đầu hỏi thăm, một người dân ở đầu thôn còn hỏi chúng tôi: “Có phải chú đến để bán thuốc cho bà Bảy ngủ không! Nghĩ mà thương cho bà ấy, mấy chục năm không ngủ được nên bây giờ cơ thể gầy mòn, đau ốm, bệnh tật liên miên. Ai trong làng cũng thương bà Bảy nhưng không biết làm sao giúp đỡ”.
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Lê Khánh Vang (SN 1971, con trai bà Bảy) cho biết: “Cha tôi vừa qua đời cách đây không lâu, mẹ tôi phải gánh chịu một cú sốc quá lớn. Thêm nữa, sau nhiều năm không ngủ, sức khỏe bà giảm sút đi nhiều.
Thời gian gần đây, mẹ tôi nhiều lần phải nhập viện điều trị vì những chứng bệnh khác nhau. Hiện tại, mẹ tôi đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam, nhìn chung bệnh tình cũng đã đỡ, có thể vài ngày nữa chúng tôi sẽ đón bà về”.
Được biết, gia đình bà Bảy đông con và tất cả đều đã lập gia đình và ra ở riêng, còn bà đang sống với vợ chồng anh Vang. Lúc còn trẻ, bà Bảy nổi tiếng là một người phụ nữ hiền lành, chăm chỉ. Tuy dáng người nhỏ nhắn, sức khỏe của bà hồi còn trẻ không có người nào sánh kịp.
Chồng bà đổ bệnh và mất sức lao động từ sớm, nên một mình bà gánh vác hết tất cả mọi công việc và lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Vậy nhưng, rất ít khi thấy bà đau ốm. Cho đến một ngày cách đây khoảng 20 năm, bà Bảy đột ngột đổ bệnh một thời gian dài. Gia đình hốt hoảng tìm đủ thầy, đủ thuốc mà bà chẳng khỏe lại. Đến khi tất cả tưởng sắp buông xuôi thì đột nhiên, bà lại gượng dậy được rồi dần dần khỏe lại.
Thời gian sau đó, bà Bảy lại ra đồng, quán xuyến việc nhà như thường. Chỉ khổ một nỗi, bà mất hẳn những cơn buồn ngủ. “Hồi đó, mẹ tôi có nói, không hiểu sao dạo này hay bị mất ngủ. Nghĩ là do bà quá sức, tôi không để ý cho lắm. Thời gian sau đó, tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn.
Làm việc quần quật cả ngày mệt nhọc đáng nhẽ tối đến đặt mình là ngủ nhưng mẹ tôi thì khác. Dù ban ngày có làm mệt tới đâu thì ban đêm bà vẫn thức trắng. Cứ như thế cho đến tận bây giờ đã 20 năm rồi, mẹ tôi chưa hề biết đến một giấc ngủ là gì”, anh Vang cho biết.
Anh Lê Khánh Vang (con trai bà Bảy) trò chuyện với người viết.
Ước mong chợp mắt trước khi nhắm mắt xuôi tay
Mỗi khi màn đêm buông xuống, khi tất cả mọi người chìm vào giấc ngủ thì đối với bà Bảy, đó là lúc bà bắt đầu sống trong một thế giới khác. Một thế giới mà bà chỉ biết làm bạn với tiếng ếch nhái và tiếng côn trùng kêu rỉ rả. Những lúc như vậy, bà lặng lẽ một mình tìm việc gì đó trong nhà làm cho đỡ buồn và cầu mong cho thời gian trôi qua thật nhanh.
Để không ảnh hưởng tới giấc ngủ của con cháu, bà cố gắng làm mọi công việc một cách nhẹ nhàng đến mức có thể. Ngày đầu tiên, khi cả nhà thức dậy thì thấy trên bàn một bữa cơm tinh tươm đã được dọn sẵn, nhà cửa được quét dọn sạch sẽ, ai nấy đều giật mình. Hỏi ra mới biết, tất cả đều do bà Bảy tranh thủ lúc nửa đêm, khi mọi người đang say giấ́c thì bà lo cơm nước cho cả nhà.
“Càng ngày tuổi mẹ tôi càng cao, lại thức trắng nhiều năm liền nên sức khỏe cũng không còn được như trước. Mỗi lần tỉnh dậy thấy cơm nước, nhà cửa sạch sẽ, tôi lại thương mẹ vô cùng. Sợ bà vất vả nên nhiều lần tôi bảo đừng làm nữa nhưng mẹ tôi nhất quyết không chịu.
Bà bảo, cứ để bà làm chứ nằm mà không ngủ được lại buồn tay, buồn chân khó chịu lắm. Tôi cũng không biết làm sao, nên mỗi chiều về lại cùng vợ con quét dọn nhà cửa để sáng ra mẹ đỡ phải làm. Vậy mà không làm việc này thì bà lại tìm việc khác làm. Có hôm khoảng 3h sáng, tôi đang ngủ giật mình tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng lục đục phía sau vườn. Bước ra xem thì thấy mẹ đang hì hục cuốc đất. Vậy là tôi lấy cuốc ra làm cùng cho bà đỡ buồn”, anh Vang tâm sự.
Lo lắng cho sức khỏe của mẹ, các con bà Bảy nhiều lần đưa bà đi khám tại Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM… nhưng đi đến nơi nào cũng không tìm ra được nguyên nhân. Mỗi lần nghe ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay là gia đình lại tìm đến hỏi mua. Cho đến bây giờ, không biết bà Bảy đã sử dụng qua không biết bao nhiêu loại thuốc, tốn không biết bao nhiêu chi phí mà không có bất kỳ một sự thay đổi nào. Tất cả con cái trong gia đình chỉ biết nhìn mẹ ngày càng tiều tụy dần mà lực bất tòng tâm.
“Tôi cũng không biết vì sao mình lại gặp phải trường hợp này. Trước đây, tôi khỏe mạnh lắm chứ có phải đau ốm bệnh tật như bây giờ đâu. Từ khi tình trạng mất ngủ kéo dài hết năm này qua năm khác, tôi cảm nhận được sức khỏe đi xuống một cách rõ rệt. Biết thế nên tôi mới cố gắng ăn uống để bù lại. Dù có thấy ngon miệng hay không, tôi cũng cố gắng ăn đủ 3 bữa nhưng sức khỏe cũng chẳng khá hơn là bao. Bây giờ tuổi cao, sức yếu không biết mình sống chết lúc nào mà lường.
Thế nên, tôi chỉ ước mình được ngủ một giấc như người bình thường trước khi nhắm mắt về với ông ấy, như thế cũng mãn nguyện lắm rồi. Với lại, tôi muốn tìm lại cảm giác được ngủ như thế nào, vì tôi đã không có được nó suốt 20 năm qua. Nhiều lần tôi thử uống thuốc ngủ xem sao, nhưng cũng không ngủ được mà chỉ thấy mệt hơn thôi.
Bây giờ, tôi chẳng muốn đi đâu để chữa trị cái căn bệnh quái lạ này nữa. Những năm qua, tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi rồi. Nơi nào họ cũng nói là không có bệnh, chỉ bị mất ngủ bình thường thế thôi, rồi cho thuốc về uống. Nhưng uống loại này qua loại khác mà có tác dụng gì đâu. Có lẽ, với tôi bây giờ chỉ có phép màu mới hy vọng ngủ được thôi!”, bà Bảy buồn rầu cho biết.
Trao đổi với PV, bác sĩ Trần Văn Mau - Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng) cho biết: “Bệnh lý mất ngủ có hai dạng, một dạng mất ngủ do tổn thương và mất ngủ vô căn. Trong đó, khi bị tổn thương gì đó ở não, người bệnh bị mất ngủ, dạng này cũng thuộc dạng khó chữa. Loại thứ hai là không có bệnh lí nào, bỗng dưng mất ngủ mà không có căn nguyên.
Hiện trong y văn thế giới chỉ nói bệnh lý mất ngủ thông thường, chứ việc lí giải vì sao mất ngủ hàng chục năm thì chưa có một lý giải nào khoa học, chính xác. Nếu bệnh nhân mất ngủ mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe thì không cần can thiệp, còn nếu mất ngủ kèm theo bệnh lí như cơ thể suy nhược thì phải can thiệp.
Hiện tại, Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng cũng đã chữa khỏi cho rất nhiều trường hợp bị mất ngủ, thường là người cao tuổi bị mất ngủ 2 đến 3 tháng. Còn chuyện người vài chục năm không ngủ thì chỉ biết một số trường hợp trên báo chí, chứ đến Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng chữa trị thì chưa từng ghi nhận”.